(GD&TĐ) - Ngày nay, có rất nhiều gia đình giàu có cho con đi du học với mong muốn con có một tương lai tốt đẹp hơn, thế nhưng không phải mong muốn nào cũng thành hiện thực. Nhiều gia đình bố mẹ mải làm ăn không để ý đến con cái, chúng mải chơi hơn học nhưng vẫn bỏ ra cả đống tiền để cho con đi du học, kết quả thì con cái hư hỏng vẫn hoàn hư họng...
Là một học sinh ngoan ngoãn, nhưng khi vào cấp 3 cậu con trai của chị Hồng bắt đầu đổi tính, ăn chơi đua đòi cùng đám bạn. Sợ con hư nên người mẹ tìm cách cho cậu đi du học nước ngoài để tách khỏi đám bạn xấu.
Thế nhưng ra nước ngoài, chứng nào tật nấy cậu quý tử lại sa vào ăn chơi đua đòi. Một năm trời du học mà cậu con quý tử đã cuốn của chị Hồng hàng chục nghìn USD.
Trong một lần về nước nghỉ hè, cậu quý tử của chị Hồng còn dắt theo một cô bạn gái lớn tuổi hơn mình và giới thiệu với chị đó là người yêu. Suốt tháng về nghỉ cậu quý tử được cô người yêu và đám bạn bè rủ đi ăn chơi đàn đúm. Chưa hết thời gian nghỉ, cậu quý tử của chị Hồng đã bán mất 2 chiếc xe máy và còn thiếu nợ đến cả trăm triệu đồng vì những cuộc ăn chơi phè phỡn. xót của nhưng lại xót con chị Hồng đành bấm bụng thanh toán vì sợ người ngoài biết chuyện sẽ cười chê.
Ảnh MH |
Quen ăn chơi trong dịp hè về nước cậu quý tử của chị Hồng lại định bỏ không đi du học nữa. Đến ngày phải lên máy bay quay trở lại trường học, cậu lại dùng đủ cách để thoái thác nhưng chị Hồng cũng tìm đủ cách để áp giải cầu quý tử đi...
Cậu ấm nhà chị Hằng cũng tương tự như cậu ấm nhà chị Hồng, cũng học dốt, mải chơi nhưng may sao vẫn đỗ tốt nghiệp THPT. Đến khi các bạn rồng rắn kéo nhau đi thi đại học thì Tuấn Vũ - cậu ấm nhà chị Hằng vẫn nhởn nhơ chơi, không đi thi bất kỳ trường nào. Các bạn cũng chỉ đoán già, đoán non rằng Vũ không có ý định đi học mà ở nhà nối nghiệp gia đình buôn bán cùng bố mẹ. Khi hỏi ra mới biết, Vũ không chịu thi đại học mà nằng nặc đòi đi du học cùng đám bạn thân. Vợ chồng chị Hằng đành phải chiều lòng cậu con mà chẳng biết ra nước ngoài nó học hay ăn chơi đua đòi.
Vũ là con trai duy nhất của gia đình chị Hằng nên từ bé đã được cưng chiều. Vợ chồng chị Hằng chưa bao giờ từ chối con bất cứ một yêu cầu nào của quý tử, vì từ nhỏ tới năm học cấp 2 cậu rất ngoan và chăm chỉ học hành. Nhưng bắt đầu vào cấp 3, nghĩ là con đã lớn có thể tự lập được, bố mẹ bắt đầu sắm cho Vũ xe máy riêng và điện thoại di động xịn; trong khi bạn cùng lớp đi học bằng xe đạp hoặc người nhà đưa đón. Từ đó, Vũ đổi tính và ngày càng có những yêu sách cao hơn.
Học xong phổ thông Vũ được bố mẹ đăng ký cho đi du học ngay, nói là để tách rời lũ bạn ăn chơi của Vũ nhưng lòng dạ vẫn phấp phỏng lo ra nước ngoài con vẫn chứng nào tật ấy. Nhưng Bố mẹ em cũng chẳng còn cách nào khác mặc dù trong lòng luôn lo âu con du học hay du chơi.
Những câu chuyện con ngoan thành hư ở các gia đình khá giả như thế này được các chuyên gia tâm lý cho rằng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân chính chủ yếu là do bố mẹ chuyên tâm vào chuyện làm ăn không có thời gian dành cho dạy dỗ chăm sóc con cái. Mặt khác gia đình rủng rỉnh tiền bạc tạo cho trẻ thói quen được nuông chiều, tiêu dùng trên đồng tiền có sẵn do bố mẹ chu cấp; từ đó sinh hư.
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, trẻ dễ bị hư hỏng vì các lý do: Người lớn chưa tôn trọng nhân cách của trẻ; Con mắc lỗi bố mẹ hay kể tội và nói đi nói lại nhiều lần; Kỳ vọng, đặt niềm tin quá cao, khiến trẻ cảm thấy bị áp lực nên đôi khi phá phách và dẫn đến sa ngã; Ít giao lưu với trẻ do công việc làm ăn quá bận. Khi cha mẹ đi làm thì con còn chưa dậy, tối khuya mới về con đã lên giường đi ngủ...; Quá nhân nhượng khi trẻ mắc lỗi. Khi chúng mắc lỗi nếu cha mẹ không phạt, chúng sẽ không phân biệt được phải trái sẽ càng trở nên hỗn....
Bản thân những đứa trẻ đều là con ngoan nhưng do bị ức chế về một vấn đề gì đó khiến chúng cảm thấy cô đơn hay một thói quen nuông chiều thái quá cũng khiến chúng thường xuyên lấy những hành động ngỗ ngược, ăn chơi thỏa thích để đối phó cho sự không thỏa mãn của mình. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần biết chú ý tới con khi nuôi dạy. Dù bận đến đâu cũng bớt chú thời gian chăm sóc, trò chuyện với con thường xuyên hơn. Quan tâm đến từng giai đoạn phát triển của con, nắm bắt được tâm lý để còn có cách dạy dỗ, uốn nắn. Tránh để trẻ dùng chính sự im lặng và ngỗ ngược của mình để thỏa mãn sự không hài lòng ấy.
Phương Thủy