Nghỉ Tết Nguyên đán là hợp lý!
Việc tính âm lịch rất khoa học. Nếu dương lịch của phương Tây tính theo chu kỳ của Mặt trời, thì âm lịch của phương Đông lại tính theo chu kỳ của Mặt trăng.
Trong dương lịch, ngày 1/1, Ngày Năm mới (New Year"s Day) ở phương Tây chỉ đơn giản là ngày đầu tiên của tháng tháng Một (January). Đó là vị thần Janus, người được phác họa có hai đầu, một trông về phía trước, một trông về phía sau, biểu tượng cho sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới.
Còn âm lịch chính là nông lịch. Để phục vụ canh tác nông nghiệp, thời gian trong một năm ở phương Đông được chia thành 24 tiết khác nhau. Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán sau này được biết đến là Tết Nguyên đán.
Do đó, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian người nông dân được nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một chu kỳ canh tác, gieo trồng mới. Cho nên mới có câu: “Ba ngày Tết”, kéo dài nữa là “bảy ngày xuân”. Đó thực chất chỉ là sinh hoạt bình thường của người nông dân từ ngàn xưa: Làm xong mùa vụ thì phải nghỉ ngơi chờ mùa vụ mới. Trong khoảng thời gian đó, người nông dân sẽ hưởng thụ thành quả lao động của mình, để lấy sức cho một mùa vụ mới.
Bữa cơm ngày thường của người nông dân luôn thiếu thốn. Cho nên, ăn Tết của người nông dân với đầy đủ vật chất (nhà cửa được quét vôi mới, bàn thờ được lau dọn sạch sẽ, trang trí thêm cành đào, cành mai, nụ tầm xuân, câu đối…), nhiều món ngon vật lạ (bánh chưng, bánh giày, dưa món, mứt, thịt heo…) là ước mơ về sự đủ đầy trong cả năm.
Chúng ta đừng nên coi Tết Nguyên đán là một cái gì to tát lắm mà hãy coi đó là những ngày “nông nhàn” của người nông dân thì sẽ dễ đồng cảm. Vì “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè…” chỉ là thiểu số còn đa số nông dân luôn “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trong đêm” để tiếp tục mùa vụ mới.
Thậm chí, trong các ngày “nông nhàn” là Tết Nguyên đán, một bộ phận nông dân còn biến mình thành người buôn bán ở chợ hoặc trở thành người thợ thủ công để kiếm thêm thu nhập. Đó chính là nguồn gốc của các khu chợ chỉ họp vào ngày Tết Âm lịch như Phiên chợ Thiều (Thanh Hóa), Chợ đình Bích La (Quảng Trị), Chợ Gia Lạc (Huế), Chợ Gò (Bình Định)...
Cũng phải thừa nhận, với sự phát triển kinh tế thị trường đã xuất hiện một bộ phận giàu có trong xã hội. Với họ, ngày nào cũng có thể là Tết vì họ thụ hưởng thường xuyên và quá đầy đủ nền văn hóa vật chất lẫn tinh thần. Nên Tết đến xuân về, họ mất đi cảm giác mong mỏi một cái Tết sung túc của người nông dân. Tuy nhiên, đại đa số người dân Việt Nam với thu nhập còn khó khăn luôn mong có một khoảng thời gian đủ đầy cả vật chất lẫn tinh thần. Đó chính là Tết Nguyên đán. Bởi vậy, việc đòi xóa, gộp Tết có thể coi là ý kiến của một bộ phận nhỏ của xã hội Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người nông thôn đã lên thành thị làm việc để kiếm kế sinh nhai nhưng họ vẫn muốn về nhà đoàn tụ gia đình. Trong đó có cả những trường hợp “tha phương cầu thực”, bỏ quê hương, bản quán đến với phương trời xa lạ để kiếm ăn.
Trong những cái khổ của con người, như Phật giáo đã chỉ ra là do “ái biệt ly khổ”. Nghĩa là thương nhớ, muốn gặp mặt, muốn đoàn tụ mà phải xa nhau nên khổ. Thử hỏi ai làm việc cực nhọc quanh năm suốt tháng, xa quê, xa gia đình, xa bạn bè, xa người yêu... lại không có tâm lý thích được có một khoảng thời gian đủ dài để gặp lại người thân, để giải tỏa những tâm tư tình cảm?
Vậy khoản thời gian phù hợp nhất là khi nào? Đó chính là Tết Nguyên đán. Lúc đó, người ở quê cũng đang nghỉ ngơi sau vụ mùa nên người xa quê về cũng có thể chung vui được. Giả sử nếu bỏ Tết Nguyên đán và chỉ nghỉ Tết Tây với thời gian một ngày thì người làm ăn xa quê làm sao có thể về kịp? Làm sao họ có thể duy trì truyền thống tốt đẹp “Mồng Một Tết Cha, Mồng Hai Tết Mẹ, Mồng Ba Tết Thầy”? Do đó, Tết Nguyên đán cũng là Tết của sự đoàn viên.
Tết vào dịp giỗ tổ Hùng Vương?
Vừa qua, trên một số báo có đặt vấn đề gộp Tết ta với giỗ tổ Hùng Vương. Theo đó, có tác giả lý giải: “Xem xét mọi mặt, về tính dân tộc, về văn hóa, về thời tiết, về thời điểm... thì tất cả đều hội tụ đủ các yếu tố để ngày giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày Tết đúng nghĩa cổ truyền của dân tộc ta, lại khắc phục được những nhược điểm của Tết âm lịch hiện nay”.
Theo quan điểm của người viết, trước đây nhà nhà đốt pháo ngày Tết, đó là một nét “lai căng” văn hóa Trung Quốc. Bởi thế chúng ta bỏ, thậm chí ra hẳn điều luật để cấm người dân đốt pháo. Như vậy, Tết Nguyên đán nước ta hiện nay không phải là Tết Trung Quốc được du nhập qua “con đường đô hộ” như một số ý kiến.
Bởi việc nhà nhà đốt pháo để xua con Niên thú không phù hợp với Việt Nam vì nước ta không hiện tồn một truyền thuyết nào về con Niên thú này. Chúng ta bỏ việc nhà nhà đốt pháo ngày Tết chứng tỏ được bản lĩnh văn hóa của Việt Nam khi ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ăn trầu cau, nấu bánh chưng bánh giày là ba nét đẹp văn hóa thời Hùng Vương hiện nay vẫn còn trong ngày Tết Âm lịch nước ta, không trộn lẫn vào bất cứ nền văn hóa nào.
Giỗ Tổ Hùng Vương chính là đỉnh cao tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt nên chúng ta cần giữ gìn. Tuy nhiên, sau nghỉ Tết Âm lịch thì người nông dân Việt Nam lại bắt đầu vào vụ mùa mới. Không thể đang làm việc cật lực mà bắt người nông dân Việt Nam phải nghỉ và ăn “Tết Hùng Vương” như một số ý kiến đưa ra được. Vì Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong “thời tiết thanh minh nắng ấm, là thời điểm thay đổi thời tiết tích cực nhất trong năm” cũng là thời điểm mùa vụ, tốt cho việc sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Và người nông dân Việt Nam có đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, khi chơi ra chơi, khi làm ra làm quyết không bao giờ rời cuốc cày để tham gia Lễ Tết trong thời gian này.