Có thể thu hồi số tiền trục lợi từ trẻ em của chủ Mái ấm Hoa Hồng?

GD&TĐ - LS Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TPHCM) có những phân tích về trách nhiệm pháp lý của bảo mẫu và chủ Mái ấm Hoa Hồng sau vụ bạo hành rúng động

LS Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TPHCM)
LS Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TPHCM)

Liên quan vụ trẻ bị ngược đãi tại Mái ấm Hoa Hồng, sáng 5/9, Công an Quận 12 cùng các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM đã tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (sinh năm 1974, ngụ quận Gò Vấp, là chủ Mái ấm Hoa Hồng), bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (sinh năm 1978, là bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) và một số bảo mẫu khác để điều tra về hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em.

5 bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ em

Chiều 5/9, Cơ quan CSĐT Công an Quận 12 đã ra quyết định tạm giữ đối với bảo mẫu Nguyễn Thị Ngọc Cẩm.

Theo kết quả xác minh, điều tra ban đầu, sáng 4/9/2024, Công an Quận 12 tiếp nhận tin báo về sự việc “Hành hạ người khác” xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng. Sau thời gian khẩn trương làm việc, Công an Quận 12 đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận 12, UBND phường Trung Mỹ Tây tiến hành kiểm tra trực tiếp tại cơ sở.

Kết quả, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở này đang nuôi dưỡng 86 trẻ em (vượt quá số lượng được cấp phép 47 trẻ); gồm: 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1 đến 2 tuổi; 31 trẻ từ 3 đến 5 tuổi đang học tại Trường Mầm non Sóc Bông (số 18F Quán Tre, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12); 3 trẻ từ 6 tuổi - 12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện.

Tiếp đó, Công an Quận 12 phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận 12 tham mưu đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí 32 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình (TP Thủ Đức), 36 trẻ vào Làng Thiếu niên Thủ Đức (TP Thủ Đức), 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò Vấp (quận Gò Vấp), 2 trẻ được gia đình tiếp nhận và 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện.

Qua dữ liệu, chứng cứ thu thập được, bước đầu Cơ quan CSĐT Công an Quận 12 xác định 5 nhân viên (bảo mẫu) có hành vi hành hạ trẻ em.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chỉ có 2 người có mặt tại cơ sở gồm: Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (sinh năm 1978, nơi thường trú: huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và T.M.N. (sinh năm 1953; nơi thường trú: huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau).

Ba bảo mẫu không có mặt gồm: N.T.Q. (sinh năm 1983; nơi thường trú: huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), Đ.T.K.L. (sinh năm 1978; nơi thường trú: quận Bình Thạnh, TPHCM) và D.N.T. (sinh năm 1977; nơi thường trú: huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

7ecf13d27906de588717-4536.jpg
Những đứa trẻ bị hành hạ ở Mái ấm Hoa Hồng. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, hành vi của bảo mẫu Nguyễn Thị Ngọc Cẩm đủ yếu tố cấu thành tội “Hành hạ người khác” quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự (BLHS) nên đã ra Quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Thị Ngọc Cẩm để phục vụ điều tra.

Các tổ công tác của Công an Quận 12 và Phòng Cảnh sát Hình sự đã nhanh chóng phối hợp Công an các tỉnh, đưa 3 bảo mẫu còn lại về trụ sở để làm việc.

Pháp luật quy định ra sao với các hành vi của bảo mẫu, chủ Mái ấm Hoa Hồng?

Phân tích tình huống pháp lý của vụ việc, LS Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, vụ việc này rất nghiêm trọng và vô đạo đức vì ảnh hưởng đến trẻ em - đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt nên cần xử lý nghiêm, triệt để.

Theo LS Lê Bá Thường, đối với trách nhiệm pháp lý của bảo mẫu bạo hành trẻ em: Hành vi bạo hành trẻ em được xem là vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em theo Luật Trẻ em 2016 và các quy định liên quan khác.

Về mặt pháp lý, bảo mẫu có thể bị xử lý theo các quy định sau: Hành vi đánh đập, ngược đãi trẻ em có thể cấu thành tội hành hạ người khác nếu hành vi này diễn ra trong thời gian dài, gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của trẻ được quy định tại Điều 140 BLHS 2015: Phạt tù từ 1 đến 3 năm.

4a3fd5c1-3c36-4542-acfa-bd2de0898673.jpg
LS Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TPHCM). (Ảnh: NVCC)

"Nếu hành vi của bảo mẫu dẫn đến thương tích nặng cho trẻ em, bảo mẫu có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích. Mức phạt tù tùy thuộc vào tỷ lệ thương tật của trẻ quy định tại Điều 134 BLHS 2015: Phạt tù từ 2 đến 7 năm, nếu thương tật nặng, mức phạt lên đến 20 năm", LS Thường nói.

Các bảo mẫu này còn phạm Tội hành hạ hoặc ngược đãi người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 185 BLHS 2015. Phạt tù từ 1 đến 3 năm nếu có hành vi xảy ra với trẻ dưới 16 tuổi.

“Cơ quan điều tra nếu có kết luận người có hành vi lợi dụng kêu gọi lòng hảo tâm của người khác để có được tiền và tài sản nhưng người kêu gọi từ thiện có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền và tài sản này ngoài việc bị tù giam thì còn phải trả lại số tài sản đã chiếm đoạt bất hợp pháp”, LS Lê Bá Thường nói.

Về trách nhiệm pháp lý của chủ mái ấm: Nếu chủ mái ấm không thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, để xảy ra tình trạng bạo hành, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 Bộ luật Hình sự), với mức phạt từ 3 tháng đến 12 năm tù, tùy mức độ nghiêm trọng của hậu quả.

Nếu mái ấm hoạt động sai quy định sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy mức độ.

Trong quá trình điều tra nếu phát hiện chủ mái ấm lợi dụng danh nghĩa chăm sóc trẻ mồ côi để trục lợi, họ có thể bị xử lý theo các quy định về: Trường hợp chủ mái ấm lợi dụng việc nuôi dưỡng trẻ để chiếm đoạt tài sản từ các nhà hảo tâm sẽ vi phạm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mức án phạt tù từ 2 năm đến 20 năm, tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt quy định tại Điều 174 BLHS

"Nếu chủ mái ấm nhận được sự tin tưởng của các cá nhân hoặc tổ chức và chiếm đoạt tài sản từ sự tín nhiệm đó sẽ phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và có thể bị xử lý với mức án tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt, từ 6 tháng đến 20 năm tù quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự", LS Thường diễn giải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ