Công điện gửi tới giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.
Công điện nêu rõ: Từ cuối tháng 10 năm 2023 đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên liên tục xảy ra mưa lớn; nhiều nơi bị ngập lụt, sạt lở đất, chia cắt giao thông gây ra thiệt hại về người, nhà cửa và tài sản của nhân dân.
Dự báo trong những ngày tới, tình hình thiên tai nói chung và sạt lở, ngập lụt nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp.
Để chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh, hạn chế thiệt hại về tài sản và các công trình trường học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu:
Giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk tổ chức kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục khu vực ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, khu vực sườn dốc.
Từ đó, kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ sạt lở khi có mưa lớn. Kiên quyết di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng về người, hạn chế thiệt hại về tài sản cho các nhà trường.
Ứng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; giữ liên hệ thường xuyên với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Lên phương án đảm bảo an toàn dạy và học. Trong trường hợp cần thiết có thể cho học sinh nghỉ học. Khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp phòng ngừa dịch bệnh sau mưa lũ.
Công điện cũng yêu cầu liên tục cập nhật thông tin, tổng hợp thiệt hại (trong đó lưu ý thiệt hại về sách giáo khoa của học sinh, báo cáo Bộ GD&ĐT để xem xét hỗ trợ); lên phương án xử lý báo cáo UBND cấp tỉnh để khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT.