Còn nhiều 'khoảng trống'…

GD&TĐ - Về việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp, Bộ Công Thương cho rằng, mục tiêu là nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của khách hàng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn, sẽ có hai trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất.

Trường hợp thứ nhất là mua bán điện thông qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư. Trong trường hợp này, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện...

Đơn vị phát điện có trách nhiệm thực hiện việc đầu tư xây dựng dự án điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực và thực hiện quy định về cấp phép hoạt động điện lực.

Đơn vị phát điện và khách hàng có trách nhiệm thực hiện các quy định về mua bán điện, giá bán điện theo quy định. Giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1062/QĐ-BCT ngày 4/5 và các thông tư của Bộ Công Thương.

Trường hợp thứ hai là mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát điện và khách hàng. Với trường hợp này, bên phát điện và bên mua điện vẫn phải thông qua đơn vị bán lẻ điện, đồng thời kèm theo nhiều điều kiện như đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc Mặt trời phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10MW trở lên. Khách hàng sử dụng điện lớn là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22kV trở lên.

Trong giai đoạn khi Luật Giá và các văn bản hướng dẫn các loại giá và phí quan chưa có hiệu lực, đơn vị bán lẻ điện thực hiện phân phối, cung cấp điện cho khách hàng theo giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn từ thời điểm Luật Giá và các văn bản hướng dẫn các loại giá và phí liên quan có hiệu lực, đơn vị bán lẻ điện và khách hàng mua điện theo giá điện phản ánh đúng và đầy đủ theo các khoản phí trên thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ...

Thực tế, từ năm 2017, Bộ Công Thương đã giao Cục Điều tiết điện lực tổ chức thực hiện dự án nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện.

Đến năm 2021, Bộ Công Thương hoàn thiện và kiến nghị việc xây dựng Thông tư quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện.

Đến tháng 5/2022, hình thức văn bản đã đổi thành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Và đến nay, vấn đề này dự kiến sẽ được quy định trong Nghị định.

Về việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp, Bộ Công Thương cho rằng, mục tiêu là nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của khách hàng; góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường; đồng thời là bước chuẩn bị cần thiết để chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại nước ta...

Đồng tình với đề xuất này, nhiều ý kiến khẳng định, đây là cơ chế quan trọng để thu hút các nhà đầu tư không chỉ trong lĩnh vực năng lượng. Vậy nhưng đáng tiếc đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều “khoảng trống” về cơ chế mua bán điện trực tiếp, trong đó, đặc biệt quan trọng là các vấn đề về hạ tầng thực hiện, hệ thống truyền tải từ nguồn phát đến các hộ tiêu thụ điện. Ngoài ra còn có những vấn đề khác như chi phí phân phối và chi phí bán lẻ vì Luật Điện lực và Luật Giá chưa quy định chi phí phân phối điện...

Lợi ích nếu triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp đã rõ. Vấn đề còn lại liên quan đến các yếu tố kỹ thuật phải được các cơ quan chức năng tính toán kỹ lưỡng với mục tiêu cao nhất là bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn, liên tục cho nền kinh tế với mức giá hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ