Có nên bán vé vào phố cổ?

GD&TĐ - Níu chân du khách để thu tiền từ các dịch vụ, các loại hình du lịch phong phú thì mới là điều cần làm. Đừng vì một chiếc vé mà làm hỏng việc lớn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những ngày qua, cộng đồng mạng và một số tờ báo như sôi lên trước quyết định của UBND thành phố Hội An sẽ bán vé cho khách tham quan phố cổ với giá 80.000 đồng/người/lượt (khách nội địa) và 120.000 đồng/người/lượt (khách nước ngoài) từ 15/5 tới.

Có lẽ chưa có một thành phố nào ở Việt Nam lại thu hút sự quan tâm của người dân đông đảo đến vậy chỉ vì một chiếc vé tham quan với mệnh giá bằng hai tô phở bình dân. Người ta quan tâm không hẳn là chuyện đắt hay rẻ với một tấm vé vào phố cổ mà hơn thế, đó là sự bất hợp lý của quyết định này.

Thứ nhất là, việc bán vé có thể thu về khoản tiền kha khá cho ngân sách và chính quyền sẽ dùng số tiền đó tu bổ lại những hao khuyết cho những công trình bị xuống cấp trong phố cổ.

Song điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy “lợi bất cập hại” mà người ra quyết định ấy không lường hết. Nhiều ý kiến cho rằng, giả dụ như có du khách muốn vào phố cổ chỉ để ăn một tô cao lầu - đặc sản ẩm thực ở Hội An, thay vì chỉ trả 40.000 đồng, khách nay phải “cõng” thêm 80.000 đồng tiền vé nữa.

Có thèm cao lầu đến mấy đi nữa thì vị thực khách nọ cũng phải cân nhắc trước khi mua vé. Nếu khách không ăn cao lầu, cả người bán quán lẫn Nhà nước đều thất thu!

Thứ hai, du khách chọn phố cổ để lưu trú thì hàng ngày họ phải trả thêm tiền vé rất nhiều lần nếu khách đó ra khỏi phố cổ để đi tắm biển hoặc đi tham quan ở một điểm nào đó ngoài phố cổ. Nghĩ đến việc phải nhiều lần mua vé ra vào phố cổ, khách sẽ không chọn chỗ lưu trú ở phố cổ nữa. Thiệt hại lúc này thuộc về chủ các khách sạn trong phố cổ.

Nêu ra một vài dẫn chứng trên đây để thấy rằng những thiệt hại nếu bán vé vào phố cổ thì sẽ không đong đếm hết. Đó là chưa kể, du khách sẽ mất cảm tình với Hội An vì nghĩ “hở chút là thu tiền!”. Mà đã mất cảm tình rồi thì một đi không trở lại! Thiệt hại đó sẽ lớn hơn rất nhiều lần nếu thành phố không bán vé cho du khách thăm phố cổ như lâu nay.

Cũng cần nói rõ là, trong phố cổ ấy cũng có nhiều địa chỉ mà khách muốn vào, ắt sẽ phải mua vé. Đó là những di tích, những công trình kiến trúc cụ thể. Ai muốn xem cho biết thì mua vé vậy. Còn đã nói phố cổ là bao gồm cả đường phố, các cửa hàng mua sắm cùng nhiều thứ khác nữa mà chẳng liên quan gì đến “cổ” cả.

Người dân sinh hoạt trong khu phố cổ họ cũng có những nhu cầu giao lưu, quan hệ như những nơi khác. Vậy thì không có lý do gì, một vị khách nào đó muốn đến thăm người thân trong phố cổ cũng phải mua vé cả.

UBND thành phố Hội An cho rằng sẽ đưa ra nhiều giải pháp để sàng lọc những trường hợp như thế là… miễn mua vé. Lý thuyết là vậy, còn thực thế có muôn hình vạn trạng liên quan đến chiếc vé vào cổng mà mỗi tình huống là thêm một phiền phức cho khách muốn vào khu vực phố cổ.

Có lẽ chính quyền ở Hội An nên tính toán lại trước khi áp dụng quyết định đã ban hành. Níu chân du khách để thu tiền từ các dịch vụ, các loại hình du lịch phong phú thì mới là điều cần làm. Đừng vì một chiếc vé mà làm hỏng việc lớn.

Chỉ có thể nói, yêu Hội An đến như thế nào thì mới “rồ” lên như vậy trong những ngày qua. Chính quyền thành phố Hội An nên vui với điều đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.