Cơ sở đào tạo cần liên hệ chặt chẽ với địa phương

Cơ sở đào tạo cần liên hệ chặt chẽ với địa phương

(GD&TĐ) - Ngày 11/9, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ - CP của Chính phủ. Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì hội nghị. 

Nhiều bất cập

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thời gian qua, các đơn vị thực hiện đã triển khai  nghiêm túc các văn bản quy định về chế độ cử tuyển. Các địa phương đã cử con em các dân tộc thiểu số thuộc 48/54 dân tộc, một số dân tộc có số học sinh cử tuyển khá đông như Thái chiếm 15,17%, Khmer chiếm 12,46%, Tày chiếm 9,59%, Hmông chiếm 8,04%, Dao chiếm 5,58%... Các nhóm ngành mà số học sinh, sinh viên được bố trí gồm sư phạm, y tế, kỹ thuật, nông lâm nghiệp.... Về bố trí việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp khoá 2007 - 2009 trình độ đại học, cao đẳng thực hiện theo Nghị định 134 có 852 em được bố trí việc làm trên tổng số 2.132 em chiếm 40,2% và có 95 % học sinh TCCN tốt nghiệp ra trường đã được bố trí việc làm.

Tuy nhiên, theo đánh giá giám sát hàng năm của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Thanh tra của UBDT, báo cáo của UBND các tỉnh, thì việc thực hiện NQ vẫn còn một số bất cập như quy định về bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp đối với người học cử tuyển khó thực hiện do chồng chéo giữa Nghị định 134 và Nghị định 116/2003/NĐ - CP. Sự phối hợp giữa địa phương với cơ sở đào tạo chưa chặt chẽ nên việc xác định nhu cầu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; việc phân bổ, giao và thực hiện chỉ tiêu hàng năm còn chậm, chưa đồng đều; chất lượng sơ tuyển thấp...

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần ưu tiên những nơi thiếu, tuyển dụng theo nhu cầu địa phương... Đặc biệt, mối liên hệ giữa cơ sở đào tạo và địa phương cần chặt chẽ hơn. Các địa phương cần cử cán bộ chuyên trách để thực hiện công việc này. Đại diện Trường ĐH Thái Nguyên cho rằng, việc thực hiện tiếp nhận chỉ tiêu cử tuyển các cơ sở đào tạo vẫn bị động. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo do kiến thức phổ thông kém, khả năng tiếp thu của học sinh còn chậm, nhất là các trường y, dược... 

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

 Nên tăng chỉ tiêu hệ cử tuyển

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm Nghiệp đặt vấn đề: Tại sao các địa phương không chọn tuyển các em đỗ đại học cho chế độ cử tuyển (ngoại trừ một số dân tộc không có HS đỗ đại học) chắc chắn chất lượng sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó thì hiện nay các HS tại các trường THPT nội trú lại không được xét cử tuyển, đấy là thiệt thòi cho các em…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Cùng với việc thực hiện chế độ cử tuyển, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, đầu tư, xây dựng phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc Nội trú; nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập từ các trường bán trú, trường THPT nhằm bồi dưỡng văn hoá, tiếng Việt cho những HS là người dân tộc thiểu số, làm cơ sở tạo nguồn đào tạo cho các hệ dự bị đại học, hệ cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ, Trung cấp; tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với HS, SV dân tộc thiểu số trong các trường dự bị đại học và HS, SV hệ cử tuyển trong các trường ĐH, CĐ và Trung cấp; phối hợp với UBND các tỉnh kiến nghị Chính phủ cho tăng chỉ tiêu hệ cử tuyển, cung cấp cán bộ công chức cho những vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và mở rộng nhiều ngành nghề đào tạo để phù hợp với nhu cầu sử dụng của các địa phương, ưu tiên tuyển chọn những HS thuộc dân tộc ít người; tiếp tục mở rộng vùng tuyển và đối tượng cử tuyển tại các vùng, miền đối với dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ được đào tạo ở trình độ ĐH, CĐ so với số dân của dân tộc đó. Đồng thời nghiên cứu và kiến nghị với Chính phủ có chính sách đầu tư trọng điểm để phát triển giáo dục, đào tạo theo đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc. 

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cần phải có chính sách đồng bộ hơn để tạo cơ hội cho SV cử tuyển  ra trường có việc làm và làm đúng vị trí với mong muốn ban đầu. Việc chọn ngành cho SV cần có sự tham gia của nhà trường, nên cơ sở đào tạo SV cử tuyển cần tư vấn và phân loại SV để bảo đảm tỷ lệ thành công cho SV cử tuyển. Trong Nghị định sửa đổi sắp tới, nên có thêm chế độ đặc thù cho SV tốt nghiệp cử tuyển. 

Minh Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ