Con người bắt đầu hôn từ khi nào?

GD&TĐ - Từ nụ hôn say đắm đến cái hôn nhẹ lên má, lên trán…, biểu hiện tình cảm này từ lâu là một thành phần quan trọng trong các mối quan hệ ở một số nền văn hóa trên thế giới.

Nụ hôn ở Quảng trường Times – New York (Mỹ) trong ngày kết thúc Thế chiến thứ Hai (14/8/1945) do nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt chụp. 
Nụ hôn ở Quảng trường Times – New York (Mỹ) trong ngày kết thúc Thế chiến thứ Hai (14/8/1945) do nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt chụp. 

Nhưng con người bắt đầu hôn từ khi nào và tại sao phải thể hiện điều này? 

Từ Ấn Độ sang châu Âu

Theo kinh Vệ Đà, văn bản bằng tiếng Phạn của Ấn Độ có vào khoảng năm 1500 trước CN, người dân ở Ấn Độ thường cọ trán và mũi vào nhau như một hình thức chào hỏi.

Vài thế kỷ sau, trong sử thi Mahabharata của nước này cũng có mô tả hành động hôn môi, trong khi Kama Sutra, quyển sách kinh điển hướng dẫn về tình dục được viết vào khoảng thế kỷ thứ 3 CN đã dành nhiều trang đề cập đến kỹ thuật hôn.

Người ta cho rằng, Alexander Đại đế đã mang tập tục hôn trở về phổ biến ở châu Âu, sau khi xâm lược Ấn Độ vào thế kỷ thứ 4 trước CN. Từ đó, hôn được lan truyền trên thế giới. 

Nụ hôn. Ảnh minh họa.
Nụ hôn. Ảnh minh họa.

Từ kỷ nguyên cổ điển đến thời kỳ Trung cổ, nụ hôn phục vụ nhiều chức năng ngoài sự lãng mạn. Nó có thể được thể hiện như hình thức đóng dấu trong các văn bản giao dịch kinh doanh hay đàm phán chính trị (người ta đã vẽ “X” cho tên của họ trên tài liệu và hôn lên nó để làm cho nó hợp pháp), hoặc như một nghi thức chào hỏi, đặc biệt giữa nam giới.

Vào thời Trung cổ ở châu Âu, mọi người thường hôn nhau, nhưng hành động này phải theo các quy tắc cụ thể dựa trên địa vị xã hội. Với những người ngang hàng thì người ta hôn lên môi nhau.

Với cấp trên thì hôn lên tay, má, chân hoặc đầu gối, gấu áo họ. Còn với nhân vật quan trọng, có địa vị cao, không thể hôn trực tiếp, thì sẽ hôn mặt đất trước mặt người đó.

Tuy nhiên, vào năm 1439, vua Henry VI ở Anh cấm hôn hoàn toàn trên khắp vương quốc vì sợ lây lan bệnh dịch hạch. Đến năm 1600, nụ hôn nơi công cộng gần như biến mất, thay vào đó những hình thức như cúi đầu, nhún gối và ngả mũ lại phổ biến hơn vào thời của Đại văn hào Shakespeare trong suốt những năm 1800.

Vòng quanh thế giới

Tượng The Kiss nổi tiếng của Auguste Rodin (tại Tokyo, Nhật Bản) làm từ đá cẩm thạch.
Tượng The Kiss nổi tiếng của Auguste Rodin (tại Tokyo, Nhật Bản) làm từ đá cẩm thạch.

Hôn chạm lưỡi hay hôn sâu được cho là phát xuất từ người Pháp. Thực tế, binh lính Anh và Mỹ trong Thế chiến II đã đặt ra thuật ngữ “nụ hôn kiểu Pháp”, sau khi chứng kiến các màn gặp gỡ của “những công dân Pháp thích phiêu lưu tình dục”.

Nhưng người Pháp không có từ cụ thể để chỉ hành động này, cho đến khi galocher, một thuật ngữ có nghĩa là “nụ hôn bằng lưỡi” chính thức được thêm vào từ điển tiếng Pháp Petit Robert xuất bản năm 2014.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hôn. Nụ hôn lãng mạn khiến người dân ở một số nền văn hóa kinh tởm. Ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như Thái Lan, người ta cho rằng, hôn môi tương tự như tục ăn thịt đồng loại. Và cho đến ngày nay, việc thể hiện tình cảm nơi công cộng không phổ biến ở quốc gia này.

Còn người Trung Quốc trước đây thì xem ý tưởng về việc hôn ở nơi công cộng là tục tĩu. Hawn-gaem (có nghĩa là hôn hít, trong đó một người chỉ cần áp mũi vào má hoặc trán của người khác và hít sâu) phổ biến hơn ở những quốc gia châu Á, cũng như New Zealand và quần đảo Polynesia.

Những người Eskimo sống ở Bắc Cực cọ mũi vào nhau thay vì hôn bằng miệng. Họ tin rằng làm như vậy miệng sẽ không bị đông cứng với nhau do thời tiết cực lạnh.

Các nhà nhân chủng học đưa ra giả thuyết, nụ hôn này xuất phát từ hành động ngửi và cọ mặt nhau của động vật vùng lạnh. Cư dân ở Mangaia (hòn đảo lâu đời nhất ở Thái Bình Dương, ước khoảng 18 triệu năm tuổi), chưa từng nghe nói đến từ “hôn”, cho đến khi họ bắt đầu biết đến tiếng Anh vào những năm 1700. 

Những du khách châu Âu đầu tiên đến Nhật Bản tin rằng, người Nhật không hôn nhau vì họ chưa bao giờ chứng kiến ​​hành động này. Tuy nhiên, họ không nhận ra là người Nhật cổ xem hôn là một hành động thân mật, được thể hiện trong phòng ngủ và không thể hiện công khai.

Có vẻ như người Nhật đã nới lỏng hơn một chút sự thể hiện tình cảm này sau khi tiếp xúc với người châu Âu, nhưng nụ hôn nơi công cộng vẫn còn bị chê trách như cách nay 50 năm. Khi bức tượng của Rodin mang tên Nụ hôn được trưng bày ở thủ đô Tokyo những năm 1920, nó đã bị giấu đằng sau một bức mành tre.

Trên thực tế, người Nhật thậm chí còn không có từ “hôn” trong ngôn ngữ của mình. Họ đã mượn một từ tiếng Anh, kisu, để mô tả hành động này.  

Vì sao có nụ hôn

Trên thế giới, hôn không phải có ở tất cả các nền văn hóa. Một số nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng, nụ hôn hoàn toàn bản năng, xuất phát từ mong muốn bẩm sinh của con người là muốn được gần gũi nhau. Cũng có người cho rằng hôn là hành vi có học hỏi và tiến hóa, cùng với sự phát triển của xã hội loài người. 

Theo nhiều chuyên gia, con người hôn nhau bắt nguồn từ việc mớm thức ăn giữa mẹ và con. Nhiều loài động vật có vú nhai nát thức ăn rồi truyền cho con giúp cho chúng dễ tiêu hóa, và con người trước đây cũng nằm trong số này. Sau khi nhai, họ sẽ chuyển thức ăn từ miệng mình sang miệng của con bằng cách ép môi vào nhau.

Dần dần, mọi người cảm thấy thích thú với hành động chạm môi và bắt đầu thể hiện nó vì sự khoan khoái hơn là để tồn tại. Tuy nhiên, điều này không giải thích được vì sao một số nền văn minh không hôn nhau, cho đến khi Alexander phổ biến nó. 

Chúng ta có thể không có được một lời giải thích rõ ràng về nụ hôn, nhưng dù thế nào đi nữa, cho đến nay, biểu hiện tình cảm này vẫn không thể thiếu giữa những người yêu thương nhau. 

Theo Historydaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.