Đây là tín hiệu vui cho truyện tranh “made in Việt Nam” tìm được cơ hội để thử sức với thị trường, thúc đẩy những cây bút trẻ tâm huyết và đam mê với truyện tranh.
Tín hiệu khởi sắc
Những năm gần đây, truyện tranh Việt không bị bó hẹp trong đề tài những câu chuyện cổ tích hay lịch sử và phải mang trên vai trọng trách giáo dục hay về triết lý mà truyện đã kết hợp đan xen giữa tranh và hình, gồm nhiều tập, có nhiều yếu tố hài hước, gây cười, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những yếu tố nhân văn. Những cây viết trẻ đã tạo ra một bước tiến mới trong làng truyện tranh Việt và đạt được những thành công nhất định.
Địa Ngục Môn là câu chuyện kể về một cô gái bất ngờ gặp phải tai nạn và phải xuống địa ngục. Từ đây, cô bắt đầu bước vào cuộc hành trình đầy gian nan để tìm kiếm lại sinh lộ cho bản thân.
Với cốt truyện ly kỳ và hấp dẫn Địa Ngục Môn đã để lại ấn tượng mạnh đối với bạn đọc và được Ban giám khảo Cuộc thi Truyện tranh quốc tế Nhật Bản đánh giá cao.
Giải thưởng Truyện tranh quốc tế Nhật Bản là giải thưởng do Bộ Ngoại giao Nhật Bản thành lập vào năm 2007, nhằm vinh danh các tác giả có những đóng góp nổi bật trong việc phát triển truyện tranh trên toàn thế giới.
Việc được vinh danh tại giải thưởng này không chỉ là vinh dự đối với cá nhân tác giả Can Tiểu Hy mà còn là nguồn động lực giúp các tác giả Việt Nam tiếp tục nỗ lực và cố gắng trong việc khẳng định tên tuổi trên trường quốc tế.
Trước đó, bộ truyện Long Thần Tướng của tác giả Thành Phong - Khánh Dương cũng nhận được giải Bạc của cuộc thi. Kết quả này đã mang thêm tự tin cho những người yêu mến và theo đuổi công việc sáng tác truyện tranh tại Việt Nam, tạo niềm tin để độc giả trong nước ủng hộ các tác phẩm nội địa.
Khẳng định thương hiệu
Có thể nói rằng, truyện tranh Việt có sự khởi sắc rõ nét trong khoảng thời gian một vài năm trở lại đây. Sự “vào cuộc” của những tác giả trẻ - những người đam mê, nhiệt huyết với mong muốn xây dựng, phát triển truyện tranh Việt đã mang đến một làn gió mới.
Những đơn vị xuất bản lớn như NXB Trẻ cũng đã nhìn thấy tiềm năng trong tương lai gần của các họa sĩ vẽ truyện tranh Việt Nam. Chính vì vậy, đơn vị này cũng có nhiều động thái hỗ trợ và ủng hộ cho phong trào truyện tranh còn non trẻ trong nước. Bộ truyện Học viện bóng đá của các tác giả Bách Lê, Bá Diệp được ra mắt trong thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình cho điều đó.
Trong vòng hai năm (2015 - 2016) đã xuất hiện khoảng 20 bộ truyện tranh mới “made in Vietnam”, một con số khiêm tốn so với các quốc gia có nền công nghiệp truyện tranh phát triển, nhưng là bước tiến bộ vượt bậc nếu so với khoảng thời gian 10 năm trước đó tại Việt Nam.
Thiết nghĩ, thị trường truyện tranh Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng, và nhu cầu đọc của độc giả là rất lớn. Truyện tranh Việt không thua kém các nước trong khu vực về hình ảnh, nội dung.
Chính vì vậy cần có sự nỗ lực từ nhiều phía để truyện tranh thực sự là những sản phẩm văn hóa xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đọc, đem lại nhiều lợi ích cho toàn thể cộng đồng, làm cầu nối đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, truyện tranh Việt sẽ có những bước tiến vững chắc trên con đường chuyên nghiệp hóa.