Lễ khai giảng của cô giáo trẻ với 34 em học sinh ở điểm trường vùng cao Tắk Pổ có lẽ là những hình ảnh về một ngày tựu trường đơn sơ nhất. Nhưng đó là những hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội những ngày qua.
Vượt qua những nhọc nhằn là sự nhân văn, là tình yêu thương của cô giáo cõng chữ lên non, là niềm vui và hy vọng của những đứa trẻ nơi lưng chừng trời.
Trường học là ngôi nhà gỗ mái tôn, sân đất, không máy điều hòa, không vi tính. Học sinh đi chân đất, không đồng phục mới, cô giáo mặc áo dài nhưng lại đi dép lê... Lễ khai giảng chỉ có 2 cô giáo, 34 đứa trẻ và một ông trưởng bản.
Nó đối lập hoàn toàn với những trường học thành phố cờ hoa rực rỡ trong ngày khai giảng, bố mẹ xế hộp, xe máy đứng chật trước cổng trường đầy khói bụi, tiếng còi xe inh ỏi chờ con. Đối lập với vô số những gương mặt học sinh thành phố mệt mỏi vì chưa quen lịch học sau thời gian nghỉ hè.
Ở Tắk Pổ, một điểm trường lẻ các cô giáo phải đi bộ 2 tiếng mới vào đến nơi, đến cái tên cũng trắc trở như con đường đến trường của nhiều đứa trẻ, người ta thấy trong những bức ảnh, tiếng cười ríu rít của bọn trẻ với cô giáo cắm bản ngày khai trường, thấy tình cảm cô trò thắm thiết, an bình, đầy thương mến.
Khung cảnh nơi điểm trường Tắk Pổ, đáng buồn là cho tới tận bây giờ, cũng không phải là quá xa lạ ở nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Điện Biên, Đắk Lắk, Quảng Trị, Hà Giang… một vài nơi tôi từng đặt chân qua, tôi cũng đã chứng kiến nhiều điểm trường lẻ chon von trên núi.
Mỗi điểm trường chỉ vài chục em học sinh mà chia thành mấy lớp từ lớp 1 đến lớp 5, cô giáo dạy lớp ghép vài trình độ khác nhau cho học sinh mỗi giờ lên lớp. Bọn trẻ, ở gần thì có đứa đi bộ 2 tiếng mới đến trường, ở xa thì cả nửa ngày, cả ngày đường. Bữa ăn nội trú chỉ có cơm trắng chan nước lọc, sang hơn thì cơm trắng trộn mỳ tôm. Nhà nội trú trống huơ trống hoác, không hiểu bọn trẻ chống chọi với cái lạnh giá mùa đông thế nào…
Ở những nơi như thế mới thấy sự học nhọc nhằn làm sao, nhọc nhằn đường đến trường xa lắc gập ghềnh, nhọc nhằn việc cô giáo lâu lâu lại phải đến gia đình các học sinh thuyết phục những ông bố, bà mẹ cho con tiếp tục đi học. Các thầy cô ở điểm trường lẻ phải yêu nghề lắm, kiên nhẫn lắm, nghị lực lắm mới bám trụ lại được những nơi như thế.
Nhưng thứ ánh sáng nhân văn, rạng rỡ toát lên trong bộ ảnh cô trò Tắk Pổ - và tôi tin chắc là ở vô số các điểm trường lẻ khác trên đất nước này trong ngày khai giảng, nhắc nhở chúng ta rằng mình phải nỗ lực rất nhiều.
Ở những nơi ấy nói đến xóa đói nghèo, xóa điểm trường lẻ, xây lại những ngôi trường cơ sở vật chất nghèo nàn còn khó, chưa nói đến học ngoại ngữ hay học kỹ năng. Nhưng chắc chắn, ánh sáng trong mắt cô trò Tắk Pổ, sự yêu thương, quan tâm, nỗ lực nơi đó khiến chúng ta tin rằng chỉ có sự học mới thay đổi được tương lai cho các em học sinh nghèo.
Cố Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan lúc sinh thời từng nói: “Giáo dục là tiền đề của sự tiến bộ trong mọi xã hội, mọi gia đình”. Thật lòng, chỉ mong những đứa trẻ vùng cao như ở Tắk Pổ đủ khả năng tiếp tục đến trường, được học hành trong một ngôi trường đẹp đẽ, ấm áp hơn, con đường đi học không còn bùn lầy sỏi đá, mà điều đó thì cần sự chung tay của tất cả chúng ta.