Có nên xét nghiệm nhanh mẫu gộp Covid-19?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, nên thực hiện test nhanh Covid-19 mẫu đơn. Thực tế, việc test nhanh gộp có thể giảm độ nhạy của bộ xét nghiệm.

Độ nhạy của test nhanh phụ thuộc vào nồng độ virus, nhưng kém nhạy hơn PCR.
Độ nhạy của test nhanh phụ thuộc vào nồng độ virus, nhưng kém nhạy hơn PCR.

Không khuyến khích test nhanh gộp

TS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh Lâm sàng TPHCM - cho biết, trong trường hợp cho quá hai mẫu tăm bông quệt mũi hầu vào dung dịch thử test, dung dịch bị hút thấm vào tăm bông. Khi đó, còn rất ít dung dịch để nhỏ vào giếng thử.

“Đó là chưa kể mẫu gộp quệt mũi hầu sẽ rất nhầy nên que thử không hoạt động hiệu quả. Từ đó, khiến độ nhạy vốn không cao lại càng thấp hơn. Như vậy, test mẫu gộp sẽ rất vô ích”, chuyên gia giải thích.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho biết, không khuyến khích việc test nhanh mẫu gộp tại nhà.

“Lý do là vẫn cần thêm que lấy bệnh phẩm. Dung dịch đệm thường bị thiếu nếu test gộp. Ngoài ra, khi F0 nhiều như hiện nay, nếu test gộp dương lại tốn thêm 2 - 3 que test nữa, vừa mất công vừa tốn que test. Nên test nhanh mẫu đơn”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Trong khi đó, TS.BS Trần Nam Trung - chuyên gia dịch tễ tại Maryland (Mỹ) - chia sẻ, test nhanh không phải để làm gộp. “Làm vậy đi ngược với mục đích, thiết kế và giá thành rẻ của test nhanh.

Để tránh tình trạng test bừa bãi, tràn lan, dẫn tới lãng phí, khan hiếm, và tăng giá kít, Bộ Y tế nên đưa ra hướng dẫn cụ thể và rộng rãi về khi nào cần làm test nhanh và ý nghĩa của nó”, TS Trung nhận định.

Ông giải thích, test nhanh là tìm kháng nguyên virus (một loại protein của virus) (khác với PCR là tìm RNA của virus). Nồng độ virus càng cao, test nhanh càng dễ phát hiện nhiễm (dương tính), đặc biệt là khi có triệu chứng.

Nếu mới nhiễm Covid-19, thời gian chưa đủ để virus nhân lên đủ tới ngưỡng test phát hiện được. Khi đó, kết quả test nhanh vẫn âm tính. Do vậy, chuyên gia này nhấn mạnh, thời điểm test rất quan trọng.

“Độ nhạy của test nhanh phụ thuộc vào nồng độ virus như đã nói, nhưng kém nhạy hơn PCR, tức là có âm tính giả. Ước tính, khoảng 1/5 các test âm tính là âm tính giả (nhiễm nhưng test không phát hiện được). Test nhanh thường có độ đặc hiệu cao. Nói cách khác, nếu test nhanh dương tính thì nhiều khả năng đúng là đã nhiễm Covid. Nếu âm tính thì chưa chắc”, TS Trung cho biết.

Giảm mức độ âm tính giả

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, người dân có thể làm xét nghiệm nhanh Covid-19 mẫu gộp các thành viên trong gia đình, thay vì mỗi người dùng một bộ kit. Bộ Y tế cũng hướng dẫn xét nghiệm mẫu gộp. Trong một gia đình có thể dùng chung kit xét nghiệm nhanh, 2 - 3 người có thể chung một bộ (mua thêm que lấy mẫu), 2 - 3 ngày xét nghiệm một lần.

Chia sẻ về thời điểm nên làm test nhanh, TS Trần Nam Trung khuyến cáo, nếu có triệu chứng, cần thực hiện xét nghiệm nhanh (hoặc PCR). Dương tính dù là vạch mờ cũng chắc chắn là người đó đã nhiễm.

Khi đó, không cần làm PCR khẳng định, trừ khi cần chứng nhận F0. Nếu nghi ngờ, có thể đợi vài tiếng hoặc hôm sau làm lại một test nhanh khác. Hoặc, có thể làm PCR để khẳng định.

Trong trường hợp tiếp xúc F0 và không có triệu chứng, cần đợi đến ngày thứ 4 hoặc 6 sau tiếp xúc để test. Tuy nhiên, TS Trung khuyến cáo, không nên test hằng ngày ngay hôm mới tiếp xúc F0.

Nếu mọi người chuẩn bị tụ tập đông người, đi làm…, cần nhớ, kết quả test nhanh có thể thay đổi. Kết quả âm tính có giá trị trong 12 giờ. Do vậy, nếu test nhanh với mục đích này, nên thực hiện gần thời điểm tụ tập đông người.

Với người đã nhiễm bệnh muốn biết khi hết khả năng lây lan, chuyên gia khuyến cáo, không cần làm xét nghiệm PCR để khẳng định. Bởi, PCR rất nhạy và có thể phát hiện mảnh RNA của virus tới 3 tháng sau nhiễm. Trong khi đó, test nhanh có âm tính giả. Do vậy, nếu dùng test nhanh, có thể thực hiện 2 lần liên tiếp.

Phương pháp này sẽ giảm mức độ âm tính giả. Ngoài ra, có thể quyết định tái hòa nhập dựa vào triệu chứng, thời gian từ lúc dương tính/triệu chứng, cũng như mức độ bệnh nhẹ, vừa, hay nặng.

“Không phải ai cũng cần làm test nhanh. Nếu cần thì cũng không nên làm hằng ngày khi chưa có triệu chứng vì nó ít giá trị”, TS Trần Nam Trung khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.