Con đường vũ khí phương Tây tài trợ Ukraine rơi vào tay băng đảng tội phạm

GD&TĐ - Tây Ban Nha đã gióng lên cảnh báo về vũ khí trên thị trường chợ đen Ukraine rơi vào các băng đảng tội phạm.

Phương tây viện trợ vũ khí Ukraine nhanh chóng bị bán vào thị trường chợ đen và quay ngược trở lại châu Âu trong tay các băng đảng tội phạm.
Phương tây viện trợ vũ khí Ukraine nhanh chóng bị bán vào thị trường chợ đen và quay ngược trở lại châu Âu trong tay các băng đảng tội phạm.

Sputnik dẫn tin từ truyền thông địa phương, cảnh sát Tây Ban Nha đang yêu cầu “các biện pháp khẩn cấp” khi ngày càng nhiều vũ khí do phương Tây sản xuất cung cấp cho Ukraine đang rơi vào tay các băng đảng ma túy bạo lực.

Pedro Carmona, phát ngôn viên của Hiệp hội Vệ binh Dân sự Thống nhất Tây Ban Nha cho biết, việc phổ biến vũ khí cấp quân sự đang tạo ra “rủi ro rất lớn cho người dân nói chung”.

Theo tờ báo El Independiente, liên minh cảnh sát cho biết hiện tượng này đã dâng lên tới mức khủng hoảng trong những tuần gần đây.

Tháng 9 năm ngoái, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết đã thu giữ súng trường AR-10 và APC223 do Mỹ sản xuất với “đạn cỡ nòng NATO” trong cuộc đột kích vào một băng nhóm buôn lậu ma túy ở Barcelona.

Tháng trước, một cuộc đọ súng đã nổ ra giữa các thành viên Lực lượng Bảo vệ Dân sự và những kẻ buôn bán ma túy ở thành phố Cadiz. Trong đó bọn tội phạm “đã xả nhiều phát súng từ vũ khí tự động cấp quân sự”, theo tờ báo.

Báo cáo An ninh Quốc gia Thường niên năm 2023 của chính phủ Tây Ban Nha đã xác định xung đột vũ trang góp phần vào “sự sẵn có nhiều vũ khí hơn” trong nước, do có sự “chuyển hướng sang buôn bán vũ khí bất hợp pháp”.

Vấn đề này đã được nhận ra từ lâu, khi lực lượng Cảnh sát châu Âu (Europol) báo cáo rằng, vũ khí đã được buôn bán ra khỏi Ukraine và rơi vào tay các băng nhóm tội phạm chỉ hai tháng sau cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.

Các cuộc điều tra cho thấy vũ khí Ukraine do phương Tây cung cấp đã được bán trên web đen ngay sau đó.

Europol chỉ trích chính quyền Ukraine cung cấp súng cho dân thường “không có bất kỳ hồ sơ nào” vào đầu năm 2022, đồng thời chỉ ra khả năng vũ khí này sẽ tìm đường vào thị trường chợ đen. Nhưng các quan chức Ukraine tham nhũng cũng có thể tham gia buôn bán vũ khí.

Đại diện Nga tại Liên Hợp Quốc, Dmitry Polyansky năm ngoái tuyên bố, có bằng chứng cho thấy quan chức Kiev “bán rẻ” viện trợ do phương Tây cung cấp để kiếm lời.

Vào tháng 1 năm nay, cơ quan an ninh Ukraine (SBU) đã báo cáo việc phát hiện một kế hoạch tham nhũng lớn liên quan đến “các quan chức cấp cao” của Bộ Quốc phòng nước này bỏ túi 40 triệu USD từ quỹ dành riêng cho việc mua đạn pháo từ nhà cung cấp Lvov Arsenal.

Cuộc điều tra cho thấy số tiền này đã được chuyển đến nhiều tài khoản nước ngoài khác nhau, trong khi không có vũ khí nào được sản xuất. Chỉ 4 tháng trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov đã bị sa thải sau khi phát hiện gian lận trong các giao dịch mua thực phẩm và quần áo cho quân đội Ukraine.

Tham nhũng trong chính phủ được lịch sử coi là đặc hữu ở Ukraine, một thực tế đã cản trở nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu của nước này. Năm 2015, tờ báo Anh The Guardian gọi Ukraine là “quốc gia tham nhũng nhất châu Âu”, một thực tế đã được nhiều báo cáo chứng thực.

Trước đó, Cục Điều tra Quốc gia Phần Lan báo cáo rằng vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine đã lọt vào tay các nhóm tội phạm trong nước cũng như các băng đảng ở Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ