Con chỉ lấy người như ba

GD&TĐ - Tình yêu của ba mẹ là khuôn mẫu hoàn hảo nhất nên người đàn ông khiến tôi rung động chắc chắn phải biết yêu tôi như ba yêu mẹ.

Người đàn ông ấy cũng tuyệt vời như ba nên tôi hãnh diện bước vào hôn nhân. (Ảnh minh họa)
Người đàn ông ấy cũng tuyệt vời như ba nên tôi hãnh diện bước vào hôn nhân. (Ảnh minh họa)

6 tuổi

Tôi vẫn nhớ như in ngày chuẩn bị vào lớp 1. Bằng chiếc xe đạp cà tàng ba chở mẹ con tôi đi mua chiếc cặp xinh xắn. Đường đi vừa xóc, vừa bụi, trời lại nắng. Tới chợ, mẹ rút khăn mùi xoa lau mặt cho tôi. Ba đưa tay vuốt những sợi tóc lòa xòa trên trán mẹ: “Tóc em cũng rối tung rồi kìa”.

Mẹ ngẩng lên nhìn ba. Hai người trao cho nhau cái nhìn âu yếm đến mức ngay lúc đó mọi thứ xung quanh chúng tôi như không tồn tại: không tiếng ồn của phố chợ, không người mua kẻ bán… chỉ còn tôi đang lặng ngắm ba mẹ âu yếm nhìn nhau.

Đến trưa. Sau khi tập hợp được lũ bạn cùng xóm chơi trò tạt lon. Khi đang chạy thục mạng ra sân sau nhà tìm chiếc lon sữa bò để làm đạo cụ, tôi đã khựng lại nhìn cảnh ba kéo từng gàu nước mát từ cái giếng sâu hoắm mùa khô cạn cho mẹ gội đầu. Mẹ ngồi kề bên, tóc xõa dài. Ba nhẹ nhàng dội từng gáo nước nhỏ cho mẹ chảy tóc.

Giữa khu vườn rợp tán cây, tiếng gió lao xao, tiếng nước chảy nhẹ nhàng hòa cùng tiếng cười của ba mẹ lần nữa lại thôi miên tôi. Mất một lúc lâu tôi mới thoát khỏi khung cảnh đẹp và yên bình đó khi đám bạn gào giọng gọi. Ngay lúc đó tôi đã thầm nhủ: “mai mốt có chồng phải giống như ba”.

9 tuổi

Mẹ bị ngất do chấn thương đầu khi trượt chân ngã trên sàn nước. Đang ngồi bên nhà bác hai, nghe tiếng gọi, ba phóng như bay qua hàng rào để về bên mẹ. Bế mẹ lên xe lam đến bệnh xá ba cứ khóc ròng, mặt đau đớn như chính ông chứ không phải mẹ đang bị thương.

Sau 3 ngày nằm trên bệnh xá mẹ được cho về nhà. Ba mừng quýnh quáng hối thúc chị em tôi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ vì: “mẹ các con thích gọn gàng, đừng để nhà dơ, mẹ giận” còn ông thì lo chạy ra chợ mua đồ về tẩm bổ cho mẹ. Chiều mẹ về nhà, ông nói: “Cứ ngồi im một chỗ. Cần cái gì gọi anh và các con”.

Ông chăm sóc bảo bọc mẹ suốt một tuần dài như thế. Sáng trước khi đi làm, ông dậy sớm đi chợ mua món ngon tẩm bổ cho mẹ. Trưa ông tranh thủ chạy về nhà ngó nghiêng xem mẹ có cần gì không và cứ ngồi cạnh nói chuyện rủ rỉ cho mẹ đỡ buồn. Vì ông thừa biết mấy chị em tôi trưa không đi học thì chỉ thích đi chơi lông bông chứ không đứa nào chịu ngồi với mẹ.

Chiều đi làm về, việc đầu tiên ông làm là nấu nước để lau người cho mẹ... Hơn 1 tuần sau, khi mẹ ra khỏi giường bệnh, các chị các cô hàng xóm ai cũng tặc lưỡi: “Đàn ông mà nuôi vợ bệnh giỏi quá. Vợ bệnh thì cứ trắng đỏ ra, còn chồng thì ốm xanh hà”. Mẹ vừa ngượng vừa hạnh phúc với ánh mắt long lanh dõi theo từng điệu bộ gãi đầu gãi tay vì mắc cỡ của ba.

10 tuổi

Ngày đó đám con nít tụi tôi đã biết phân biệt nam nữ. Hễ đứa nào mà chạm tay nhau, hoặc ngồi gần nhau là bị trêu “yêu nhau”. Tôi bị ghép với thằng Hùng cùng lớp! Có lần tôi đã hét vào tai lũ trẻ cùng lớp rằng: “Nó không giống ba tao, còn lâu tao mới thích”. Đến giờ đám bạn vẫn thỉnh thoảng nhắc lại chuyện đó.

13 tuổi

Một lần, sau khi ăn giỗ ở nhà ngoại về, tôi thấy ba giận dữ đến sợ với mẹ và đùng đùng bỏ đi với ánh mắt hằn học. Đến tối, ba không về ăn cơm, mẹ ngồi bên cửa đợi rất lâu. Khi tôi tỉnh dậy giữa đêm vẫn thấy mẹ ngồi đó. Bỗng dưng mẹ đứng vụt dậy: “Mẹ phải đi tìm ba”. Nhưng vừa mở cửa ra thì ba bước vào. Ba ôm chầm lấy mẹ rồi kéo chị em tôi vào lòng xiết chặt. Tôi nghe ba khóc và nói lời xin lỗi.

Sau này tôi mới biết. Hôm đó tại nhà ngoại còn có sự xuất hiện của bác Huân, người ngày xưa từng được ông bà ngoại tôi quý mến và có ý định gã mẹ tôi cho. Bác Huân vốn là con nhà giàu có và thầm thương trộm nhớ mẹ tôi. Nhưng vì yêu ba nên mẹ cự tuyệt. Trước quyết tâm của mẹ, dù không ưng nhưng ông bà ngoại cũng đành gã mẹ cho ba tôi. Còn bác Huân sau đó chuyển lên sống ở Sài Gòn và rất thành đạt.

Lần về ăn giỗ hôm đó, ba tôi phải nghe những câu nói không hay của ông ngoại về “phận gái 12 bến nước”. Với chút rượu trong người và chút mặc cảm về sự thua kém về kinh tế, ba đã kiếm chuyện cãi nhau với mẹ. Nhưng cũng từ hôm đó tình yêu của ba dành cho mẹ càng mặn nồng hơn trước.

15 tuổi

Tôi kết “bè” với 4 đứa con gái. Thỉnh thoảng chúng nó lại đến lớp với khuôn mặt như chì vì “ba tao đánh mẹ”, hoặc “đêm qua ba tao say, lảm nhảm chửi mẹ con tao suốt”. Tôi cũng đã chứng kiến ba của nhỏ bạn hất đổ mâm cơm chỉ vì đồ ăn mặn. Lúc đó trong đầu tôi chợt nghĩ, nếu là ba tôi thì ông sẽ nói: “hôm nay muối rẻ nên mẹ cho ba con mình ăn thoải mái đây”.

Tôi cũng đã thấy ba một đứa bạn mắng mẹ nó: “đồ đàn bà biết đái không qua ngọn cỏ thì biết gì mà lép bép”. Nếu là ba tôi, chắc ông sẽ nói “Em yên tâm, anh sẽ cố gắng làm tốt nhất” hoặc “đúng là sang nhờ vợ mà”.

Tôi mang chuyện kể với mẹ. Mắt long lanh hạnh phúc mẹ vuốt tóc tôi nói: “Đàn bà nhờ phúc phận nhà chồng con à. Lấy được người như ba con không phải dễ”.

20 tuổi

Tìm được người đàn ông như ba đúng là thật khó!

Mối tình đầu của tôi là anh bạn hơn 1 tuổi. Lúc đó anh đang là sinh viên xuất sắc nên được mời về trường tôi để nói chuyện với đám học trò chuẩn bị thi đại học. Tôi cố gắng để thi đỗ đại học cũng vì thế. Nhưng khi vào được đại học thì tôi thất vọng.

Một lần tình cờ tôi thấy anh lè bè với cô bé bán khoai ở cổng, mãi không trả tiền nó. Ba tôi đã từng mắng một người đàn ông trong trường hợp tương tự. Từ đó vòng hào quanh bao phủ quanh anh bấy lâu nay trong mắt tôi chợt vụt tắt.

Sau mối tình đầu tôi tiếp tục đổ vỡ thêm 2 cuộc tình nữa. Khi mới yêu, tôi hay nói “Anh giống ba em”. Nhưng cuối cùng tôi thấy họ không giống như những gì tôi tìm kiếm. Tôi hay than phiền với ba: “Anh ta như thế, có đáng làm con rể ba không chứ?!”.

25 tuổi

Mẹ thường nhắc: “Bạn bè có con bồng con bế cả rồi đấy”. Nhưng tôi lắc đầu: “Đàn ông bây giờ chán lắm chẳng như thời ba mẹ đâu”. Mẹ dí ngón tay lên trán tôi: “Muốn tìm người như ba con à, khó lắm đó”. Tôi vẫn mặc kệ!

27 tuổi

Trong khi bị nhiều người cho là ế thì tôi gặp chồng mình bây giờ. Ngay lần đầu gặp, tôi đã cảm giác anh vô cùng thân quen. Hình dáng, cử chỉ của anh cứ ngỡ như đã thấy trong mơ, hoặc trong ký ức được tua lại. Trong một lần đi làm tình nguyện xã hội, anh đã cứu tôi khỏi dòng suối đang dâng lũ. Lúc lên đến bờ, chân tay anh xây xước đầy máu, môi anh tím tái. Tôi bật khóc nhưng anh lại cười: “Đừng sợ, không sao mà”. Bất chợt tôi thấy hiện về hình ảnh ba bế mẹ vào bệnh xá với câu nói: “Em đừng sợ, anh sẽ ngồi đây chờ em”.

Người đàn ông ấy cũng tuyệt vời như ba nên tôi hãnh diện bước vào hôn nhân. Thi thoảng về nhà ba mẹ, tôi vẫn kín đáo chỉ cho anh thấy cảnh ba mẹ tự tay chăm sóc nhau như thông điệp nhắn nhủ anh rằng: “Hãy sống bên nhau đến ngày đầu bạc răng long”.

Theo Tạp chí Sống Khỏe/súckhoegiadinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ