Có thể can thiệp để thay đổi chiều cao?

GD&TĐ - Với nhiều người, chiều cao luôn là niềm mơ ước. Nhưng liệu, một chiều cao khiêm tốn có thể được cải thiện hay không? Và cải thiện bằng cách nào cho hiệu quả nhất?

Chiều cao của trẻ được hình thành từ trong bụng mẹ.
Chiều cao của trẻ được hình thành từ trong bụng mẹ.

Cao ngay từ vạch xuất phát của cuộc đời

Khi đề cập đến vóc dáng, có một câu mà người ta thường nói vui vừa như thật, vừa như đùa: “Mập đẹp, cao sang, lùn quý phái”.

Nội dung câu nói, thoạt nghe tuy có vẻ tự hào với “mập đẹp”, “lùn quý phái”. Nhưng khi tìm hiểu kỹ ra thì chẳng có người nào thích sự “quý phái” để “lùn” và cũng chẳng ai thích “mập” để được “đẹp” mà hầu như tất cả mọi niềm ao ước đều hướng về một vóc dáng thanh mảnh, thích sự… “sang” để được “cao”.

Như vậy, một vấn đề có thể nảy sinh trong đầu của nhiều người là liệu chiều cao của mình, của con em mình có thể cải thiện được hay không? Chế độ dinh dưỡng, việc tập luyện hay còn có yếu tố liên quan nào khác mà mình và gia đình có thể làm được để cải thiện được… chiều cao như niềm ước mơ thầm kín.

Các chuyên gia kết luận rằng: Chiều dài hay cao của đứa trẻ đo được ngay sau sinh có liên quan mật thiết đến chiều cao đạt được trong giai đoạn trưởng thành của cuộc đời. Sự phát triển chiều cao của trẻ bắt đầu ngay trong bụng mẹ vào thời kỳ còn là bào thai ở những tuần đầu tiên.

Các nghiên cứu cho thấy, trước tuần thứ 15, thai nhi đạt được chiều cao cực đỉnh. Trong khi đó trọng lượng của thai nhi đạt cao nhất vào tháng thứ 8 - 9 (khoảng tuần thứ 32 - 34).

Dinh dưỡng của người mẹ và các bệnh mắc phải trong quá trình mang thai có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chiều cao của đứa trẻ được sinh ra sau này. Khi đứa trẻ chào đời, chiều cao sẽ phát triển rất nhanh trong năm đầu tiên. Dinh dưỡng trong thời kỳ này đóng vai trò quan trọng nhất.

Từ thời điểm chào đời đến khi được 1 tuổi, thông thường chiều cao sẽ gấp rưỡi (tức gấp 1,5 lần) chiều cao đo được lúc mới cất tiếng khóc đầu đời. Sau đó cứ mỗi năm, chiều cao cơ thể trẻ được gia tăng trung bình 5 cm chiều cao cho đến khi trẻ được 10 tuổi.

Giai đoạn gần dậy thì (nữ từ 9 - 11 tuổi, nam 12 - 14 tuổi), đột nhiên “nhổ giò” với chiều cao gia tăng 6 - 7 cm/năm. Bước vào tuổi dậy thì (nữ 12 - 13 tuổi, nam 15 - 16 tuổi) thì hiện tượng “nhổ giò” của các trẻ đột nhiên dừng lại. Mỗi năm sau đó các trẻ chỉ gia tăng khoảng 1 - 2 cm chiều cao. Và hiện tượng “lớn” sẽ kết thúc năm 25 tuổi với nam giới và 23 tuổi với nữ giới.

Ai cũng mong muốn có được chiều cao nhất định.

Ai cũng mong muốn có được chiều cao nhất định.

Các yếu tố tác động và hướng cải thiện

Sự phát triển chiều cao trong giai đoạn đầu của cuộc đời bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng theo các chuyên gia thì 3 yếu tố sau đây đóng vai trò quan trọng. Hơn nữa, điều đáng nói là chúng có thể can thiệp được để cải thiện nhờ các nỗ lực trong hoàn cảnh cho phép.

Thứ nhất, chế độ ăn: Thức ăn phong phú đạm (protein), can-xi, chất béo (lipid) sẽ giúp cho cơ thể trẻ phát triển nhanh. Protein từ nguồn thực phẩm thịt, cá… chứa nhiều acid amin cần thiết cho sự kiến tạo cơ thể. Can-xi hình thành khung xương và bảo đảm sự vững chắc để chiều cao phát triển.

Lipid đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các xương dài nhất là xương đùi và cẳng chân. Nó còn là dung môi để cơ thể hấp thu các vitamine tan trong dầu như vitamine A, vitamine D… rất cần cho sự phát triển của bộ xương.

Ngoài ra, thức ăn giàu vitamine (A, B, C, D...) và các nguyến tố vi lượng như sắt, kẽm, magnê, iod… cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chiều cao của cơ thể con người.

Ăn uống đủ chất giúp tăng chiều cao.

Ăn uống đủ chất giúp tăng chiều cao. 

Thứ hai, điều kiện sống: Môi trường sống ẩm thấp, chật hẹp, thiếu vệ sinh, kinh tế khó khăn, thiếu sự quan tâm chăm sóc do hoàn cảnh đặc biệt nào đấy, khiến cho những năm tháng trong giai đoạn đầu của cuộc đời dễ bị mắc các bệnh khi mà cơ thể đang nỗ lực gia tăng chiều cao, đặc biệt là bệnh suy dinh dưỡng. Tất cả đều là những trở ngại khó có thể vượt qua của sự phát triển một chiều cao lý tưởng về lâu dài.

Thứ ba, sự rèn luyện: Việc tập thể dục, chơi các môn thể thao như bơi lội, nhảy cao, hít xà đơn, chạy... giúp tăng cường thể lực, tăng sức chống đỡ bệnh tật, đồng thời giúp cho cơ thể phát triển chiều cao.

Một số trẻ em không may có một chiều cao “khiêm tốn” do sự thiếu hormon tăng trưởng (Growth Hormon - GH), vì sự “trục trặc” của tuyến yên. Có thể định lượng GH bằng kỹ thuật xét nghiệm máu cao cấp. Nếu thiếu GH, có thể bổ sung bằng thuốc tiêm như Protropin (Somatrem), Somatotropin, theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Vì là thuốc chế tạo từ công nghệ sinh học dưới dạng tái tổ hợp gien người, nên giá thành rất đắt. Tuy nhiên, chiều cao cũng chỉ cải thiện ở một mức độ nhất định mà thôi. Do vậy khả năng mong chờ sự can thiệp của thuốc để cải thiện chiều cao hiện đang ngoài tầm tay của hầu hết các gia đình có teen không may bị “chân ngắn”.

Nhưng xét cho cùng, cao hay thấp, gầy hay béo nhiều khi là của… “Trời cho”. Nếu không có cách nào cải thiện được thì thôi ta vui vẻ nhận vậy. Điều quan trọng là thành tích học tập, lao động sao cho thật tốt và sống chan hòa với mọi người. Lúc đó chẳng ai còn “dòm ngó” nhiều đến chiều cao hay “chiều rộng” của ta nữa đâu mà lo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.