(GD&TĐ) - Vào những năm cuối thập kỷ 70, đầu 80 của thế kỷ trước, chúng tôi những sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh được học với những thầy cô giáo thật tuyệt vời. Họ trong sáng, vô tư vượt qua những khốn khó của cuộc đời, say mê chuyên môn quên cả đói khổ, túng thiếu để trút tâm lực cho học trò. Trong số nhiều thầy cô đáng kính đó, có cô Đỗ Thị Kim Liên, cán bộ giảng dạy khoa Văn. Lúc bấy giờ, cô tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, về giảng dạy ở khoa Văn trường Vinh được độ 5 đến 6 năm và cũng vừa mới xây dựng gia đình. Chồng cô cũng là cán bộ giảng dạy của trường. Cô có vóc người tầm thước, da trắng với chất giọng Quảng Bình mộc mạc, ấm áp. Đặc biệt, đôi mắt cô trong sáng hiền từ, miệng luôn nở nụ cười hồn hậu.
Ảnh minh họa/internet |
Vào năm học thứ 3, cô dạy chúng tôi ngữ pháp tiếng Việt, phần phân tích câu. Lúc bấy giờ, con cô còn nhỏ, thầy lại đang đi tu nghiệp ở nước ngoài nên cuộc sống chật vật lắm. Có hôm, xuống phòng cô ở để hỏi bài, tôi thấy cô đang vừa nấu ăn vừa đọc sách lại vừa trông con, bắt gặp cảnh dở khóc, dở cười: Cô mải xem sách (hình như lúc bấy giờ cô đang ôn thi nghiên cứu sinh) đến nỗi nồi cơm bé tý tẹo cháy khê nặc. Thằng bé con cô mới biết bò, loay hoay trong cái cũi tre, bĩnh ra lúc nào không biết, đang cho cả những cọng chiếu rách và chất thải vào mồm. Hai mươi năm sau gặp lại, tôi nhắc những kỷ niệm ấy, cô cười ra nước mắt.
Có thể nói, cho đến nay, cô là người phụ nữ thành đạt nhất về khoa học của Trường Vinh. Sinh ra trong một gia đình gia giáo ở đất Quảng Bình, mấy chị em cô đều học hành đến nơi đến chốn và trưởng thành trong công tác. Bản thân cô đã vượt qua rất nhiều thử thách của một thời cực kỳ khó khăn gian khổ về cuộc sống, lại ở một ngôi trường như Trường Vinh, đóng trên một vùng đất vào loại nghèo khó nhất nước. Để có được những đóng góp lớn cho khoa học và giáo dục, vợ chồng cô đã phải hy sinh rất nhiều về hạnh phúc riêng tư. Vào thời ấy, dẫu khổ, nhưng phần lớn các gia đình cán bộ, giảng viên đều có 2, 3 đứa con trở lên. Riêng thầy cô chỉ sinh có một. Trong một lần nói chuyện về cô, thầy đã rưng rưng tâm sự với tôi: Không ít lần đứng trước bàn thờ gia tiên, mình đã thắp hương khấn xin lỗi vong linh những đứa con chưa kịp chào đời. Nếu không “kế hoạch” như thế thì cô Liên nhà mình làm sao có thể có những thành tựu về giảng dạy và nghiên cứu khoa học như bây giờ được?
Quả vậy, trong gần 40 năm cầm phấn, cô đã góp phần đào tạo hàng ngàn sinh viên, hàng trăm thạc sỹ, hàng chục tiến sỹ và biên soạn nhiều giáo trình, chuyên khảo, tiểu luận có giá trị khoa học cao. Năm 2007, cô được phong học hàm Giáo sư ngành Ngôn ngữ học. GS.TS Đỗ Thị Kim Liên là một trong rất ít nữ giáo sư của ngành Ngôn ngữ học và là nữ giáo sư duy nhất của Trường Đại học Vinh. Các chuyên khảo, giáo trình, bài báo của cô luôn được đồng nghiệp, học trò và những người quan tâm đến lĩnh vực ngôn ngữ học háo hức đón nhận.
Bấy nhiêu năm công tác ở trường Vinh, cô đã và đang gieo vào lớp lớp sinh viên Ngữ văn không chỉ kiến thức, phương pháp mà quan trọng hơn là tình thương, đạo lý làm người. Có không ít học viên cao học, nghiên cứu sinh đã “u minh” giữa mớ bòng bong tư liệu, vấn đề, luận điểm, luận cứ của luận án, được cô tận tình, vô tư giúp đỡ từ khâu “dàn dựng” đến việc chữa lỗi diễn đạt, chính tả. Tính cô xưa nay vẫn vậy, luôn nhường nhịn và tận tâm với mọi người.
Trên mọi nẻo đường đất nước, mỗi khi có dịp gặp nhau, lứa sinh viên chúng tôi hồi ấy, không ai là không nhớ đến cô, không có những kỷ niệm sâu sắc, cảm động về cô.
GS.TS, NGƯT Đỗ Thị Kim Liên trưởng thành trong không khí của một thời cả nước “sống, học tập và chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thi đua làm nghìn việc tốt, tất cả cho thống nhất, độc lập và hoà bình, ấm no của dân tộc. Cô đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, vươn lên hy sinh, phấn đấu cho cộng đồng, đất nước để các thế hệ học trò chúng tôi noi theo.
Đến lượt chúng tôi, trước những thách thức mới của thời đại, có nêu gương được cho thế hệ sau hay không, hãy còn là một câu hỏi nhức nhối trong cõi lòng mỗi người hàng ngày, hàng giờ, hàng phút.
Mã số: 1067