Lúc nào cũng xót xa, day dứt
Chứng kiến cảnh thương tâm luôn khiến bé cảm thấy xót xa, day dứt. Nghe một lời nhận xét chưa đúng về mình khiến bé băn khoăn suốt mấy ngày. Trước một sự kiện nào đó sắp xảy ra, bé có vẻ rất phấn khích, rồi bỗng dưng trở nên ủy mị và khó chịu ngay sau đó.
Chẳng hạn như bé đang háo hức đòi đi chơi cho bằng được nhưng đến nơi chốc lát là buồn thiu đòi về. Bé tính khí thất thường, luôn trầm trọng hóa mọi thứ, cầu kỳ, kén chọn, thậm chí là quá cố chấp khi khăng khăng yêu cầu thỏa mãn cho bằng được sở thích của mình như lặp đi lặp lại ăn món bé thích, chỉ mặc bộ áo quần nào bé ưng.
Nếu cái gì trẻ cũng trầm trọng hóa vấn đề, ý thức cảnh giác quá cao thì sẽ khiến trẻ trở nên không tin cậy ai, tách biệt, khó kết thân, tự cô lập mình với thế giới xung quanh và có thể mắc chứng hoang tưởng bị hại, thậm chí lo âu, hoang mang, có những suy nghĩ đánh giá lệch lạc như thu mình lại, sợ hãi, rụt rè…
Lúc nào bé cũng có xu hướng suy diễn, trầm trọng hóa vấn đề (Ảnh minh họa) |
Bé luôn coi các chuyện châm chọc đến cảm xúc là điều thật nghiêm trọng và đầy kịch tính. Khi cảm thấy khó chịu, bé thường thể hiện qua cử chỉ, điệu bộ như nhăn nhó, bĩu môi, xị mặt... Điều này khiến con bạn khó thiết lập tình bạn với các đưa trẻ khác.
Các bậc cha mẹ lưu ý, rất khó để biến đổi bé từ 1 đứa trẻ ưu tư, mềm yếu thành người dạn dĩ, lì lợm. Hơn nữa, bạn cũng không nên làm thế, bởi kiểu tính cách này cũng là một ưu điểm nếu bé biết kiểm soát được thái độ và hành vi của mình một cách hợp lý.
Trong thế giới mà thái độ hờ hững, lạnh nhạt ngày càng nhiều thì tính mẫn cảm/nhạy cảm tự nhiên của bé là một vốn quý. Điểm mạnh của tính mẩn cảm là tình cảm sâu sắc, giàu trí tưởng tượng. Do đó, cha mẹ hãy giúp con nhận thấy mặt tích cực của sự mẫn cảm và phát huy nó trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày.
Đồng thời kiềm chế những điểm tiêu cực mà do tính quá “nhạy” cản trở hoạt động của bé, để chúng không quá trầm trọng hóa mọi thứ khiến cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng, rối bời.
Cha mẹ nên tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc thật của con. Hãy hạn chế nói những câu đại loại như: “Con không được nghiêm trọng hóa mọi chuyện như thế!”. Trẻ quá mẫn cảm dễ xúc động nên rất khó để cứng rắn, mạnh mẽ lên được. Thực ra chúng không muốn phải chảy nước mắt và quá dễ bị kích động như thế, nhưng đó lại là một phần cá tính của trẻ.
|
Thực ra chúng không muốn phải chảy nước mắt và quá dễ bị kích động như thế, nhưng đó lại là một phần cá tính của trẻ (Ảnh minh họa) |
Cha mẹ hãy tập trung nhấn mạnh thành tích của con, đó là cách khích lệ bé sống thật với cảm xúc của mình. Tuỳ theo cách hiểu của bé, bạn có thể nói nhẹ nhàng với con rằng:
“Cha/mẹ rất muốn con luôn là người biết quan tâm đến cuộc sống xung quanh. Đó là một phẩm chất đáng quý mà không phải ai cũng có. Nhưng con phải biết kiểm soát để nét mặt của mình trông không quá khó chịu như thế!”. Hoặc: “Nếu con thấy khóc sẽ dễ chịu hơn thì con cứ khóc cho vơi đi nỗi buồn”...
Xây dựng cho bé một số kỹ năng cần thiết
- Tập thích ứng: Trẻ nhạy cảm thường gặp rắc rối và khó thích nghi với những thay đổi, nên hãy có những kế hoạch trước, chuẩn bị tâm lý cho bé hình dung những gì sắp xảy ra và duy trì mọi thứ theo một thời gian biểu đều đặn.
- Làm chủ trước những lời trêu đùa: Đánh trống lảng khi nghe những lời trêu ghẹo ác ý sẽ giúp bé chủ động hơn và xua đi những điều khó chịu. Dạy trẻ học kỹ năng đối phó để trẻ có thể xử sự được trong bất cứ tình huống nào.
- Kiểm soát thái độ và hành vi của mình: Cha mẹ có thể tập cho con làm quen từ từ với những người bạn cùng trang lứa, hoặc các vật lạ từ ít đến nhiều để bé mạnh dạn hơn. Dạy con biết cách hắng giọng, suy nghĩ vững vàng, sẵn sàng, dứt khoát trước khi nói.
Cho bé tập các kiểu giọng nói khác nhau tới khi thuần thục để trẻ có thể nói một cách tự tin, dõng dạc. Đồng thời, cha mẹ cũng thử tập cho con biết cách thay đổi biểu hiện của điệu bộ, cử chỉ, nét mặt nếu muốn che giấu sự khó chịu của mình.