Con gái trang điểm đậm đến trường, bố mẹ chớ vội hốt hoảng

GD&TĐ - Học đòi make-up như người lớn, ăn mặc không hợp tuổi, dành thời gian quá nhiều cho việc áo quần, đầu tóc, phấn son… là chuyện của không ít gia đình có con gái.

Nhiều trẻ nhỏ làm quen sớm với các mĩ phẩm. Ảnh minh họa: Internet.
Nhiều trẻ nhỏ làm quen sớm với các mĩ phẩm. Ảnh minh họa: Internet.

Các bậc phụ huynh cần làm gì để định hướng đi đúng cho con?

Trăm ngàn lý do để… đẹp

Chị Hải My (ngụ tại Quận 4, TPHCM), có con gái đang học lớp 10. Chị cho hay, hồi học lớp 7, con bắt đầu biết để ý đến hình thức như tóc, quần áo. Khi vào siêu thị đã biết lựa son dưỡng môi, dưỡng da.

Chị My cho rằng, ở tuổi mới lớn, trẻ bắt đầu thay đổi tâm sinh lý, thích bắt chước bạn bè, người lớn, điệu đà một chút, xinh hơn một chút cũng là chuyện hết sức bình thường nên chị không để tâm lắm đến chuyện này.

Tuy nhiên, khi con lớn hơn một chút, chị bắt đầu thấy con thay đổi nhiều. Cô con gái của chị bắt đầu học đòi trang điểm ngay cả khi tới trường, khi đi học Anh văn… cũng tô son đậm, bôi kem, kẻ chân mày…

Có lần đã khuya, chị lên lầu phát hiện ra, con chị xem kênh làm đẹp và bắt chước kẻ mắt, kẻ mày đeo cả mi giả. Cô em gái lớp 6 cũng học theo chị hai, tô son, bôi kem dưỡng, đắp mặt nạ… rồi tự trang điểm cho nhau. Nhiều hôm cả nhà ra ngoài ăn, đi chơi… các con mất thời gian về chuyện quần áo, đầu tóc.

Chị kể thêm, một vài lần thấy con trang điểm đậm tới trường, khi gặng hỏi thì cháu cho biết nay trường diễn văn nghệ. Tuy nhiên, dần dà tần suất của con ra đường trang điểm kĩ nhiều hơn khiến chị càng “đau đầu”.

Khi hỏi lý do thì con cho hay, “bây giờ ra đường không trang điểm, thiếu tự tin lắm, bị mấy đứa nó chọc quê. Trang điểm vào trông xinh hơn, có nét hơn”.

Còn với chị Thu Hoài, có con đang học lớp 8 tại quận Thủ Đức cũng chia sẻ về việc con gái chị bắt đầu học đòi làm đẹp. Con dành tiền lì xì, tiền tiêu vặt để… sắm mĩ phẩm. Chị phát hiện ra việc con có nguyên một bộ mĩ phẩm như son, kem dưỡng, mặt nạ, phấn, nước tẩy trang… thậm chí cả máy mát xa mặt, nước hoa.  

Khi vô tình phát hiện trên trang cá nhân của con, rất nhiều tấm ảnh chụp selfie trang điểm đậm, kiểu dáng xì tin, thậm chí có cả những tấm mặc đầm ngủ, chị mới “tá hỏa”.

Con còn học đòi, làm clip trang điểm đăng lên YouTube. Chị gặng hỏi thì con chia sẻ, “nhiều bạn trên lớp trang điểm, thấy các bạn chia sẻ cho nhau nên… con cũng làm theo để xinh hơn. Con cũng thử chia sẻ cách trang điểm xem… có thể kiếm tiền trên mạng qua kênh YouTube được không”.

Cũng là lý do thích trang điểm, làm đẹp, Ánh Mai - học sinh lớp 11 tại quận Bình Thạnh cho hay, do bị mấy bạn bóng gió chê da mặt xấu, ngăm đen nên Mai quyết định mua kem trộn làm trắng da trên mạng để cải thiện. Mai còn tích cực mát xa mặt, bôi kem dưỡng.

Hè vừa rồi còn lén mẹ, đi thêu chân mày ở phần đuôi để trông tự nhiên hơn. Bây giờ đi đâu có một vài thứ không thể thiếu trong cặp chính là thỏi son, hộp phấn, chì kẻ mày…

Đừng để con đi… quá xa

Ngày nay, không khó bắt gặp những nữ sinh đang “tuổi ăn, tuổi chơi” biết cách ăn mặc, trang điểm và khoe hình như những thiếu nữ tuổi đôi mươi. Ở các cổng trường trung học cũng không hiếm những nữ sinh dù khoác lên mình bộ đồng phục, nhưng gương mặt lại trang điểm có phần… già dặn, quá đà.

Những buổi dã ngoại, ngoại khóa, cuối tuần đi chơi cùng bạn bè hay đến lớp học thêm, nhiều học sinh ăn mặc, trang điểm có phần khác biệt, khiến ai cũng… “phải ngước nhìn”. Ngay cả trên trang YouTube cũng xuất hiện nhiều clip trẻ nhỏ hướng dẫn làm đẹp rất chuyên nghiệp.

Bên cạnh bộ mĩ phẩm, bé gái 8 tuổi có thể thuần thục cách chọn tông màu son phù hợp, phấn nền, gắn cả mi giả… và thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Trên mạng cũng có rất nhiều hội nhóm kín để dạy cách làm đẹp, trang điểm thu hút rất nhiều học sinh tham gia.

Theo cô Nguyễn Kiều Oanh, một trong những thành viên của mạng lưới tâm lý tại TPHCM cho hay, việc nữ sinh biết điệu đà, chú ý đầu tóc, ăn mặc, gương mặt… ở lứa tuổi cấp 2, cấp 3 là hết sức bình thường.

Ở lứa tuổi này, tâm sinh lý thay đổi, các con sẽ chú ý vẻ bề ngoài hơn, đôi khi dễ buồn, dễ vui vì được khen là… xinh, mặc bồ đồ đẹp, đôi giày dễ thương. Các bạn xung quanh cũng đã bắt đầu chú ý đến ngoại hình, có những thay đổi cả về mặt tình cảm…

Bên cạnh đó, các em được tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ, mà ở trên đó các em xem, đọc, theo dõi, bắt chước phong cách, gu ăn mặc, cách làm đẹp của sao nhí, thần tượng…

Chính vì vậy, sự sâu sát, định hướng và những nguyên tắc trong giáo dục con cái liên quan đến việc làm đẹp của phụ huynh là rất quan trọng. Phụ huynh không thể cấm cản con, nhưng hãy định hướng cho con như rèn tính gọn gàng, ngăn nắp, chỉn chu, ăn mặc lịch sự khi ra ngoài.

Con có thể chú trọng một chút về vẻ bề ngoài khi con đi dự tiệc sinh nhật bạn, dã ngoại, đi chơi với bạn bè để thể hiện sự lịch sự, nhưng phải phù hợp. Con hoàn toàn có thể dùng kem dưỡng da, tô một chút son… nhưng phải được mẹ hướng dẫn, tìm hiểu kĩ các sản phẩm. Bởi hiện nay dòng sản phẩm dành cho tuổi teen cũng đã được bày bán nhiều.

Đồng thời hãy hướng cho con việc dành thời gian cho học tập, tích cực rèn luyện thể dục để giữ sức khỏe. Đó cũng chính là con đang làm đẹp cho mình.

Chị Thanh Huyền, có con học ở Trường THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức) trao đổi, chị không cấm con gái làm đẹp ở độ tuổi này, nhưng trò chuyện nhiều với con để giúp con hiểu lứa tuổi.

Vẻ đẹp ngoại hình rất quan trọng, con cần biết để chú ý sự chỉn chu, gọn gàng, kín đáo, nhưng không đồng nghĩa là phải tô son đậm, đánh phấn, xăm mày, kẻ mi… khi ra ngoài.  Quan trọng ở lứa tuổi các con là dành thời gian để học tập, trau dồi đạo đức, có nhiều niềm vui bên bạn bè, thầy cô, cứ hồn nhiên trong sáng… đúng với lứa tuổi ấy.

Các con có thể dùng em dưỡng da, sữa rửa mặt, son dưỡng môi… nhưng phải là những sản phẩm uy tín và mẹ sẽ mua. Vì ở độ tuổi này, da con rất nhạy cảm, dễ dị ứng, nổi mụn, ngứa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.