Cổng làng: Hồn nét riêng của mỗi vùng quê

GD&TĐ - Tồn tại song hành với các di sản văn hóa, nước ta có một số lượng các cổng làng cổ có sức mê hoặc du khách trên thế giới.

Cổng làng Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: ITN.
Cổng làng Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: ITN.

Bởi chính sự cổ kính với kiến trúc độc đáo của mỗi cổng làng đã tạo nên nét đẹp riêng của mỗi làng quê Việt Nam.

Di sản quý

Xưa kia đi đến đâu chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây đa, giếng nước, với ngôi chùa cổ, ngôi đình… tạo nên sức sống và bản lĩnh của làng. Làng to, làng nhỏ đều có những cổng làng và mặc định như những bộ phận không thể thiếu. Vì thế trong dân gian xưa đã có những ví von như: “Làng không cổng chẳng khác gì nhà không cửa”, hay “Nhà có nóc, làng có cổng”.

Theo ông Châu Giang - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang, cổng làng xưa kia chứa đựng rất nhiều mục đích, ý nghĩa. Cổng làng trước hết đề phòng trộm cướp, địch họa.

Trong làng còn có các cổng ngõ, nếu có trộm cướp, chỉ cần đóng cổng, dân làng đốt đuốc lên là kẻ gian khó đường tẩu thoát. Về mặt kiến trúc và trang trí, cổng làng lưu giữ một kho báu văn hóa vô giá. Chúng được xây dựng bằng những bàn tay tài tình của cha ông.

Cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương mà toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã. Có những cổng làng làm hai tầng (cổng thượng gia hạ môn), có những cổng làng một tầng (gọi là cổng một gian).

Cổng làng xưa thường có một cửa chính, hoặc một cửa chính và kế hai bên có hai cửa phụ thấp và nhỏ hơn, được trang trí hài hòa với cửa chính, tạo thành một tổng thể kiến trúc thống nhất tựa như những ngôi tam quan của chùa hay những bức cửa mã ở đình làng.

Làng quê xưa, mỗi làng có thể chỉ có một cổng duy nhất nhưng cũng có nhiều làng dựng hai cổng, gồm có cổng tiền và cổng hậu (cổng trước và cổng sau). Cổng tiền thường hướng về phía Đông Nam, hướng của Mặt trời mọc, hướng của gió lành, thể hiện ước vọng về sự sinh sôi, tươi tốt.

Còn cổng hậu, thường hướng về phía Tây, hướng Mặt trời lặn nhằm tiễn đưa những vướng bận, u sầu, không may mắn. Cánh cửa ấy mở ra mỗi sớm, với hy vọng mang về phúc lộc và niềm vui…

Chính vì vậy, những làng giàu, làng khoa bảng, làng nghề... tất cả những cái hay cái đẹp đều được các vị túc nho viết thành những đại tự. Câu đối hay những hoa văn, hình ảnh được phác họa trên cổng có nội dung nói về truyền thống tốt đẹp, thanh cao của làng hoặc những lời răn dạy đạo lý để con cháu của làng đi về, đọc trên đấy để mà hiểu...

Và chính vì thế nó đã vượt lên ý giá trị thực dụng dùng như một quy ước không gian hơn là một giới hạn địa lý của làng mà trở thành một phần của văn hóa làng, ẩn chứa hồn quê qua dáng vẻ kiến trúc được thể hiện chiều sâu văn hóa mỗi chiếc cổng làng. Nhất là khi mà ngày nay, cổng làng có vị trí quan trọng trong đời sống thực và đời sống tinh thần người dân Việt Nam.

Vì vậy cho dù ở giai đoạn nào, dưới góc độ xã hội, những chiếc cổng làng cổ đều là tài sản văn hóa, lịch sử, lưu giữ những giai đoạn lịch sử phát triển nhất định không thể tách rời của đất nước.

Bị lãng quên?

Cổng làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: ITN.

Cổng làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: ITN.

Đúng là công tác quản lý, bảo tồn kiến trúc cổng làng cổ thực sự có rất nhiều bất cập. Dường như chúng ta đang thiếu hụt là cả tri thức và ý thức bảo tồn những giá trị di sản quý này, khiến cho những chiếc cổng làng xưa cũ chứa đựng tinh thần, hồn cốt làng quê Việt dần bị lãng quên.

Cho đến nay, chưa có cơ quan nào thống kê cả nước có bao nhiêu cái cổng làng cổ và bao nhiêu cổng làng đã bị phá đi theo từng năm. Nhưng khảo sát sơ bộ, con số cổng làng cổ nhuốm màu thời gian đang tồn tại cũng chỉ khiêm tốn. Hầu hết những cổng làng được xây dựng từ thời xưa đã bị phá bỏ và chìm sâu vào ký ức xa xăm.

Ngay tại nhiều ngôi làng cổ cũng không còn tìm thấy bóng dáng cổng làng mang “dấu xưa” mà được thay thế bởi các kiểu cổng chào vay mượn, sao chép, ít giá trị thẩm mỹ, chữ viết sai hoặc không ai hiểu. Những cổng làng như thế không mang lại điều gì ngoài độ “hoành tráng” cho làng khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Nhất là trong những năm gần đây thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác xây dựng, tôn tạo cổng làng để bảo đảm tiêu chí về giao thông... Hầu hết các cổng làng được xây dựng trên nền diện tích lớn hơn nhằm thuận lợi cho người dân trong việc đi lại đã làm mất đi nét văn hóa cổ xưa.

Có nơi chưa coi trọng đúng giá trị văn hóa của cổng làng, chỉ làm cổng sơ sài bằng cổng sắt, được vài năm thì bị hoen gỉ rồi bỏ. Có những làng thì làm cổng theo lối đóng hộp, chạy đèn led ở trên hoặc rập khuôn giống hệt nhau không có đặc trưng của làng.

Gìn giữ cổng xưa

Rõ ràng cổng làng cổ là một trong thiết chế văn hóa của làng quê Việt bên cạnh đình, chùa, miếu, cây đa, bến nước, lũy tre… Dù ngày nay nó không còn chức năng bảo vệ như thành lũy xưa, nhưng trong tâm trí của mỗi chúng ta, khi nhìn thấy cổng làng, chắc hẳn đều có cảm giác bình yên, thơ mộng, vì mỗi con dân Việt đều có một quê hương ngự trị trong tâm hồn. Chỉ cần bước qua ranh giới là cảm nhận được sự khác biệt giữa đi và ở, giữa quê và phố, giữa an nhiên và xô bồ...

Làm thế nào để việc tu bổ, tôn tạo cổng làng cổ trong cuộc sống hiện đại là điều không hề đơn giản. Đã đến lúc cần tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chức năng trong việc phân định rõ trách nhiệm bảo trì, bảo tồn những công trình cổng làng cổ; Có phương án sửa chữa cổng làng cổ để tránh việc để tái diễn “mạnh ai nấy sửa”.

Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền gìn giữ, đầu tư kinh phí bảo tồn những cổng làng cổ thật sự có giá trị. Chỉ khi nào công tác bảo tồn thật sự đi vào bản chất, với sự nỗ lực và tâm huyết của các cơ quan liên quan cùng sự đồng thuận của người dân, thì những di sản nhà cổ sẽ có cơ hội tiếp tục song hành cùng nhịp sống hiện đại.

Đặc biệt, một trong những công việc cần được các cơ quan chức năng quan tâm lúc này là có biện pháp bảo vệ, bảo tồn các cổng làng cổ xưa như xếp hạng di tích cho cổng làng, treo biển giới thiệu sơ lược về lịch sử, tích cổng làng, gia cố các cổng làng cổ yếu trong phố thị… Từ đó để cổng làng cổ thực hiện đúng chức năng văn hóa nhân lên giá trị hồn Việt và truyền lại cho muôn đời sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ