(GD&TĐ) - Thằng Phong chạy ào lên bảng. Giáo viên chủ nhiệm cũng là giáo viên dạy lớp môn Địa đang thu xếp giấy tờ trên bàn chuẩn bị ra khỏi lớp. Nó muốn tranh thủ lúc này để xin xỏ.
Để tăng thêm sức thuyết phục, nó khoanh tay rất khít và rất ngoan để chứng minh rằng đây là vấn đề nghiêm túc, chứ không gãi đầu gãi tai vốn là cử chỉ thường hay dùng khi gặp chuyện gọi là vi phạm nội qui, có lỗi, bị kiểm điểm. Giọng nói của nó cũng rõ ràng, tiếng nào nghe ra tiếng đó chứ không lí nhí, nhỏ rí:
- Thưa cô. Cho em đổi chỗ khác. Ngồi chỗ đó khó học lắm cô ơi. Em sợ bị điểm yếu cuối học kì, má em la.
Chủ nhiệm nhìn thẳng vô mặt thằng Phong, ánh mắt tuy dò hỏi nhưng đã bộc lộ rõ vẻ không bằng lòng. Giọng nói của chủ nhiệm vì vậy tất nhiên là không mềm mại:
- Em giỏi quá ha. Mới ngồi học có một buổi hôm qua mà đã dự đoán được kết quả nguyên cả học kì rồi. Cô biểu ngồi đâu cứ ngồi đó. Đừng có lộn xộn.
Tay thằng Phong đang khoanh vòng, nghe cô giáo không giải quyết lời đề nghị của mình, nó bèn bung một tay ra, đưa lên tai, gãi mấy cái rồi chuyển lên đầu, gãi tiếp:
- Em nói thiệt mà cô. Cô không cho, em kêu má em vô xin cô đó.
Cô chủ nhiệm đã dọn xong giấy tờ sổ sách trên bàn cho vô cặp. Đã tới giờ phải qua dạy lớp khác, cô gật đầu:
- Má em có thể gọi điện thoại nói với cô cũng được. Khỏi cần vô gặp trực tiếp, đỡ mất thì giờ của cả hai bên. Nhớ chưa? Vậy nghe.
Ảnh minh họa |
Ngay tối hôm đó, má thằng Phong gọi vào điện thoại di động của cô chủ nhiệm. Giọng nói của bà rất tha thiết, rất mong cô chấp nhận yêu cầu xin đổi chỗ của thằng con:
- Thưa cô, cô xếp cho cháu ngồi chung bàn với con gái tôi thấy rất lo. Dạ, xin phép trình bày đầu đuôi với cô như vầy. Tôi có mình nó là con trai. Từ hồi nhỏ tới giờ, ở nhà nó bị hai con chị ăn hiếp đủ đường nên nó đâm ra nể sợ con gái. Riết rồi thành thói quen. Trong lớp mà ngồi gần con gái thì nó bu theo, ham mê nói đủ thứ chuyện, không học hành gì được. Có đồ ăn, đồ uống, đồ dùng học tập viết bi, thước kẻ, bút xóa gì cũng chia cho con gái. Nó mới xin tiền mua cuốn tập 100 trang, vậy mà bữa trước bữa sau thấy còn có cái bìa không. Hỏi tại sao, nó nói thầy cho làm bài kiểm tra, tụi bạn gái ngồi chung quanh xin mỗi đứa mấy tờ, nó bứt ra cho hết, sạch trơn. Cô nghĩ coi có khổ không? Cô ráng giúp dùm tôi.
Cô chủ nhiệm trấn an má thằng Phong:
- Mấy em học sinh hay giúp đỡ nhau kiểu đó mà. Bữa nay em này cho, bữa khác em khác cho. Cho qua cho lại như vậy mới có tình cảm bạn bè cùng lớp. Mấy em cũng làm giống như kiểu bà con sống chung một xóm, lúc tắt lửa tối đèn có nhau vậy. Nhưng nếu phụ huynh đã có ý kiến, tôi sẽ nhắc nhở mấy em.
Má thằng Phong thấy câu trả lời của cô giáo không hề đá động gì tới vụ giải quyết yêu cầu xin đổi chỗ, tránh xa tụi con gái nên bà tiếp tục kể lể:
- Tánh tình nó yếu đuối, nên tôi muốn nó ngồi gần với con trai để cho nó học được tính cách bạo dạn, mạnh mẽ. Sau này còn có bồ bịch, lấy vợ có con, làm chủ gia đình như người ta. Cô thấy tôi suy nghĩ vậy có đúng không?
Cô chủ nhiệm cười tủm tỉm một mình, trả lời rằng ý kiến của phụ huynh rất đúng, rồi cô hứa:
- Ngày mai, tôi sẽ vào trường giải quyết cho em Phong ngồi chung bàn với các nam sinh khác. Phụ huynh cứ yên tâm.
Mọi việc coi như xong. Thằng Phong chỉ việc ôm cặp qua bàn khác. Sơ đồ lớp sẽ dán lên hai miếng giấy khác, trên đó ghi tên hai đứa vừa được hoán đổi chỗ ngồi.
Thằng Phong đi học buổi sáng. Buổi sáng đó, giáo viên chủ nhiệm không có giờ dạy trong lớp thì ngay buổi trưa, đang ăn cơm, cô chủ nhiệm lại tiếp phụ huynh qua điện thoại.
Trong điện thoại, tiếng của má thằng Phong nghe như kêu cứu:
- Cô ơi, có cách nào giúp tôi. Tụi con gái thì giữ lại, không cho nó đi bàn khác, còn tụi con trai trong lớp không thích ngồi chung với nó, nói nó là đứa nhiều chuyện.
Cô chủ nhiệm nghĩ thật nhanh. Sáng mai mình phải nói với thằng Phong về chuyện giới tính thôi.
Cao Kim Nga