“Cội nguồn hòa bình” hay khởi đầu một cuộc chiến đẫm máu mới?

GD&TĐ - Ngày 9/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T. Erdogan tuyên bố chiến dịch quân sự mang tên “Cội nguồn hòa bình” chống lại các tay súng người Kurd ở Đông Bắc Syria chính thức bắt đầu. 

Các binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến về biên giới với Syria gần Akcakale (tỉnh Sanliurfa) vào ngày 8/10/2019. Ảnh: AFP
Các binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến về biên giới với Syria gần Akcakale (tỉnh Sanliurfa) vào ngày 8/10/2019. Ảnh: AFP

Chiến dịch này nhằm tạo ra “khu vực an ninh” dài 30 km ở miền Bắc Syria, nơi dự định tái định cư khoảng 2 triệu người tị nạn Syria đã chạy đến Thổ Nhĩ Kỳ do chiến tranh. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo: Việc “ổn định” như vậy có thể gây ra hậu quả khó lường cho khu vực và cho chính ông Erdogan.

Ồ ạt tấn công lãnh thổ Syria

Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới với Syria tại 3 điểm, chính thức bước vào giai đoạn trên mặt đất của Chiến dịch Hòa bình ở phía Đông sông Euphrates - Tờ Yeni Şafak (New Dawn) của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Quân đội của chúng tôi cũng như Quân đội quốc gia Syria đã tiến hành một chiến dịch trên bộ ở phía Đông Euphrates”. Cũng theo lời Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ngay trong ngày đầu của chiến dịch “Cội nguồn hòa bình”, 181 mục tiêu của người Kurd đã bị tấn công.

Hãng Ria-Novosti của Nga đưa tin: Xe tăng M60, xe bọc thép M113, xe tải, pháo binh và máy bay chiến đấu… Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai lực lượng đến biên giới Syria và tiến hành một chiến dịch quân sự mà Tổng thống Erdogan đã chuẩn bị sẵn sàng vào Chủ nhật.

Theo kênh truyền hình Lebanon Al-Mayadin, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công trụ sở của Lực lượng Dân chủ Syria người Kurd (SDS) ở vùng lân cận thành phố Al-Malikiya thuộc tỉnh Hasek. Trong khi đó, Đài phát thanh Sham FM của Syria thông báo rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn phá các căn cứ của SDS tại khu vực biên giới, ở phía Bắc tỉnh Raqqa.

Theo ghi nhận của Reuters, những cột khói bốc cao trên bầu trời thị trấn biên giới Ras al-Ain của Syria, hàng nghìn người dân hoảng loạn bỏ chạy về phía Hasaka. Theo tin từ SDF, có ít nhất 5 dân thường và 3 chiến binh của họ tử vong, hàng chục dân thường bị thương.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ có thể tấn công Syria?

Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga trước khi tấn công vào lãnh địa của người Kurd, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: “Những chiến dịch theo kế hoạch ở phía Đông sông Euphrates sẽ góp phần thiết lập hòa bình, ổn định ở Syria và sẽ mở đường cho tiến trình chính trị ở Syria”. Ngược lại, ông Putin “kêu gọi các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc cẩn thận tình hình để không làm tổn hại đến những nỗ lực chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria”.

Là một trong 3 thành viên thỏa thuận Astana về Syria (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran), Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani kêu gọi lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế và tránh bạo lực. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “hành động kiềm chế” và “phù hợp”. Ông Stoltenberg cho rằng, điều quan trọng nhất là không để tình hình mất ổn định trong khu vực lan rộng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker kêu gọi Ankara chấm dứt các hoạt động quân sự ở Đông Bắc Syria.

Ngày 10/10, 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp để thảo luận về vấn đề Syria theo yêu cầu của Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Ba Lan.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngang nhiên tấn công vào lãnh thổ Syria?

Theo các nhà phân tích, trở ngại chính cho chiến dịch mới của Thổ Nhĩ Kỳ được gỡ bỏ vào Chủ nhật tuần trước. Sau cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa ông Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhà Trắng tuyên bố rằng quân đội Mỹ sẽ rút khỏi khu vực.

Quyết định không cản trở Ankara của ông Trump đã gây bất ngờ hoàn toàn cho cả chính quyền của ông và Lầu Năm Góc. Vào đầu năm nay, chính ông Trump đã đe dọa “làm cạn kiệt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tấn công người Kurd” và cho đến gần đây, Hoa Kỳ vẫn duy trì đường lối này. Vậy mà ông Trump quay ngoắt, bỏ mặc đồng minh người Kurd trong cơn nguy khốn.

Cho rằng các thỏa thuận với Ankara có nguy cơ gây ra một cơn bão chính trị mới ở Washington, trong một loạt các tuyên bố trên tweet mới, ông Trump đã cố gắng chứng minh logic trong quyết định của mình.

“Những người Kurd đã chiến đấu với chúng tôi, nhưng chúng tôi đã cung cấp cho họ thiết bị và trả rất nhiều tiền cho việc này. Họ xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ. Tôi đã không để cuộc đối đầu này diễn ra trong gần ba năm, nhưng đã đến lúc chúng ta phải thoát khỏi những cuộc chiến bất tận kỳ cục này… và đưa những người lính của chúng ta về nhà” - ông Trump viết.

Tuy nhiên, ít ai chấp nhận được hành động của Tổng thống Mỹ. Sau khi các nhà lãnh đạo người Kurd tuyên bố rằng, Hoa Kỳ đã đâm họ sau lưng. Một lực lượng chống lại Tổng thống Donald Trump đang hình thành ở cả lưỡng đảng (Dân chủ và Cộng hòa). Hành động của ông Trump làm nản lòng các đồng minh Euro - Atlantic của ông. Đại diện cao cấp của EU về chính sách đối ngoại và an ninh

Federica Mogherini đã lên tiếng gay gắt rằng: “Các hoạt động quân sự ở Đông Bắc Syria sẽ làm trầm trọng thêm sự đau khổ của dân thường, làm suy yếu công việc của liên minh toàn cầu chống lại Daish (tên tiếng Ả Rập của IS) và làm phức tạp thêm tiến trình chính trị dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc để đạt được hòa bình trong nước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ