“Cô nuôi” của khu cách ly

GD&TĐ - Hơn một tháng nay, kể từ khi Trường TH Tô Hiến Thành (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) trở thành “bếp ăn” của những khu cách ly, "cô nuôi dạy trẻ" Nguyễn Thị Hải đã tình nguyện làm “cô nuôi cách ly”. 

Trong hơn 1 tháng, cô Hải đã cùng các giáo viên nấu hơn 5.000 suất ăn cho khu cách ly.
Trong hơn 1 tháng, cô Hải đã cùng các giáo viên nấu hơn 5.000 suất ăn cho khu cách ly.

Cô nuôi khu cách ly

Gần 5 giờ sáng, cô Nguyễn Thị Hải (thôn Vĩnh Xá, xã Lưu Vĩnh Sơn) – cô nuôi Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, lặng lẽ dắt xe máy ra khỏi nhà để tham gia chuẩn bị những bữa ăn cho người dân tại các khu cách ly.

Công việc mới này bắt đầu đã hơn 1 tháng qua, kể từ khi bếp ăn của nhà trường trở thành nơi nấu ăn cho các khu cách ly. Cũng từng ấy thời gian, cô Hải xung phong tình nguyện làm “bếp trưởng” tại đây.

Trong lúc mọi người còn chìm trong giấc ngủ, cô Hải bắt đầu đi chợ để chuẩn bị thực phẩm cho các bữa ăn trong ngày. Cô tỉ mỉ từ khâu chọn thực đơn rồi lặn lội chạy xe máy ra chợ trung tâm thay vì đi chợ “tạm” gần trường. Vì chợ xa, cô phải dậy từ 5 giờ sáng để mua được những thực phẩm tươi, sạch.

Cô Hải tâm sự: “Nhiều người đi cách ly có hoàn cảnh rất khó khăn, chúng tôi luôn cố gắng làm sao vừa mua thực phẩm tươi ngon, bảo đảm dinh dưỡng nhưng cũng cố gắng giảm chi phí thấp nhất”.

Ngoài cô Hải, nhiều giáo viên của các trường trên địa bàn xã cũng tham gia nấu ăn phục vụ khu cách ly. Trung bình mỗi ngày sẽ có từ 3 - 4 giáo viên chia nhóm tham gia hỗ trợ, nhưng bất kể mưa hay nắng vẫn không thể vắng bóng “bếp trưởng”.

Dưới cái nắng gần 40 độ C, vật lộn trong gian bếp nhỏ để chuẩn bị hàng trăm suất ăn nhưng ai cũng hào hứng. Chẳng ai bảo ai, thực phẩm vừa về đến bếp các cô đã bắt tay vào làm việc, người nhặt rau, rửa thịt, người tẩm ướp gia vị, người ghi chép thu chi…

Đưa tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên gò má sau nhiều giờ đứng bếp, cô Hải chia sẻ: “Chúng tôi cũng mong muốn góp một phần công sức, trách nhiệm của mình để chung tay chống dịch Covid-19. Việc nấu những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng sẽ giúp các F nâng cao sức khỏe, giảm đi nguy cơ bị bệnh. Tôi nghĩ như vậy cũng sẽ góp phần bớt đi các ca mắc Covid-19 mới trong các khu cách ly”.

Bình quân, cô Hải cùng các giáo viên phải chuẩn bị 3 bữa ăn, từ 120 - 180 suất cơm/ngày. Những suất ăn sau khi hoàn tất sẽ được đóng gói cẩn thận và được giáo viên đội nắng chở đến các khu cách ly. Đối với những cháu nhỏ, các cô giáo còn chuẩn bị thêm những khẩu phần ăn đặc biệt như cháo, sữa… Bên ngoài mỗi suất ăn luôn có dán thêm số điện thoại của “bếp trưởng” để nhận những phản hồi từ các F và phụ huynh.

Nhờ sự chăm chút trong mỗi bữa ăn nên hơn 1 tháng qua, điện thoại cô Hải vẫn chưa nhận một lời phàn nàn nào, thay vào đó là những tin nhắn cám ơn và lời khen “ngon hơn cơm nhà”.

Cô nuôi Nguyễn Thị Hải (Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, huyện Thạch Hà).
Cô nuôi Nguyễn Thị Hải (Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, huyện Thạch Hà). 

Gác lại việc nhà

Không chỉ đi chợ, nấu ăn, kiểm kê thu chi… cô Hải còn là người tiếp nhận những nhu yếu phẩm của các nhà hảo tâm gửi tới. “Hễ có một món quà dù là quả bí, mớ rau… chúng tôi đều rất mừng và trân quý. Những món quà này sẽ góp phần tăng thêm khẩu phần ăn và giảm chi phí cho người dân tại các khu cách ly”, cô Hải chia sẻ.

Hơn 30 ngày nhận nhiệm vụ làm “bếp trưởng” cho khu cách ly, công việc của cô Hải luôn bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 18 giờ chiều mỗi ngày. Để chuẩn bị cho công việc “không lương” này, cô Hải phải tạm gác mọi việc nhà để luôn có mặt tại bếp ăn của trường.

Cô Hải có 3 người con. Người con đầu đang công tác xa, cô con gái thứ 2 mới hoàn thành chương trình đại học và cô con gái út vừa bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi biết tin vợ xung phong làm cô nuôi cho khu cách ly, chồng cô Hải đã hưởng ứng và động viên cô tham gia.

Chồng làm xây dựng, thường xuyên vắng nhà nên mọi việc trong gia đình cô Hải là người quán xuyến. Sau mỗi giờ làm cô nuôi trên trường, cô Hải còn làm thêm nghề quạt bánh tráng và làm thêm 5 sào ruộng để kiếm thêm thu nhập.

Vào vụ mùa, có những hôm, cô Hải vừa đội đèn đi gặt đêm, sau đó lại quạt bánh tráng đến 12 giờ. Mỗi lần trước khi ngủ cô lại lên thực đơn cho mỗi bữa ăn, vừa thay đổi khẩu vị nhưng vẫn bảo đảm dinh dưỡng.

“Không chỉ riêng tôi, mà những giáo viên hỗ trợ ở đây đều gác công việc gia đình lại để cùng nhau góp sức để chống dịch. Trước dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trở lại, tôi có hứa với đứa thứ 2 sẽ đi nhận bằng đại học và đưa cháu út thi tốt nghiệp THPT nhưng đành thất hẹn. Các cháu cũng rất thấu hiểu, chia sẻ với mẹ điều này”, cô Hải tâm sự.

Qua 2 đợt cách ly, kể từ ngày 6/9 đến nay, cô Hải cùng các giáo viên đã tham gia nấu hơn 5.000 suất cơm cho người đang cách ly trong khu cách ly. Cứ hết cách ly 21 ngày lại tới lượt người khác. Lần cách ly đợt 1 có 60 người, còn đợt này giảm xuống còn 40 người.

Nói về những việc làm của cô Hải, ông Lê Văn Phương – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà chia sẻ: “Cô Hải là người làm việc hết sức có trách nhiệm, nhận được sự tin tưởng của chính quyền địa phương. Trong hơn 1 tháng qua, cô và các giáo viên đã nấu hàng nghìn suất ăn cho các khu cách ly, góp phần chung tay cùng cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ