Cởi bỏ áp lực cho phụ huynh và sĩ tử trước kỳ thi quan trọng

GD&TĐ - Theo chuyên gia tâm lý, không chỉ sĩ tử cần giải tỏa áp lực mà phụ huynh cũng cần cân bằng tâm lý tạo tinh thần thoải mái cho con trước kỳ thi.

Thí sinh nên hạn chế tiếp xúc thông tin tiêu cực trong thời gian diễn ra kỳ thi.
Thí sinh nên hạn chế tiếp xúc thông tin tiêu cực trong thời gian diễn ra kỳ thi.

Lắng nghe để giải tỏa áp lực cùng con

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục (Trường Đại học Hà Tĩnh) cho biết, với lịch trình học tập dày đặc, khối lượng bài vở quá mức sẽ khiến cho thí sinh dễ rơi vào trạng thái áp lực, mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe. Để đồng hành cùng với sĩ tử, phụ huynh cần có phương pháp để cùng con bước vào kỳ thi hiệu quả nhất.

Theo chuyên gia tâm lý, 12 năm đèn sách, phụ huynh thường đặt những kỳ vọng rất lớn vào học sinh. Chỉ có điều, mong muốn đó vô hình chung đã tạo áp lực cho các con vì bố mẹ hiện nay không hiểu hết con mình. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế.

Trước tiên, cha mẹ cần phải là một người quan sát tốt, chú ý tới những hành vi của con để phát hiện ngay các dấu hiệu bất thường. Tiếp đó, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, lắng nghe để thấu hiểu con suy nghĩ gì, cảm xúc ra sao, đang gặp khó khăn gì trong việc học tập... rồi cùng con tháo gỡ hoặc khuyến khích con tự tìm ra giải pháp cho chính mình.

Cùng với đó, càng gần ngày thi các bậc phụ huynh cũng cần giữ tâm lý bình tĩnh, tránh tạo áp lực cho các con. Sau mỗi môn thi, hãy cởi bỏ tâm lý cho con nếu như bài làm không được như ý. Việc này giúp các con rũ bỏ áp lực và tự tin khi làm bài những môn thi khác.

Trong thời gian những ngày thi đang đến gần này, ngoài cổ vũ động viên tinh thần con thì các bậc cha mẹ cũng cần bổ sung dinh dưỡng và nhắc nhở con tham gia các hoạt động thể thao để tránh stress.

“Thời điểm sát nút thi, phụ huynh nên chú ý chăm sóc sức khỏe cho con em mình. Nhiều bạn do học quá tải mà dẫn đến kiệt sức, ảnh hưởng không tốt tới kết quả kì thi. Do đó, phụ huynh nên chú ý và đảm bảo cho các con có khoảng thời gian ngủ nghỉ đúng, đủ, ít nhất là 6 - 8 tiếng/ngày. Việc thiếu ngủ có thể dẫn đến quên hụt kiến thức”, Thạc sĩ Thu Phương lưu ý.

Đừng để áp lực làm sa sút tinh thần

Đối với học sinh, Thạc sĩ Thu Phương cũng lưu ý các em cần giữ tinh thần khỏe mạnh, giữ ổn định phong độ và sử dụng thời gian hợp lý.

Ngoài việc học, học sinh cũng nên dành thời gian xen kẽ các hoạt động giải trí, thể dục thể thao để thư giãn tinh thần. Khi vào phòng thi, nếu cảm thấy căng thẳng, hãy nhắm mắt và hít thở thật sâu để có được phong thái bình tĩnh, tự tin nhất khi làm bài thi.

Ngoài ra, muốn đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, bên cạnh chế độ ăn hợp lý, các em cũng cần chú ý đến các hoạt động thể chất xen kẽ như đi bộ, đi xe đạp, chạy bộ… 30 phút đến 1 giờ/ngày và giải trí lành mạnh.

Phụ huynh cần lắng nghe để cùng giải tỏa áp lực cùng sĩ tử trước kỳ thi.

Phụ huynh cần lắng nghe để cùng giải tỏa áp lực cùng sĩ tử trước kỳ thi.

Điều đặc biệt là khi cảm thấy quá áp lực và mệt mỏi, các em học sinh cũng nên chủ động, cởi mở hơn trong việc chia sẻ, tâm sự với những người thân bên cạnh. Nếu cảm thấy khó khăn trong việc bày tỏ suy nghĩ với cha mẹ thì hãy tìm gặp thầy cô hoặc những người mà bạn thực sự tin tưởng để nói về những cảm xúc hiện tại của bản thân.

Khi nói ra được những tâm tư, suy nghĩ của chính mình sẽ giúp cho các em cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Hoặc nếu cảm thấy khó có thể tâm sự bằng lời thì các em học sinh cũng có thể lựa chọn cách viết nhật ký để giải bày những cảm xúc tiêu cực của bản thân.

“Khi viết ra những cảm xúc, suy nghĩ trên từng trang giấy sẽ giúp các em vơi đi những sự buồn phiền, lo lắng, tiêu cực và sau đó sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn rất nhiều”, Thạc sĩ Thu Phương chia sẻ.

"Thí sinh cũng cần hạn chế tiếp xúc với các thông tin tiêu cực. Việc thường xuyên tiếp xúc với những thông tin tiêu cực sẽ khiến cho các em bị lung lay ý chí, xao nhãng việc học tập và dần trở nên áp lực, căng thẳng nhiều hơn", chuyên gia tâm lý lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ