Công bằng trong giáo dục dân tộc

Công bằng trong giáo dục dân tộc

(GD&TĐ) - Quan tâm phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người là góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo cho những vùng đất này. Những năm qua, Nhà nước ta đã có những chế độ, chính sách đặc thù, tạo cơ hội cho trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người được học tập, đảm bảo thực hiện công bằng trong giáo dục. 

Những mục tiêu lớn

Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 đã đề ra mục tiêu chung đó là: Tạo điều kiện phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các dân tộc rất ít người. Trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt, được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt để có trình độ văn hóa, trình độ nghề, bổ sung vào đội ngũ cán bộ nguồn phục vụ địa phương và đất nước.

Bên cạnh đó, trong từng giai đoạn cũng đề ra những mục tiêu cụ thể. Ở giai đoạn 2010 – 2012, chúng ta đã hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp tại các thôn bản có học sinh dân tộc rất ít người. Xây mới đủ số phòng học, cấp đủ thiết bị, đồ dùng dạy học cho các điểm trường tiểu học có học sinh dân tộc rất ít người.

Cùng đó, xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người. Biên soạn các tài liệu đặc thù bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc rất ít người.

Trẻ em dân tộc được sự quan tâm mọi mặt của Đảng, Nhà nước
Trẻ em dân tộc được sự quan tâm mọi mặt của Đảng, Nhà nước
 

Ở giai đoạn 2013 – 2015 sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc ít người. Trong đó đảm bảo được 95% trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi dân tộc rất ít người được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới tại các trường, lớp mẫu giáo thôn bản công lập; 100% học sinh dân tộc rất ít người cấp

Tiểu học được học tại các điểm trường ở thôn bản và ở các trường phổ thông dân tộc bán trú; 100% học sinh dân tộc rất ít người hoàn thành chương trình tiểu học được vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện hoặc trường phổ thông dân tộc bán trú; 100% học sinh dân tộc rất ít người tốt nghiệp Trung học cơ sở ở các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú được vào học tại trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh hoặc trường phổ thông dân tộc nội trú huyện liên cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hoặc vào học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp;

95% học sinh dân tộc rất ít người sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông được ưu tiên cử tuyển, xét tuyển đặc biệt vào các trường, khoa dự bị đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề; 100% trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo được hưởng chế độ, chính sách đặc thù về hỗ trợ học tập.

Vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc rất ít người cũng được quan tâm. Làm sao phải bảo đảm  được 100% giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc rất ít người được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ...

Nhiều chính sách hỗ trợ

Nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em dân tộc tới trường
Nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em dân tộc tới trường
 

Để thực hiện tốt những mục tiêu lớn đề ra trong việc phát triển giáo dục các dân tộc ít người giai đoạn 2010 – 2015 việc xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người vô cùng quan trọng. 

Cần tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tại các cơ sở giáo dục phù hợp. Trong đó, trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các trường, lớp mẫu giáo thôn bản; Học sinh tiểu học được nuôi, dạy tại trường tiểu học.

Tùy theo điều kiện thực tế, học sinh có thể học tại các điểm trường hoặc tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở nơi gần nhất; Học sinh Trung học cơ sở và trung học phổ thông được nuôi, dạy tại các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, học sinh dân tộc rất ít người được ưu tiên xét tuyển vào học tại các trường, khoa dự bị đại học, cao đẳng, đại học; được học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cơ sở dạy nghề theo khả năng và nhu cầu của từng học sinh.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện chính sách phù hợp, bền vững cho trẻ em, học sinh và sinh viên dân tộc rất ít người. Trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ đặc biệt về học tập. 

Cụ thể: Đối với trẻ em dân tộc rất ít người học mẫu giáo tại các trường, lớp mầm non công lập: trẻ em dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học mẫu giáo tại các trường, lớp mầm non công lập được hưởng mức hỗ trợ bằng 30% mức lương tối thiểu chung/trẻ/tháng. 

Đối với học sinh các dân tộc rất ít người cấp Tiểu học: Học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại các điểm trường ở thôn bản được hưởng mức hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung/HS/tháng; Học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại trường phổ thông dân tộc bán trú và ở bán trú được hưởng mức hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu chung/HS/tháng.

Đối với học sinh dân tộc rất ít người cấp Trung học cơ sở: Học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại trường phổ thông dân tộc bán trú và ở bán trú được hưởng mức hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu chung/HS/tháng. Học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/HS/tháng.

Đối với học sinh dân tộc rất ít người cấp Trung học phổ thông: Học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/HS/tháng.

Học sinh dân tộc rất ít người sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông có thể tiếp tục học theo các hướng sau:

Học sinh dự kỳ thi tuyển sinh quốc gia vào các trường đại học, cao đẳng, nếu không đủ điểm vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng thì được xét tuyển vào học tại các trường, khoa dự bị đại học (1 – 2 năm);

Học sinh không vào học tại các trường đại học, cao đẳng, dự bị đại học được tuyển thẳng vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề).

Đối với học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người học tại các trường, khoa dự bị đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề: Học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại các trường, khoa dự bị đại học, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/SV/tháng;

Trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo học tại các cơ sở giáo dục nói trên được hưởng mức hỗ trợ là 12 tháng/năm...

Đối tượng, phạm vi áp dụng của Đề án Phát triển giáo dục các dân tộc ít người giai đoạn 2010 – 2015: Các cơ sở giáo dục có trẻ em, học sinh, sinh viên 9 dân tộc rất ít người: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao trong phạm vi 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum;

Trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi, học sinh, sinh viên 9 dân tộc rất ít người: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao ở 6 tỉnh trên.

Trang báo được thực hiện với sự phối hợp của Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT)

Mai Hoàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ