Cơ sở phát triển toàn diện, bền vững giáo dục Đại học

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT xác định yêu cầu xây dựng bản Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, làm cơ sở cho sự đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị tham vấn xây dựng Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị tham vấn xây dựng Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT  Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy tại Hội nghị tham vấn xây dựng Chiến lược nêu trên do Ngân hàng thế giới phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức hôm nay (29/3) tại Hà Nội.

Thiếu một chiến lược phát triển dài hạn, khả thi

Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước thông qua việc mở rộng về quy mô, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng và bước đầu hội nhập quốc tế.

Mặc dù đạt được một số thành tựu, kết quả đáng ghi nhận, giáo dục đại học của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể là, chất lượng của lực lượng lao động được đào tạo trình độ đại học vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta; thiếu các nghiên cứu khoa học có chất lượng quốc tế từ các cơ sởgiáo dục đại học; hạn chế về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; thiếu chính sách tạo động lực hiệu quả đối với đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho giáo dục đại học; cơ chế tài chính cho giáo dục ở cấp quốc gia lẫn cấp cơ sở chưa hiệu quả và thiếu bền vững...

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, những hạn chế này sẽ trở nên thách thức hơn khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu; khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu ngành/nghề lao động và những yêu cầu mới về năng lực và kỹ năng của người học; khi nhiều công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi căn bản về mô hình đào tạo, phương thức dạy và học với sự phát triển của đào tạo mở trực tuyến; và khi tự do thương mại, dịch vụ sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về cung, cầu nguồn nhân lực bậc cao giữa các quốc gia, trước mắt là trong cộng đồng ASEAN.

Có nhiều nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là thiếu một chiến lược phát triển dài hạn, khả thi và hội nhập với xu thế phát triển giáo dục đại học của thế giới; một chiến lược được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu thực chứng, luận cứ khoa học vững chắc và đúc rút thực tiễn phát triển giáo dục đại học của các quốc gia trên thế giới.

Do vậy, Bộ GD&ĐT xác định yêu cầu xây dựng bản Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, làm cơ sở cho sự đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

5 trụ cột trong Chiến lược

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Với tầm nhìn đến năm 2035, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia, chúng tôi mong muốn xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030 để hiện thực hóa tầm nhìn này.

Bản Chiến lược sẽ cụ thể hóa những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng trong đó bao gồm: định hướng về vai trò của nhà nước từ kiểm soát trực tiếp sang kiến tạo và đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục đại học; đổi mới quản trị đại học theo hướng hội nhập với thế giới.

Bản Chiến lược dự kiến tập trung vào các trụ cột: tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị đại học; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường chất lượng và sự phù hợp của đào tạo và nghiên cứu khoa học; đảm bảo tài chính bền vững cho giáo dục đại học; tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông.

Bản chiến lược không chỉ xác định được các mục tiêu, giải pháp mà còn phải đưa ra được lộ trình triển khai khả thi, tạo ra được sự đồng thuận của các cấp, các bộ ngành, các cơ sở đào tạo và các bên liên quan.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với giáo dục đào tạo nói chung và việc xây dựng Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 nói riêng.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã lựa chọn một số chuyên gia uy tín, các nhà thực tiễn và nhóm nghiên cứu xây dựng Đề cương cho Chiến lược và tiến hành một số khảo sát đánh giá ban đầu về quản trị đại học, cơ chế phân bổ tài chính và cơ chế đối tác công tư trong giáo dục đại học. Các nghiên cứu thực chứng này sẽ giúp cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Chiến lược.

Bộ trưởng mong mỏi qua hội thảo này và các hội thảo sắp tới, các nhóm nghiên cứu, ban soạn thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, nhiều ý tưởng đổi mới của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà tuyển dụng, các thầy cô giáo, sinh viên; đặc biệt là các chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới; giúp cho các nhóm nghiên cứu hoàn thiện ý tưởng, phương pháp và nội dung của các báo cáo, nghiên cứu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ