Có nên nghe 1.000 cuộc gọi?

GD&TĐ - Trên cổng thông tin điện tử của nhiều tỉnh, thành phố, phần lớn đều có ghi số điện thoại của người đứng đầu tỉnh để công dân 'tiện liên lạc'.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cách đây khoảng chục năm, trên cổng thông tin điện tử của nhiều tỉnh, thành phố, phần lớn đều có ghi số điện thoại của người đứng đầu tỉnh để công dân “tiện liên lạc”. Các tỉnh gọi đó là “đường dây nóng”.

Được một thời gian ngắn thì các loại đường dây nóng ấy đã… tự nguội vì, hoặc là lãnh đạo không nghe máy nếu thấy “số lạ”, hoặc là nếu có gọi đến cũng không giải quyết được những gì mà người gọi đang cần.

Cũng dễ hiểu thôi vì không một vị lãnh đạo nào có thể nghe và giải quyết được tất cả các cuộc gọi, trong đó có nhiều cuộc vô thưởng vô phạt.

Thế rồi mới đây, tỉnh Hà Tĩnh lại tái lập chuyện công bố đường dây nóng của ông chủ tịch và các phó chủ tịch tỉnh này. Trả lời báo chí, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói rằng chỉ trong một ngày mà cả hai số máy của ông, người dân đã điện thoại, nhắn tin tổng cộng… trên một nghìn cuộc!

Như vậy, cứ khoảng hơn một phút là có một cuộc gọi hoặc nhắn tin mà người đứng đầu tỉnh này sẽ phải “trả lời cho dân”! Nếu đúng như vậy thì ông chủ tịch tỉnh này không có thời gian để ăn và nghỉ ngơi trước các cuộc gọi dày đặc ấy chứ đừng nói đến những chuyện lớn lao hơn.

Điều đáng ngạc nhiên là, ông Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận rằng kể từ khi công bố số máy điện thoại của ông, rồi người dân gọi đến thì mọi việc đều được giải quyết một cách trôi chảy! “Cán bộ, công chức viên chức, địa chính, tư pháp, văn phòng quản lý đất đai… tất cả đều làm thủ tục cho người dân rất nhanh” - ông Võ Trọng Hải hồ hởi “khoe” với báo chí.

Nói như vậy có thể hiểu rằng việc giải quyết những vấn đề sát sườn của dân lâu nay ở địa phương này trì trệ, chỉ đến khi công bố số điện thoại đường dây nóng thì mọi việc mới “trôi chảy”! Thế mới biết, các thủ tục “hành dân” đã tồn tại như một lẽ đương nhiên trong bộ máy công quyền lâu nay.

Giải quyết những vấn đề mà người dân yêu cầu chính đáng là việc phải làm của các cơ quan công quyền nhưng không ít nơi thích thì xử lý nhanh, không thích thì kiếm lý do để thoái thác. Không loại trừ chuyện nếu có “bôi trơn” thì việc mới “chạy”, còn không thì vẫn cứ ngâm hết ngày này sang tháng khác.

Công bố số điện thoại của chủ tịch tỉnh để giải quyết công việc cho công dân được trôi chảy hơn cũng tốt thôi. Tuy nhiên, việc của người đứng đầu một tỉnh là nghĩ ra những kế sách có tính lâu dài, tìm các giải pháp căn cơ để tháo gỡ các điểm nghẽn về kinh tế - xã hội nhằm giúp cho địa phương phát triển một cách bền vững chứ không phải là giải quyết các sự vụ lặt vặt, càng không phải là để nghe cả nghìn cuộc gọi mỗi ngày như thế!

Công bố số điện thoại của lãnh đạo tỉnh trên đường dây nóng ở Hà Tĩnh, bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt - như lời ông chủ tịch tỉnh này thừa nhận. Tuy nhiên, liệu có thể duy trì mãi hình thức mỗi ngày phải nghe và giải quyết cho cả nghìn cuộc gọi ấy không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.