Trước sức nóng của các cuộc đàm phán Brexit vào năm 2018, một quan chức Anh đã hỏi nhóm của Giám đốc đàm phán châu Âu cho Anh ra khỏi EU - Michel Barnier: “Hãy tưởng tượng đất nước của chúng tôi không có ở đó, đột nhiên nổi lên từ đáy biển và tự đặt mình vào bờ biển của các bạn. Mối quan hệ lý tưởng mà bạn muốn với chúng tôi là gì?”.
Câu hỏi này một lần nữa tiếp tục được đưa ra, khi Quốc kỳ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland - Union Jack bị hạ xuống ở Brussels (Bỉ). Song, không ít người đã tự hỏi, liệu một ngày nào đó, Vương quốc Anh có thể trở lại EU hay không.
Các chuyên gia nhận định, EU đã thay đổi kể từ Brexit. Trong khi đó, sự ra đi của Anh gây tổn thất cho cả hai bên. Quốc gia này đã mang theo một phần sức mạnh kinh tế và quân sự của châu Âu, nhưng mất quyền tiếp cận đặc quyền với người lao động, thị trường và thương mại.
Những khoảng trống mà Anh để lại trong nghị viện, ủy ban và hội đồng của châu Âu đã được lấp đầy. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu ngày càng hội nhập và hợp tác an ninh nhiều hơn, các nhà ngoại giao dường như có rất ít mong muốn Anh tái gia nhập.
Trong khi đó, cuộc tranh luận ở Vương quốc Anh về Brexit đã trở nên ngày một căng thẳng. Dư luận đang quay lưng lại với hiệu quả kinh tế của Brexit. Năm 2018, cựu Thủ tướng Boris Johnson cho rằng, việc thoát khỏi “sự ràng buộc” từ quy định của EU sẽ giải phóng ít nhất 4% tổng sản phẩm quốc nội.
5 năm sau, John Springford của Trung tâm Cải cách châu Âu ước tính, nền kinh tế Vương quốc Anh sẽ nhỏ hơn 5,5% so với khi không có Brexit. Quốc gia này cũng thu được ít hơn 40 tỷ bảng Anh (48 tỷ USD) tiền thuế hằng năm.
Vừa qua, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế đã đưa ra nhận định trong bài viết “Quan hệ Anh - châu Âu cuối cùng cũng đi đúng hướng”.
Năm 2022, phương châm Anh “rời EU, chứ không phải châu Âu” đã được London thể hiện rõ, nhất là kể từ khi bùng phát xung đột giữa Nga và Ukraine. Thông qua hợp tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Anh và các đồng minh châu Âu đã xích lại gần nhau.
Trong năm qua, Anh giữ vai trò lãnh đạo Lực lượng viễn chinh chung (JEF) ở khu vực Bắc Âu - Baltic, củng cố các thỏa thuận song phương và những bảo đảm về an ninh với các nước như Estonia, Thụy Điển, Phần Lan.
Bên cạnh đó, sự tham gia của Anh vào một số sáng kiến ít ảnh hưởng hơn liên quan đến EU đã đạt được tiến triển, chẳng hạn như quyết định tham gia Dự án PESCO về cơ động quân sự.
Hơn nữa, việc Anh tham gia vào Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) mới thành lập năm 2022 đã gửi tín hiệu tích cực về sự cởi mở của Anh trong việc tái cam kết với lục địa này.
Jonathan Faull - cựu quan chức hàng đầu của Vương quốc Anh, người đã có 38 năm làm việc trong Ủy ban châu Âu, bày tỏ quan điểm vẫn nhìn thấy cơ sở để nối lại quan hệ. “Rủi ro mà người châu Âu vẫn thấy là chính trị trong nước của Vương quốc Anh”, ông nhận định.
Thay vào đó, Anh cần cẩn trọng một quá trình gồm nhiều bước. Trong đó, việc hợp tác giữa Anh và EU trong các lĩnh vực cùng có lợi được coi là một cách làm hiệu quả. Điều đó có thể tạo ra một mối quan hệ tốt hơn, nơi Vương quốc Anh đảm bảo “các lợi ích của Brexit” không phải chống lại EU.
Đây là một chặng đường dài nếu Anh muốn trở lại EU. Đó đồng thời cũng là một chặng đường dài so với tình hình kém lý tưởng hiện tại. Theo các chuyên gia, đã đến lúc nên để EU và Vương quốc Anh thoát khỏi những tầm nhìn cực đoan về tương lai. Thay vào đó, hãy tập trung vào những việc cần thiết để cải thiện quan hệ.