2019 là một năm đáng nhớ với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) (6/8/1959 - 6/8/2019) khi kỷ niệm tròn 60 năm hình thành và phát triển.
Để tạo điểm nhấn cho thời điểm quan trọng đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Nhà nước, VNOB sẽ tổ chức một chuỗi hoạt động nghệ thuật. trong đó công diễn hai tác phẩm lớn của Việt Nam và thế giới là vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng vở vũ kịch Hồ Thiên nga.
Các nghệ sĩ đang nỗ lực tập luyện "Người tạc tượng". |
Đã 44 năm trôi qua, kể từ khi công bố lần đầu tiên (1975), vở “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới được VNOB phục dựng trở lại và công diễn phục vụ khán giả.
Nỗ lực và mong chờ ngày công diễn "Người tạc tượng". |
Theo NSƯT Trần Ly Ly, quyền Giám đốc VNOB: “Đây là một nỗ lực rất cao của VNOB khi quyết tâm dàn dựng và công diễn lại vở nhạc kịch được coi là di sản âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam. Vở nhạc kịch quy tụ một ekip sáng tạo lớn với nhiều nghệ sĩ nhà nghề trong chỉ đạo nghệ thuật, đạo diện múa, biên tập - đạo diễn âm nhạc và hàng loạt diễn viên kỳ cựu của VNOB”.
Con trai cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận – nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sẽ nhận lãnh vai trò chỉ huy, đạo diễn âm nhạc. Đảm nhận vị trí đạo diễn sân khấu là NSƯT Trần Lực, họa sĩ Hoàng Hà Tùng thiết kế mỹ thuật, NSND Hồng Phong chịu trách nhiệm đạo diễn múa.
Các diễn viên gạo cội NSƯT Mạnh Dũng, Tố Loan, Bùi Thị Trang đảm nhận các vai nặng ký trong “Người tạc tượng” như Thạch Sơn, H’ Nuôn - Con gái già làng Aêpông,…
Chia sẻ tâm trạng khi tham gia làm sống lại tác phẩm lờn mà cha mình đã gửi vào đó cả tài năng và bao tâm huyết, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân rất tin tưởng vào các đồng nghiệp và sự thay đổi mang tính căn bản về nội dung tác phẩm.
Ông cho biết: “Nội dung xuyên suốt của “Người tạc tượng” chủ yếu nói về tình yêu một thời khói lửa, sự thủy chung và tình yêu đất nước, chứ không quá nhấn mạnh vào sự mất mát của con người hay khốc liệt trong cuộc chiến”.
Nếu như Người tạc tượng là tác phẩm đỉnh cao của Việt Nam thì “Hồ Thiên nga” lại là một trong những kiệt tác nghệ thuật thế giới.
Vũ điệu của Thiên nga. |
Hơn 30 năm trôi qua, Ballet Việt chưa thể trình diễn một cách đầy đủ “Hồ Thiên nga” mà chỉ là những trích đoạn nhỏ, lẻ hoặc mời đoàn Ballet Nga sang trình diễn. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ tâm huyết với Ballet Việt ưu tư, lo lắng và tìm mọi cách dựng lại tác phẩm kinh điển này.
Vẻ đẹp quyến rũ của "những nàng Thiên nga". |
Kể từ khi được giao điều hành, quản lý VNOB, NSƯT Trần Ly Ly đã mong mỏi đưa toàn bộ “Hồ Thiên nga” lên sân khấu Việt.
Bà chia sẻ: “Việc dựng vở Ballet Hồ Thiên nga phiên bản 2019 là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ VNOB. Bởi lẽ vở diễn không chỉ đầu tư về tiền bạc, Hồ Thiên nga còn đòi hỏi trình độ biểu diễn và sự tập trung cao độ của tất cả dàn diễn viên, nghệ sĩ.
60 nghệ sĩ của Nhà hát tham gia dàn nhạc chơi live suốt vở cùng với hơn 60 diễn viên múa trong suốt 6 tháng tập luyện ròng rã’.
Sức hấp dẫn khó cưỡng lại khi thưởng lãm "Hồ Thiên nga". |
Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB về cơ bản vẫn được dựng theo trường phái Nga.
Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Lê Ngọc Văn, Đạo diễn - Biên đạo múa: “Hồ Thiên nga của VNOB có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn riêng, để tạo nên nét độc đáo mang bản sắc Việt. Tôi đã tận dụng tối đa vẻ mềm mại uyển chuyển của diễn viên, sự năng động và hoạt bát của các tài năng trẻ, cắt bỏ những phần rườm rà để tạo nên một Hồ Thiên nga của người Việt”.
Một cảnh lộng lẫy của Hồ Thiên nga. |
Hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát và Học viện Múa Việt Nam cùng đóng góp tâm huyết, tình yêu nghệ thuật cho vũ kịch này.
Vũ kịch Hồ Thiên nga |
Đặc biệt, với sự hợp tác của nhóm thiết kế EllieVu, phục trang sẽ đem đến cho “Hồ Thiên nga” vẻ đẹp lộng lẫy của hoàng gia Nga cùng sự bí ấn đầy ma thuật của họa tiết hoa sen Việt.