Tham dự buổi lễ có ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quốc Hùng; ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế…
Tại buổi lễ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng đã công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Huế giai đoạn 2023 – 2025.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và trao tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Huế bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, đã thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành rất cao.
Từ 1/1/2025, cùng TP Hà Nội, TPHCM, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng và TP Cần Thơ, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.
"Đây không chỉ là niềm tự hào, ước nguyện từ lâu của các thế hệ lãnh đạo, Nhân dân TP Huế, mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho một địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, một vùng đất địa linh nhân kiệt", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong lịch sử dựng nước và phát triển, TP Huế luôn giữ một vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng; là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây; là một trong những trung tâm lớn về văn hoá, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu; là một cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung và có vị trí trọng điểm về quốc phòng, an ninh của cả nước.
Đây còn là vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993, đó chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù của thành phố trực thuộc Trung ương có tính chất “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển, Huế đã rất nỗ lực “chuyển mình” và đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng.
Huế đã xây dựng được mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường; hình thành và phát triển được các trung tâm về văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đạt được nhiều kết quả quan trọng; kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên...
Việc Quốc hội khóa 15 ban hành Nghị quyết số 38 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó quy định cụ thể một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, phí tham quan du lịch và quỹ bảo tồn di sản Huế, làm cơ sở để thúc đẩy quá trình phát triển ổn định, cân đối, hài hoà, vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.