(GD&TĐ) - Việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục là một yêu cầu cần thiết và khách quan trước đòi hỏi của nền giáo dục nước nhà hiện nay và cũng là một chủ trương lớn, làm thay đổi căn bản cơ chế quản lý giáo dục theo cơ chế bao cấp vốn đã tồn tạị ở nước ta hơn nửa thế kỷ nay. Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ: "Thực hiện hợp lý cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với đổi mới cơ chế tài chính" cho thấy vấn đề tăng quyền tự chủ và đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục, đào tạo là vấn đề bức thiết.
Sự ban hành Nghị định 115/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 166/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2011 với những điểm mới hướng đến việc tăng cường trách nhiệm và quyền hạn bảo đảm về chất lượng giáo dục đã nhận sự đồng thuận cao của các cơ quan quản lý giáo dục.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, đã gần 2 năm trôi qua, hầu hết các CBQL giáo dục ở địa phương đều cho biết, vấn đề giao quyền tự chủ cho giáo dục chưa được UBND các cấp thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Nhiều bất cập đã xảy ra trong việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, trong đó, nổi cộm là việc quyết định tổ chức, biên chế, tuyển chọn nguồn giáo viên... và vấn đề tự chủ về tài chính, tái đầu tư cho cơ sở vật chất...
Sở Giáo dục thì chỉ đạo, quản lý về các hoạt động chuyên môn, còn UBND huyện thì quản lý về con người và ngân sách dẫn đến hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; điều chuyển GV Sở không có quyền vì huyện không cho đi, dẫn đến nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu; tuyển dụng công chức giao cho huyện đa phần chỉ tuyển ở huyện, không nhận con em huyện khác, tạo khe hở cho nể nang, quen biết; có những trường hợp bổ nhiệm không có sự đồng ý của Sở, Phòng Nội vụ; Sở bổ nhiệm, điều chuyển giáo viên có khi bị “ ách tắc” từ phía Sở, Phòng Nội vụ; Ngân sách Sở chuyển về cho huyện chi nhưng có huyện không chi hết theo quy định mà để làm việc khác.
Các lãnh đạo Phòng GD&ĐT ở các huyện, thị đều cho rằng vì một khi không được giao quyền tự chủ thì cũng đồng nghĩa với việc “bó tay” ngay cả việc… tự chịu trách nhiệm. Ông Lê Đăng Thái, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phong Điền-Thừa Thiên Huế tỏ rõ nỗi bức xúc: Thông tư liên tịch 47 ( Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT) đã có quy định thống nhất trên địa bàn tỉnh về giao trách nhiệm, quyền hạn cho phòng GD nhưng tất cả vẫn còn nằm trên văn bản, chưa được thực hiện theo đúng tinh thần của thông tư cũng như NĐ 115.
Vì sao Thủ tướng đã ký mà UBND tỉnh lại không thực hiện? Các Phòng còn rất thiếu quyền chủ động. Công tác đề bạt cán bộ cũng còn dùng dằng, chưa có sự thống nhất, còn mắc qua mắc lại giữa các địa phương. Nghị định 43 về tự chủ tài chính cũng còn chung quá, mới khoán được phần chi thường xuyên cho từng đơn vị. Lãnh đạo Phòng, Trường không có chức năng, quyền hạn gì trong xây dựng cơ bản. Kết quả là các công trình xây dựng ngay trong trường nhưng không ai kiểm tra, giám sát; dẫn tới quy cách, thiết kế thiếu hài hòa, không phù hợp với yêu cầu thực tế của nhà trường.
Cũng trùng khớp với những ý kiến nêu trên, ông Trần Đới, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hải Lăng - Quảng Trị còn thẳng thắn chỉ ra mâu thuẫn: Quyết định của UBND cũng nói căn cứ vào thông tư 47 thế này, thế khác nhưng hướng dẫn lại không giống Thông tư 47. Còn có những biểu hiện kiểu như thích thì phân cấp, mà không thích thì không phân. Trước đây, khi Phòng còn trực thuộc Sở thì Phòng được giao quyền chủ động vì thế mà tính tự chịu trách nhiệm cũng được thể hiện, sự điều hành công việc rất trôi chảy và có hiệu quả…
Từ vấn đề đặt ra cùng những ý kiến nêu trên, đã tới lúc UBND các cấp cần thực hiện nghiêm túc Nghị định 115 của Chính phủ cũng như Thông tư liên tịch 47; rà soát lại việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn để tăng quyền chủ động cho giáo dục nhằm mục đích đảm bảo các hoạt động chuyên môn, tạo lực bẩy cho phát triển.
Hồng Thúy