Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đánh giá Đường mòn Hồ Chí Minh là thành tựu quân sự vĩ đại

GD&TĐ - Theo văn bản lịch sử của Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ, đường Trường Sơn được quân đội Mỹ coi là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”.

Đoàn xe vận tải hùng hậu và quân đội ta trong chiến dịch
Hồ Chí Minh 1975 trên đường Trường Sơn. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Đoàn xe vận tải hùng hậu và quân đội ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 trên đường Trường Sơn. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Các tên gọi về con đường huyền thoại

Nhiều thế hệ học sinh đã được đọc, tìm hiểu và được nghe giảng về đường mòn Hồ Chí Minh. Cho đến nay, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 đã có “Trên đường mòn Hồ Chí Minh” với đoạn trích: “Đường lên dốc trơn và lầy. Người nọ đi tiếp sau người kia. Đoàn quân nối thành vệt dài từ thung lũng tới đỉnh cao như một sợi dây kéo thẳng đứng. Họ nhích từng bước. Nhìn lên chỉ thấy những chiếc ba lô lù lù nối nhau trên những cái lưng cong cong. Nhìn xuống là những chiếc mũ tai bèo lúp xúp trên những mái đầu đang cắm về phía trước. Những khuôn mặt đỏ bừng.

Đoàn quân đột ngột chuyển mạnh. Những dặm rừng đỏ lên vì bom Mỹ. Những dặm rừng xám đi vì chất độc hóa học Mỹ. Những dặm rừng đen lại, cây cháy thành than chọc lên nền trời mây… Tất cả, tất cả lướt qua rất nhanh”.

Cô Nguyễn Thị Vui – nguyên giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều nói: Trước đây, tôi đọc nhiều tài liệu, sách báo về đường mòn Hồ Chí Minh để tổng hợp kiến thức, vận dụng vào bài giảng. Con đường này là mạng lưới giao thông quân sự, tuyến hậu cần chiến lược chạy từ miền Bắc vào tới miền Nam Việt Nam, đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia.

Hệ thống này cung cấp binh lực, hậu cần và khí tài cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong 16 năm (1959 - 1975) của thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559) triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, vận tải, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống đường này. Đường Trường Sơn còn được những người lính trong cuộc chiến gọi là Tuyến lửa.

Trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng quân sự Mỹ và quân đội Sài Gòn đã đánh phá hệ thống giao thông này bằng một loạt các chiến dịch bộ binh và không quân. Hàng triệu tấn bom đã được Mỹ ném xuống. Một hệ thống máy móc điện tử, thường được gọi là Hàng rào Điện tử McNamara, đã được sử dụng để giúp hướng dẫn máy bay ném bom. Ngoài ra, chất độc da cam cùng một số loại chất diệt cỏ khác đã được rải xuống nhiều vùng rừng trên đường Trường Sơn làm trụi lá cây. Các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để phá đường.

Bất chấp tất cả những biện pháp đó, đường Trường Sơn vẫn không bị cắt đứt mà ngày càng hoàn thiện hơn. Theo văn bản lịch sử chính thức của Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ, đường Trường Sơn được quân đội Mỹ coi là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”.

Đường mòn Hồ Chí Minh ngày nay không chỉ là con đường lịch sử, mà còn là con đường du lịch yêu thích của nhiều người dân trong và ngoài nước. Ảnh: IT
Đường mòn Hồ Chí Minh ngày nay không chỉ là con đường lịch sử, mà còn là con đường du lịch yêu thích của nhiều người dân trong và ngoài nước. Ảnh: IT

Một số sách báo, phim tài liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gọi đường vận tải Trường Sơn là “Đường mòn Hồ Chí Minh”.

Nói về việc tại sao lại gọi tên là “Đường mòn Hồ Chí Minh”, tác giả Phạm Minh Khải viết: Tôi đọc lại một số sách chính thống của Đảng đề cập đến con đường này thì chỉ thấy gọi đây là “đường 559”, “tuyến giao liên 559”, “đường Trường Sơn”, “đường Hồ Chí Minh”.

Có chỗ còn gọi là “đại lộ” chứ không phải là “đường mòn” như “Đường Trường Sơn đã thật sự trở thành một đại lộ được chiến sĩ và đồng bào gọi bằng cái tên trìu mến: Đại lộ Hồ Chí Minh” hoặc “Trên đường Trường Sơn - đại lộ Hồ Chí Minh thời chống Mỹ - đại quân, đại pháo, đại xa của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến vào Nam…”.

Năm 1961, trong báo cáo gửi Tổng thống Kennedy, tướng Taylor đã gọi tuyến giao liên vận tải của ta là “Ho Chi Minh trail” (Đường mòn Hồ Chí Minh). Năm 1971, ký giả Pháp Van Geirt viết cuốn “La piste Ho Chi Minh” (Đường mòn Hồ Chí Minh) kể lại các cuộc săn lùng của quân Mỹ bằng sức mạnh ghê gớm nhưng không thể ngăn chặn đoàn quân ái quốc và cắt đứt con đường mà ông gọi là “la piste” này.

Năm 1971, nhà văn Đào Vũ cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Con đường mòn ấy”… Từ đó, mới lan truyền cách gọi “đường mòn Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, các văn bản chính thống của Đảng vẫn viết “đường 559”, “đoàn 559”.

 Đến năm 1973, sau Hiệp định Paris, ta mở thêm trục dọc “Đông Trường Sơn”, song song với “Tây Trường Sơn”, chạy đến Lộc Ninh, áp sát hệ thống phòng ngự của quân ngụy. “Tuyến giao lưu 559”, “đường vận tải Trường Sơn” được đổi là “Đường Hồ Chí Minh”. Đây là tên gọi vừa đúng với thực tế lịch sử, vừa toát lên ý nghĩa chiến lược, hiên ngang và kỳ vĩ của con đường mang tên Bác Hồ kính yêu thời chống Mỹ cứu nước. 

Những nỗ lực phá huỷ đường mòn Hồ Chí Minh của quân đội Mỹ đều thất bại.
Những nỗ lực phá huỷ đường mòn Hồ Chí Minh của quân đội Mỹ đều thất bại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đường Hồ Chí Minh lịch sử

Trong quá trình chi viện cho miền Nam, lúc đầu chúng ta mở đường Trường Sơn để đi bộ, gùi, thồ vũ khí, đạn dược... Hình thức này tránh được sự truy tìm của địch, bởi ta có thể giữ bí mật được, nhưng khả năng chi viện rất ít. Trong khi đó, Mỹ đưa hàng trăm nghìn quân vào, buộc chúng ta không thể tiếp tế nhỏ giọt mà phải tăng cường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định “phải cơ giới hóa chi viện cho cách mạng miền Nam”.

Là bậc thầy trong công tác hậu cần và điều hành quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng, bảo trì và tận dụng đường mòn Hồ Chí Minh. Đại tướng đã chủ trương mở đường Hồ Chí Minh trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn. Ngày 19/5/1959, con đường ấy bắt đầu được mở ra và trong tâm khảm của bộ đội Trường Sơn, hình ảnh con đường, hình ảnh vị Tổng tư lệnh gắn liền với nhau và đều trở thành huyền thoại.

Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể lại: “Khi chiến tranh miền Nam ngày càng phát triển, phải mở đường ô tô. Nhưng vận chuyển bằng đường ô tô trong điều kiện địch tăng cường không quân đánh phá, những chuyến đi bị thất bại nặng nề. Lúc đó lại gùi, thồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó là người quyết khắc phục khó khăn, mở đường Trường Sơn để vận chuyển cơ giới nên nhờ đó đường Hồ Chí Minh trở thành rộng rãi, có những đoạn đi trong rừng gọi là đường ống, địch và máy bay không phát hiện được”.

Từ đó, đường Hồ Chí Minh trong chiến trường Trường Sơn trở thành một hệ thống gồm 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang với tổng chiều dài 20.000 km đường bộ, 500 km đường sông, 5.000 km đường gùi thồ, 1.400 km đường ống xăng dầu… Địch đã không thể ngăn chặn được tuyến chi viện Trường Sơn cho cách mạng miền Nam. Quân ta chẳng những chở được hàng triệu tấn vũ khí đạn dược, lương thực tiếp tế cho chiến trường, mà còn cơ động hàng nghìn quân đoàn chủ lực theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cùng với sự chuyển mình đi lên của đất nước, ngày nay tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đã được đầu tư xây dựng trở thành tuyến giao thông huyết mạch phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và du lịch. Năm 2016, đường Hồ Chí Minh tại Việt Nam đã vinh dự nằm trong Tốp 10 cung đường đẹp nhất thế giới dành cho dân mê phượt bằng mô tô. Đây là Tốp 10 cung đường đẹp nhất do 1 tạp chí mô tô tại Anh quốc bình chọn.

Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần to lớn kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu non sông về một mối. Nhưng tính chiến lược, bất ngờ, sức sáng tạo, gợi mở của con đường có giá trị lâu bền, vượt thời gian…
Lời bài hát “Đường Hồ Chí Minh Con đường của thanh niên” do nhạc sĩ Trần Long Ẩn sáng tác cũng từng câu, từng từ như nhắc nhở lớp trẻ mai sau không chỉ kế thừa, phát huy sức mạnh dân tộc, mà còn là bài học giáo dục sâu sắc cho thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước:
“Đường Hồ Chí Minh con đường của thanh niên/ Đường Hồ Chí Minh con đường của chiến thắng/ Trong mỗi tấc đất nơi đây, như có tiếng nói vọng lại/ Xưa “xẻ dọc Trường Sơn”, nay xây đường Trường Sơn.
Ôi! Những con đường Trường Sơn, hai lần mang tên Bác/ Biết mấy yêu thương, biết mấy tự hào, trong lòng tuổi hai mươi, trong lòng cả dân tộc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ