(GD&TĐ) - Mong ước hai đứa cháu mồ côi của mình được đến trường, trưởng thành, tự lo được cuộc sống là nỗi day dứt của bà Phạm Thị Mu ở bản Nán (xã Thiết Ống, huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa). Hình ảnh người bà, vượt đồi đưa hai cháu đến lớp suốt 5 năm khiến nhiều người cảm động.
Thương hai đứa cháu mồ côi
Em Trương Văn Huy và bà đang ăn bữa trưa bằng phần xôi được để dành từ buổi sáng |
Sau chặng đường hơn 100 km (xuất phát từ TP Thanh Hóa), chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Thiết Ống I (xã Thiết Ống) khi toàn trường đã tan học giờ buổi sáng. Lúc này, trong trường chỉ còn lại những học sinh có nhà ở xa trường nghỉ lại buổi trưa để tiếp tục học buổi chiều.
Lẫn trong các em học sinh là một cụ già người nhỏ, nhưng nhanh nhẹn đang ngồi cùng trò chuyện với các cháu. Bữa trưa của bà cháu là nắm xôi được mua để dành từ sáng. Đám trẻ líu ríu, em thì “bà cầm hộ cháu cuốn sách”, em thì “trông hộ cháu đôi dép”… Các em đã quá quen với hình ảnh của bà trong ngôi trường này. Bởi ngày nào bà cũng đồng hành cùng hai đứa cháu đến trường.
Người bà ấy là bà Phạm Thị Mu (60 tuổi) ở bản Nán là bà của em Trương Văn Hiếu (học sinh lớp 4B) và em Trương Văn Huy (học sinh lớp 2C), Trường tiểu học Thiết Ống I. Hai em có hoàn cảnh đáng thương, mồ côi cha mẹ từ nhỏ.
Bà Mu chậm rãi kể lại câu chuyện dài của cuộc đời mình: Thời trẻ, bà và ông Trương Công Ray yêu thương nhau, rồi nên vợ nên chồng. Cuộc sống tưởng êm đềm hạnh phúc, nhưng cưới nhau đã nhiều năm mà ông trời vẫn không cho ông bà một đứa con.
Bà đã quyết định xin một đứa con nuôi, đứa bé đó được đặt tên là Trương Công Tuấn. Khi anh Tuấn trưởng thành, lấy vợ rồi lần lượt hai đứa cháu trai Hiếu và Huy ra đời. Ông bà mừng vui tưởng chẳng còn mong gì hơn nữa.
Thế nhưng, nhà nghèo, ngoài công việc đồng áng, anh Tuấn cũng như nhiều người dân trong bản thường vào rừng săn những con chuột rừng, vừa để có thêm thức ăn cho gia đình, vừa kiếm thêm thu nhập. Rồi vào một buổi tối, anh Tuấn vác nỏ đi săn rồi không thấy về.
Khi mọi người tìm thấy và mang anh về thì anh đã tử nạn trong rừng với những vết thương trên đầu. Ông bà đau đớn tiễn đứa con duy nhất ra đi. Khi đó, cháu Hiếu mới 3 tuổi, còn cháu Huy mới được hơn 1 tuổi. Không lâu sau, mẹ của hai cháu cũng bỏ nhà đi, không ai biết là đi đâu, và cũng không thấy liên lạc gì.
Đau đớn nhìn hai đứa cháu còn nhỏ dại, bơ vơ không có bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Tất cả tình yêu thương ông bà đều dồn hết cho các cháu, chăm sóc, lo lắng từng miếng ăn, giấc ngủ. Những khi trở trời, cháu bị ốm khuôn mặt bà trở nên hốc hác hơn bởi nhiều đêm thức trắng. Bà một lần nữa lại làm mẹ của hai đứa cháu mồ côi.
Mong cháu được đi học để sau này bớt khổ
Bà tranh thủ ăn trầu trong lúc đợi cháu bên ngoài lớp học. Ảnh: Nguyễn Quỳnh. |
Hai ông bà Mu chủ yếu sống bằng nghề nông. Với 4 sào ruộng, mỗi năm thu hoạch được 3 tạ lúa. Ông bà có trồng thêm được một ít diện tích luồng, là nguồn thu chính để cho sinh hoạt cả gia đình và nuôi hai cháu ăn học. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng bà vẫn mong cho các cháu được đến trường học cái chữ để sau này bớt khổ.
Ngay từ khi em Hiếu bắt đầu đi học mẫu giáo, ngày nào bà cũng đưa đến trường. Từ nhà đến trường gần 6 km, trong đó có khoảng hơn 2 km đường núi, vậy mà ngày nào bà cũng cõng em trên lưng. Khi Hiếu lên lớp 1, bà lại cõng em Huy cùng đi. Hình ảnh ba bà cháu ngày nào cũng dắt nhau tới trường đã trở thành quen thuộc với người dân nơi đây.
Bà Mu tâm sự: Các cháu đi học, từ nhà đến trường xa, đường lại khó đi nên bà không yên tâm để các cháu đi một mình. Vì vậy, dù vất vả nhưng bà cháu cơm cháo có nhau bà cũng thấy vui. Hàng ngày, ba bà cháu dậy đi học từ 5 giờ sáng đến 7 giờ mới đến trường.
Có những hôm trời mưa, đường trơn cả ba bà cháu cùng ngã. Đến trường, quần áo đã lấm lem bùn đất, bà lại phải lau rửa để cho các cháu vào lớp. Bữa ăn của ba bà cháu là gói xôi mua ở cổng trường, với 5.000 đồng cho cả bữa sáng và bữa trưa, cũng có hôm bà nắm cơm ở nhà mang đi.
Nhắc đến bà Phạm Thị Mu, các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Thiết Ống I đều kể về bà với giọng cảm phục. Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thiết Ống I - cho biết: Ngày nào bà cũng dắt em Hiếu và cõng trên vai em Huy tới trường, những hôm trời mưa đường núi trơn và khó đi nhưng bà cháu vẫn không vắng mặt.
Khi các cháu vào học, bà lại ngồi ngoài sân trường hoặc ngoài cổng để đợi. Các thầy cô ở đây vô cùng cảm động trước hình ảnh ấy. Hai em Hiếu và Huy đều là học sinh ngoan. Nhà trường cũng thương hoàn cảnh của các em nên hàng năm cũng hỗ trợ, miễn giảm các khoản đóng góp, giúp các em phần nào bớt khó khăn.
Bây giờ cả hai em đã lớn, bà không còn phải cõng nữa, nhưng lưng bà đã còng đi nhiều bởi những đoạn đường đồng hành cùng hai đứa cháu mồ côi thiếu tình yêu thương cha mẹ suốt nhiều năm qua.
Chúng tôi đến nhà bà Mu khi cơn mưa vừa ngớt, con đường núi vào bản Nán vẫn còn lầy và trơn. Chỉ có hơn 2 km đường núi, nhưng chúng tôi phải đi gần 1 tiếng đồng hồ mới lên được đến nơi. Ngôi nhà sàn yên ắng, chỉ có mình ông Ray đang tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều.
Đây là công việc đã quen thuộc với ông nhiều năm qua. Ông cho biết, bà phải đưa hai cháu đi học nên ở nhà ông phải thay bà làm việc đồng và việc nhà. Nhà còn có mẹ của ông bị ốm liệt mấy năm nay, ông cũng phải thay bà chăm sóc.
Ông Ray lo lắng, chia sẻ: “Ông bà ngày càng già yếu, chỉ lo không thể chăm sóc đến lúc các cháu lớn khôn. Các cháu vẫn đang còn nhỏ, tuổi già như chiếc lá trên cây không biết rụng lúc nào… sau này, các cháu không biết sẽ nương tựa vào đâu?”
* Mọi sự quan tâm, chia sẻ của bạn đọc tới hoàn cảnh gia đình bà Mu xin được liên hệ qua báo Giáo dục và Thời đại: 29B Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc qua địa chỉ: Trương Văn Hiếu học sinh lớp 4B (hoặc em Trương Văn Huy học sinh lớp 2C) Trường tiểu học Thiết Ống I, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Hoặc theo số điện thoại của cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thiết Ống I: 037. 3707063.
Nguyễn Quỳnh