Bên kia âm thanh
Bên kia âm thanh là những trải nghiệm âm nhạc và cảm xúc mới mẻ, độc đáo, là các cá tính nghệ thuật khác biệt được phô diễn thực hành. Mối quan hệ giữa truyền thống và công nghệ, hàn lâm và phi hàn lâm, quang cảnh cổ xưa và hiện đại... được đặt ra, tổng hòa trong không gian Liên hoan âm nhạc mới Hà Nội những ngày qua (16 - 21/12).
30 nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giám tuyển đến từ 9/11 quốc gia Đông Nam Á cùng nhau bàn thảo về những chuyển dịch trong hệ sinh thái âm nhạc đương đại và thể nghiệm Đông Nam Á.
Nhiều nghiên cứu dẫn luận rằng, Đông Nam Á là một tập hợp kỳ lạ của những quốc gia chia sẻ cùng nhau hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, cùng nhau trải qua những chấn thương văn hóa đến nay vẫn chưa lành.
Vừa chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và sau này do ảnh hưởng toàn cầu hóa của Tây - Âu mà cũng phần nào trở thành máu thịt của văn hóa mình, vừa giằng co giữa việc giữ và phát triển văn hóa truyền thống.
Có một điều khá phổ biến là nhiều người trẻ đang xem truyền thống đó là thứ lỗi thời, thiếu sức sống, không còn phù hợp và phản ánh được thời đại ngày nay. Họ phản ứng bằng cách không còn tiếp tục gìn giữ, thậm chí không chịu lắng nghe, không chịu thấu hiểu truyền thống. Do vậy, kế thừa hay làm mới âm nhạc truyền thống vẫn luôn là vấn đề gây trăn trở đối với những người thực hành nghệ thuật.
Có một con đường mới được xây đắp trong nhiều năm trở lại đây, đi xuyên qua các quốc gia như Việt Nam, Campuchia, Lào, Indonesia, Myanmar, Singapore... Mỗi nước đều có những người được xem như tiên phong trong việc khai thác báu vật di sản văn hóa nhưng đang thể nghiệm các cách thức triển khai di sản đó trong bối cảnh hiện đại.
Quá trình thực hành ấy là một chuỗi những mày mò, thể nghiệm với các chất liệu dân gian, truyền thống. Nhiều ý kiến nhận định, sự chuyển biến này thực tế không đơn giản vì chạm đến các vấn đề phức tạp như di sản, truyền thống... nhưng đó dường như là điều khá lý tưởng với âm nhạc đương đại.
Nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam cũng như âm nhạc Á Châu, Barley Norton - Khoa âm nhạc tại Goldmiths, Đại học London cho rằng, ngày càng nhiều nghệ sĩ Đông Nam Á lựa chọn cách làm việc này như một khẳng định về sự gắn kết với quá khứ - hiện tại và xây dựng ra những ý niệm mới.
Cảm thức nghệ thuật mới
Không hẳn truyền thống cũng không hẳn hiện đại, âm nhạc đương đại chòng chành giữa hai hướng, do đó có thể sẽ rất thách thức đôi tai người nghe, hoặc tạo nên cảm giác thích thú, hoặc đem đến sự nghi thị... Thế nhưng dòng chảy của đời sống nghệ thuật thế giới ngày càng dành vị trí quan trọng cho thể loại âm nhạc này.
Như ở Việt Nam, ta biết đến những cái tên như Ea Sola Thủy và Nguyễn Xuân Sơn với tác phẩm lấy cảm hứng từ chất liệu nhạc dân gian Việt Nam.
Nguyễn Xuân Sơn cho biết, giá trị cổ truyền được anh thể hiện qua những tác phẩm đương đại ở những khía cạnh khác nhau, có khi từ một nét giai điệu, một tiết tấu, đôi khi nó chỉ là cảm giác nào đó mơ hồ về cái cổ kính xa xưa. Vấn đề không phải là có mới nới cũ, cũng không phải là hoài cổ mà là thuận theo lẽ tự nhiên, thuận theo quá trình tạo ra - duy trì - tái sinh.
“Để nghệ thuật truyền thống tồn tại cho đến ngày nay là một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Cá nhân tôi cũng muốn thấy nghệ thuật truyền thống tiếp tục sống chứ không muốn nghệ thuật truyền thống trở thành một xác chết đẹp nằm trong các viện nghiên cứu hoặc các bảo tàng”, Nguyễn Xuân Sơn nói.
Hay mang đến trải nghiệm âm nhạc mới tại Liên hoan lần này, Six Tones muốn dùng âm nhạc để chứng minh có một cây cầu giao thoa văn hóa đa quốc gia. Đó cũng là ý tưởng để Nguyễn Thanh Thủy và Stefan Ostersjo (Thụy Điển) cùng tụ lại thành một nhóm nhạc, hoạt động dựa trên nền tảng gặp gỡ giữa văn hóa truyền thống và văn hóa thể nghiệm ở châu Á và phương Tây.
Với họ, thực hành nghệ thuật thực chất là quá trình trao đi đổi lại liên tục, giao thoa không giới hạn giữa các ngành văn hóa, các thể loại văn hóa và rộng hơn là các nền văn hóa với nhau. Sản phẩm của những mối hợp tác liên văn hóa này là sự ra đời tác phẩm nghệ thuật đa dạng, đầy ngẫu hứng, truyền thống mà hiện đại.
“Hình thức pha trộn, sự kết hợp âm nhạc điện tử với âm nhạc truyền thống đang hòa chảy theo xu hướng bão hòa âm thanh và sáng tạo của thế giới ngày nay. Nó đã và đang mang lại cho người nghe một cảm giác mới lạ về nghệ thuật”.
Chỉ ra điều này, nhà âm nhạc học - phê bình âm nhạc Lào Bountheng Souksavatd phân tích, chính sự ra đời và ngày càng phổ biến các hình thức nghệ thuật biểu diễn truyền thống và đương đại là một cách để đưa âm nhạc truyền thống sống cùng đời sống xã hội hiện đại.
Những thách thức, mối đe dọa do sự mai một nghệ nhân nghệ thuật truyền thống hay sự thờ ơ của giới trẻ đối với loại hình này sẽ giảm đi nhiều khi nghệ sĩ biết cách đem đến cảm thức âm nhạc mới. Bởi một khi tìm ra thứ ngôn ngữ phù hợp với mình, người ta sẽ lắng nghe, và rất có thể từ sự lắng nghe đó mà quay ngược tìm về những giá trị vốn bị cho là không còn hợp thời nữa.