Có một sự thật khác trong vụ đánh bom khiến hơn 180 người thiệt mạng?

GD&TĐ - Cuộc điều tra của CNN công bố ngày 8/2 cho thấy một sự thật khác liên quan đến vụ nổ kinh hoàng ở sân bay Kabul (Afghanistan) gần nửa năm trước, vào những ngày lính Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lầu Năm Góc nói rằng, đó là vụ đánh bom của ISIS, nhưng CNN cho biết chính lính Mỹ và Anh cũng đã bắn chết dân thường.

Taliban chiếm Kabul từ ngày 15/8/2021, khiến đất nước Afghanistan rơi vào tình trạng vô vọng, khó vãn hồi an ninh nếu Mỹ rút quân. Chỉ còn 5 ngày nữa là đến thời hạn cuối lính Mỹ rời khỏi Afghanistan và nguy cơ ISIS tấn công gia tăng. Đại sứ quán Mỹ tại Kabul cảnh báo mọi người tránh xa sân bay trừ khi được đại diện Mỹ mời tới đây.

Tuy nhiên, đám đông dân chúng vẫn kéo đến sân bay Kabul. Có những người có visa và hộ chiếu với hy vọng chạy sang các nước khác, song cũng nhiều người đến chỉ với hy vọng bằng cách nào đó họ sẽ lọt qua cửa sân bay.

Rồi vụ đánh bom đẫm máu xảy ra ngày 26/8/2021. Lầu Năm Góc sau đó cho biết, 170 người Afghanistan và 13 lính Mỹ chết hôm đó đều là do vụ nổ. Binh lính nước ngoài có mặt rất đông tại sân bay khi đó.

Nhưng cuộc điều tra của quân đội Mỹ kéo dài 3 tháng rưỡi, phỏng vấn 139 người, nói rằng lính thủy đánh bộ Mỹ đã 2 lần nổ súng sau vụ nổ, nhưng không có viên đạn nào gây sát thương.

Còn quân đội Anh nói binh lính Anh đã bắn lên trời để dẹp đám đông và cũng không giết ai. Nhóm ISIS-K nhận trách nhiệm về vụ đánh bom gây thương vong nhiều nhất cho Mỹ trong hơn một thập kỷ qua.

Ngược lại, cuộc điều tra kéo dài 4 tháng của CNN lại đưa ra những câu hỏi khó về những gì thật sự đã xảy ra ngày hôm đó. Phóng viên CNN phỏng vấn hơn 70 nhân chứng và gia đình những người bị giết, xem xét các hồ sơ y tế, phân tích video, ảnh, băng ghi âm hiện trường.

Nhân viên y tế tại 5 bệnh viện từng nhận nạn nhân vụ tấn công ghi nhận có các vết thương do đạn bắn, và một bác sĩ kể lại rằng chính ông đã mổ lấy đạn.

Báo cáo của các bệnh viện và hồ sơ bệnh nhân đều nói đến các vết thương do đạn bắn. Người sống sót và gia đình một số nạn nhân khẳng định, một số người tử vong và bị thương là do bị bắn.

19 nhân chứng nói rằng chính họ bị trúng đạn hoặc đã thấy những người bị trúng đạn.

2 chuyên gia phân tích pháp y từ các vụ nổ cho biết, không thể có nhiều người như vậy chết trong một vụ đánh bom chỉ do 1 người tấn công, song những chuyên gia khác vẫn nói rằng điều đó là có thể.

Ngoài ra, có những khoảng trống như khám nghiệm tử thi không phổ biến ở Afghanistan khiến các báo cáo y tế không đầy đủ. Cuộc điều tra của quân đội Mỹ cũng không phỏng vấn các bệnh viện Afghanistan hoặc các nhân viên y tế ngoài quân đội Mỹ, cũng không phỏng vấn dân thường Afghanistan.

Như vậy, cho dù thông tin chính thức của quân đội Mỹ và Anh khẳng định không có viên đạn nào từ lính Mỹ và Anh trúng dân thường, và cho rằng lời của các nhân chứng là không chính xác, không nhất quán, song dường như vẫn còn một sự thật khác về vụ việc qua điều tra của chính hãng truyền hình Mỹ. Ít nhất, phóng sự của CNN đặt câu hỏi liệu những hành xử của quân đội sau vụ nổ đã được báo cáo đầy đủ hay chưa.

CNN nói rằng, họ không thể xác nhận lời khai của các nhân chứng, nhưng lời khai này bổ sung thêm nhiều câu hỏi mà quân đội Mỹ phải trả lời về sự việc. Có một câu nói nổi tiếng: “Trong chiến tranh, thương vong đầu tiên chính là sự thật”, thì vụ đánh bom trong những ngày cuối Mỹ có mặt trong cuộc chiến dài nhất của họ ở nước ngoài là ví dụ cho điều đó.

Những gì chính xác nhất khó mà được làm sáng tỏ, song điều rõ ràng nhất là ngoài những người thương vong lúc đó, còn rất nhiều người khác sống sót nhưng đã mất đi tương lai của họ, của con cái và gia đình họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ