Cơ sở giáo dục đại học cần định hướng tuyển sinh từ năm 2025

GD&TĐ - Ngoài việc hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023, các cơ sở giáo dục đại học cần định hướng tuyển sinh từ năm 2025 trở đi.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh minh họa: Đình Tuệ
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh minh họa: Đình Tuệ

Đề xuất lịch tuyển sinh năm 2023 trở lại như trước thời Covid-19

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo giữ ổn định các phương thức xét tuyển. PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch – Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính nhìn nhận, năm 2022, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng hệ thống hướng dẫn tuyển sinh đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo và thí sinh.

Từ thành công của năm 2022, năm 2023, Học viện Tài chính dự kiến giữ ổn định trong công tác tuyển sinh. PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch đề xuất, Bộ GD&ĐT sớm có những hướng dẫn, kế hoạch trong công tác tuyển sinh để các cơ sở đào tạo có cơ sở triển khai thực hiện.

Từ thực tế một số sai sót của thí sinh trong năm 2022, GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - cho rằng, cần tăng cường hướng dẫn, giám sát dữ liệu của các Sở GD&ĐT, trường THPT. Đồng thời hướng dẫn thí sinh về quy tắc tuyển sinh để tránh những sai sót, nhầm lẫn không đáng có.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú đề xuất, lịch trình tuyển sinh năm 2023 trở lại như trước (trước thời điểm xảy ra Covid-19). Việc này sẽ tạo thuận lợi cho các trường trong công tác đào tạo và thí sinh cũng có nhiều thuận lợi trong học tập.

Năm 2023, Trường ĐH Thương Mại giữ ổn định các phương thức tuyển sinh và bổ sung phương thức xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm tăng cơ hội cho thí sinh. Nhà trường mở thêm 2 ngành mới là: Kinh tế số và Ngôn ngữ Trung Quốc.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, ổn định trong công tác tuyển sinh là cần thiết. Qua đó, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường THPT trong giảng dạy và ôn tập. Mặt khác, giúp ổn định về tâm lý cho phụ huynh và tạo tâm thế tốt cho thí sinh. “Chúng tôi sẽ sớm có thông tin về kế hoạch tuyển sinh năm 2023 và năm tiếp theo để học sinh chủ động trong học tập” - TS Nguyễn Tiến Dũng trao đổi.

Tăng cường một số giải pháp kỹ thuật

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – thông tin: Năm 2023, Bộ không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Theo đó, công tác tuyển sinh vẫn áp dụng quy chế, quy trình như năm 2022, nhằm tạo ổn định về tâm lý cho thí sinh, giúp các em có sự chuẩn bị tốt nhất trong học tập.

Nhấn mạnh, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như năm 2022; PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Bộ sẽ tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Theo đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền Hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn.

Ngoài ra, Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học trong năm học 2022 - 2023 là hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý, các cơ sở đào tạo cần định hướng công tác tuyển sinh từ năm 2025 trở đi.

Theo đó, cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành. Các trường cần tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, khó khăn cho thí sinh.

Với các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT lưu ý, cần chủ động làm việc với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ, quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Bộ GD&ĐT đề nghị, cơ sở đào tạo cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT sẽ giữ ổn định quy chế tuyển sinh, đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tăng độ tin cậy của các hình thức đánh giá, xét tuyển và sự công bằng đối với thí sinh. Dự kiến, kế hoạch tuyển sinh 2023 sẽ được công bố vào tháng 2 tới, sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học từ tháng 9/2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.