Con chữ nơi vùng cao Xuân Thượng

GD&TĐ - Nằm ở phía tả ngạn sông Chảy, mỗi khi nhắc đến vùng đất ấy, người ta đều về một vùng quê đậm sắc màu các dân tộc thiểu số Tây Bắc, một nơi còn nhiều khó khăn. Đó là xã vùng cao Xuân Thượng (Bảo Yên- Lào Cai). 

Con chữ nơi vùng cao Xuân Thượng

Tuy còn nhiều gian khó, nhưng đồng bào nơi đây vẫn tạo mọi điều kiện để đưa con em mình tới trường học chữ, với mong muốn, trong nay mai, lớp trẻ sẽ làm nên sự đổi thay sáng láng cho quê hương. Năm học mới sắp đến gần, thầy và trò vùng cao Xuân Thượng đã và đang nỗ lực vượt khó, sẵn sàng bước vào năm học mới…

Nơi vùng quê nghèo

Xuân Thượng là một xã thuần nông, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Yên. Tuy chỉ cách trung tâm huyện 7 km nhưng địa phương này lại gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Xuân Thượng là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc như Kinh, Tày, Dao, Mông, Phù lá, Thái, Mường. Trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Dao. Địa hình của vùng đất này chủ yếu là đồi núi hiểm trở, con đường dẫn vào trung tâm xã những ngày mưa trở nên lầy lội, khó đi, điều đó dẫn đến việc giao thương kinh tế giữa xã, huyện và các địa phương khác trở nên khó khăn.

Cả xã có 22 bản, được trải đều từ đầu đến cuối xã nên địa bàn khá rộng. Nhắc đến Xuân Thượng là nhắc đến những tên bản, tên làng ngắn gọn mà ấn tượng như 1 Là, 2a Là, 2b Là, 3 Là, 4 Là, 5 Là, 1 Vành, 2 Vành, 3 Vành, 4 Vành, 5 Vành, 6 Vành, 7 Vành, 8 Vành, 9 Vành, 1 Thâu, 2 Thâu, 3 Thâu, 4 Thâu, 5 Thâu, 6 Thâu, 7 Thâu. Vì địa bàn rộng như thế nên từ lâu, xã Xuân Thượng phải đánh số tên bản như vậy. Cách đây 5 - 7 năm, Xuân Thượng là một địa phương đặc biệt khó khăn.

Phải kể đến đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm còn tạm bợ, đặc biệt là hệ thống trường lớp học chưa được đầu tư xây dựng, nhất là ở các điểm trường, chủ yếu bằng tre nứa. Chính điều đó đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của vùng đất này.

Hơn nữa, ở Xuân Thượng, người dân chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp, kỹ thuật canh tác lạc hậu nên tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao. Vì vậy, đây cũng là lý do vì sao, những năm trước đây, việc duy trì tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp, tỷ lệ học sinh học cấp THPT, đại học, cao đẳng ở Xuân Thượng luôn ở mức thấp.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách, các chương trình, dự án, Xuân Thượng có cơ hội để đẩy lùi đói nghèo, phát triển kinh tế. Điều dễ nhận thấy ở vùng đất này là những năm gần đây, sự thay da đổi thịt của cuộc sống nơi đây đã hiện diện qua những công trình dân sinh như đường giao thông liên thôn, trạm y tế, trường học…đã được đầu tư xây dựng. Đặc biệt là ở khu trung tâm, các nhà trường từ bậc Mầm non đến THCS đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân.

Vượt khó đi lên

Cùng với những khó khăn chung của địa phương, công tác giáo dục ở Xuân Thượng những năm trước đây và ngay cả hiện tại gặp vô vàn những khó khăn. Phải kể đến đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học.

Hiện nay, chủ yếu các nhà trường ở khu trung tâm được đầu tư xây dựng khang trang, còn cơ sở vật chất tại các điểm trường, đường xá đi lại ở các bản xa, hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, do địa hình chủ yếu là đồi núi nên việc quy hoạch diện tích đất cho các nhà trường còn hạn hẹp.

Ở Xuân Thượng, điều kiện, hoàn cảnh sống của người dân và học sinh còn ở mức thấp nên việc duy trì sĩ số mỗi năm học luôn là nỗi lo đối với các nhà trường. Vì thế, hằng năm, vào mỗi dịp hè, tết nguyên đán, công tác tuyên truyền, vận động để tác động vào nhận thức của phụ huynh và học sinh luôn được các nhà trường tiến hành nhằm đảm bảo tỷ lệ chuyên cần đến trường của học sinh.

Cả xã hiện nay đã có đủ các bậc học từ mầm non đến THCS. Sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh Xuân Thượng phải đi 7 cây số để đi học THPT tại trung tâm thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên). Do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở nên trường Tiểu học được chia làm hai trường, Tiểu học số 1 và Tiểu học số 2 cùng nhiều điểm trường tại các bản. Khi chưa có các chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục thì công tác chăm lo, đi lại của học sinh Xuân Thượng gặp vô vàn những khó khăn.

Cụ thể là đường xá đi lại vào những ngày mùa đông giá rét, hoàn cảnh gia đình học sinh nghèo khó, không có điều kiện đến trường, nhà bán trú, ở ăn nghỉ của học sinh ở xa…Chính những khó khăn ấy đã gây nên tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, tỷ lệ chuyên cần không cao.

Từ khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí học tập, chế độ miễn, giảm học phí, cấp gạo… cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, thuộc diện con em đồng bào dân tộc thiểu số thì các nhà trường đã vơi đi những khó khăn, gia đình học sinh yên tâm hơn khi cho con em mình đến trường học chữ.

Tuy nhiên, những khó khăn ở một xã vùng cao như Xuân Thượng không phải ngày một, ngày hai đã có thể đẩy lùi được. Vì thế, thầy và trò nơi đây vừa dạy chữ, vừa học tập, vừa phải khắc phục những thử thách, những thiếu thốn để vượt lên.

Tại trường PTDTBT THCS Xuân Thượng, thầy giáo Hán Văn Học – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Những năm trước đây, nhà bán trú của học sinh nhà trường chủ yếu là nhờ nhà dân, ở nhờ hội trường của UBND xã, ngăn đôi, nữ một bên, nam một bên”. Đó là một trong nhiều khó khăn trong những năm gần đây của giáo dục Xuân Thượng.

Những học sinh ở cách xa trường trên 7 km, điều kiện đến trường qua núi cao, vực sâu, qua sông nên phải trọ học. Khi nhà bán trú chưa có, nhà trường phải làm tốt công tác dân vận để các em có chỗ ở trọ gần trường. Rồi khi nhà hội trường của xã làm xong, các em được ở tập trung, thầy cô, phụ huynh cùng chung tay, thay phiên nhau quản lý, nấu cơm cho học sinh hằng ngày.

Các nhà trường hằng năm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để tạo cho học sinh sân chơi bổ ích, lý thú và gắn bó với trường lớp. Đặc biệt, hằng năm trường PTDTBT THCS Xuân Thượng đều tổ chức Tết dân tộc với những hoạt động đậm sắc màu truyền thống, thu hút 100% học sinh tham gia.

Các thầy cô giáo ở Xuân Thượng vẫn nhớ những ngày cả thầy và trò cùng nhau lên núi tìm nguồn nước sạch. Ở vùng cao, việc tìm ra nước nguồn để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày là vô cùng quý. Vì thế, khi tìm được mạch nước trên núi, thầy cô cùng chung tay, xây bao quanh mạch nước, mua ống dẫn nước về trường để học trò có nước dùng hằng ngày.

Thầy Hán Văn Học vui vẻ chia sẻ rằng, cách đây hai ngày, nhà bán trú gồm 16 phòng của nhà trường đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng bắt đầu từ năm học 2017 - 2018. Đó là niềm vui của thầy và trò nhà trường sau những năm tháng ở tạm bợ và thiếu thốn. Được sự quan tâm của Nhà nước, năm học này, 160 em học sinh trong diện bán trú của nhà trường yên tâm ở lại trường để học tập trong những căn phòng nhà bán trú khang trang, kiên cố.

Tuy nhiên, tại trường PTDTBT THCS Xuân Thượng hiện nay vẫn còn đó những khó khăn như thiếu phòng học dành cho 8 lớp với 262 học sinh. Vì thế, để khắc phục, nhà trường vẫn phải bố trí học ở phòng học bộ môn.

Vượt lên những khó khăn, với sự quan tâm của địa phương, của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của thầy cô giáo, những năm gần đây, giáo dục Xuân Thượng đã khởi sắc từng ngày. Việc giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất được dần khắc phục thông qua việc đầu tư xây dựng nhà lớp học ở khu trung tâm và các điểm trường.

Tỷ lệ chuyên cần của các nhà trường luôn đạt trên 90%, nhận thức của nhân dân về giáo dục đã được cải thiện. Đặc biệt, mô hình bán trú đã tạo điều kiện cho con em nhân dân yên tâm đến trường học chữ. Trường Tiểu học số 2 Xuân Thượng đã đạt chuẩn Quốc gia, UBND tỉnh Lào Cai đã có kế hoạch đầu tư xây dựng 10 phòng học cho trường PTDTBT THCS Xuân Thượng, đó là tín hiệu vui về việc bố trí đủ phòng học cho học sinh nhà trường trong nay mai. Ngày ngày, các thầy cô giáo quê ở miền xuôi, ở trung tâm huyện vẫn tâm huyết, vượt qua chặng đường dài để đến các điểm trường nơi bản xa dạy chữ cho con em vùng cao Xuân Thượng.

Sẵn sàng bước vào năm học mới

Những ngày đầu thu, tiết trời mát mẻ, ở vùng cao Xuân Thượng, thầy và trò các nhà trường đang chuẩn bị những điều kiện để bước vào năm học mới. Các nhà trường đều làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kế hoạch năm học đến các bản, phụ huynh học sinh để các em đến trường đúng lịch, đúng độ tuổi.

Đồng thời, thời điểm này, việc hoàn thiện cơ sở vật chất, nhất là ở các điểm trường, lao động vệ sinh, tạo cảnh quan trường lớp học xanh, sạch, đẹp được các nhà trường chú trọng. Việc đảm bảo đủ sách giáo khoa, vở ghi, đồ dùng dạy học và các điều kiện về nhà bán trú dành cho học sinh ở xa được ban giám hiệu cùng các thầy cô giáo các nhà trường thực hiện tốt với mong muốn tạo mọi điều kiện để các em học sinh không phải thiếu thốn, yên tâm bước vào năm học mới.

Ở Xuân Thượng, trước lễ khai giảng năm học mới, các nhà trường tấp nập chuẩn bị cho học sinh tập nghi thức, văn nghệ, các trò chơi dân gian…để các em có một ngày khai giảng thật ý nghĩa.

Trong cái hanh hao, trong lành của tiết trời mùa thu nơi vùng cao Xuân Thượng, một mùa gieo chữ lại bắt đầu với bao niềm tin ở phía trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ