Cơn khát thịt gà

GD&TĐ - Malaysia là một trong những nước tiêu thụ nhiều thịt gà trên thế giới, trung bình mỗi người dân một năm tiêu thụ khoảng 50kg, biến loại thịt này trở thành nguồn cung protein phổ biến nhất tại đây.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhằm ổn định thị trường nội địa đang lâm vào cuộc khủng hoảng thiếu thịt gà trầm trọng, Malaysia thông báo sẽ hạn chế xuất khẩu gà từ ngày 1/6, kéo theo nước láng giềng Singapore cũng sẽ bị thiếu hụt sản phẩm này.

Malaysia là một trong những nước tiêu thụ nhiều thịt gà trên thế giới, trung bình mỗi người dân một năm tiêu thụ khoảng 50kg, biến loại thịt này trở thành nguồn cung protein phổ biến nhất tại đây.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, nguồn cung thiếu hụt đã khiến giá thịt gà tại Malaysia tăng vọt và buộc các nhà bán buôn và bán lẻ phải giới hạn số lượng gà bán cho khách.

Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ Mydin phổ biến tại Malaysia là ông Ameer Ali Mydin cho biết, công ty của ông đã phải hạn chế bán thịt gà ở mức 2 con cho mỗi khách hàng tại các cửa hàng của mình.

Giải pháp này buộc phải thực hiện do các đơn đặt hàng thịt gà hàng tuần của Mydin đã giảm xuống 40 tấn, so với mức thông thường 100 tấn mà họ vẫn nhận được.

Ngoài giới bán buôn, các nhà bán lẻ thịt gà ở các chợ cũng lâm vào tình trạng tương tự. Ông Ishak Shaifuddin, một người bán gà tại chợ ẩm thực ở Larkin, bang Johor, cho biết ông chỉ nhận được chưa tới 10% nguồn cung thông thường, tức là 40 con so với yêu cầu 500 con của mình.

Câu chuyện hạn chế xuất khẩu thịt gà của Malaysia này đã nối dài danh sách các loại lương thực thực phẩm mà hàng loạt nước trên thế giới đang ngăn xuất ra nước ngoài để bảo đảm nguồn cung trong nước.

Trước đó, Indonesia cũng hạn chế xuất khẩu dầu cọ, trong khi Ấn Độ, Nga và Belarus hạn chế xuất khẩu lúa mì. Một vựa lúa mì của thế giới là Ukraine thì không thể xuất khẩu do chiến tranh.

Tất cả các hạn chế xuất khẩu nói trên đều có một nguyên nhân chung là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng do khủng hoảng dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị gây ra.

Tại Malaysia, một trong các yếu tố chính ảnh hưởng tới nguồn cung thịt gà là chi phí thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, do nguồn cung nguyên liệu sản xuất bị thiếu hụt. Theo truyền thông nước này, giá thức ăn cho gà trong tháng 5 tại Malaysia đã tăng gần gấp đôi so với tháng 4.

Trong bối cảnh giá thức ăn tăng mạnh, các nông dân lại không thể nâng giá thịt gà do chính phủ Malaysia đã quy định mức giá trần tương đương 2,04 USD/kg. Vì vậy, nhiều người đã lựa chọn cách giảm số lượng đàn gà để tiết kiệm chi phí, do càng nuôi càng lỗ và dẫn tới thiếu nguồn cung thịt gà cho thị trường.

Trước tình hình nguồn cung thịt gà thâm hụt dẫn đến sự khan hiếm mặt hàng này trên cả nước, chính phủ Malaysia đã phải họp khẩn và Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob ngày 24/5 phải ra quyết định ngừng xuất khẩu 3,6 triệu con gà mỗi tháng, bắt đầu từ 1/6 tới. Lệnh hạn chế này sẽ có hiệu lực cho đến khi giá cả và sản xuất thịt gà trong nước ổn định.

Để giải quyết gốc rễ của vấn đề, chính phủ Malaysia cũng đề xuất giải pháp đẩy mạnh trồng ngô để cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi gà, từ đó phát triển số lượng đàn trong các hộ chăn nuôi để đảm bảo nguồn cung ứng.

Quyết định của Malaysia dựa trên quan điểm ưu tiên hàng đầu là người dân trong nước sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới nước láng giềng Singapore.

Hiện có 1/3 nguồn cung thịt gà của Singapore được nhập khẩu từ Malaysia. Với một lệnh cấm xuất khẩu thịt gà của nước láng giềng, bữa ăn hàng ngày của người dân Singapore sẽ chịu ảnh hưởng khi giá thịt gà tại đây bị đẩy tăng cao theo. Món cơm gà trứ danh của quốc đảo Singapore vì thế sẽ khó đảm bảo giá cả như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ