Với cô, thơ không chỉ giúp vượt qua nghịch cảnh bệnh tật của bản thân mà còn là sự sẻ chia niềm đồng cảm với cuộc đời…
Nghị lực phi thường của cô giáo dạy toán yêu thơ
Có thể hồn thơ ẩn tàng trong cô Nhiệm (cựu giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng - Huế) tự lâu rồi, từ khi còn học phổ thông ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), hay từ khi gặp người bạn đời Lê Dư Ba (quê Quảng Trị).
Cũng có thể do chăm dạy Toán - môn học tư duy logic, cần được xem trọng... nên cô tự coi mình bông đùa, xuất khẩu thành thơ cho vui cuộc đời?
Có lẽ do bén duyên với nhiều vùng đất, nên lúc cô và ông xã - cả hai giáo viên dạy cùng môn Toán - cùng chung nhà, cùng về công tác tại Cố đô Huế, nhất là khi cô đến dạy ở ngôi trường Đồng Khánh xưa - Hai Bà Trưng nay, hồn thơ ấy mới trổ bông: “Phương ơi, tập tễnh tớ làm thơ/Chuyện lạ lắm sao, phải không nờ?/Cô bạn ngày xưa khô như củi/Cũng thương, cũng giận, cũng ngẩn ngơ!” (“Diễm Phương” - tên bài thơ cũng là tên người bạn cô tình cờ tìm gặp được sau 1/4 thế kỷ).
Thơ có sức lôi cuốn mạnh mẽ khiến cô Nhiệm ngay cả làm đơn xin nghỉ phép cũng viết bằng thơ. Nhiều đồng nghiệp vẫn còn nhớ cô có đơn xin nghỉ Tết gửi Ban giám hiệu bằng thơ lục bát: “Xuân này “cất cánh” bay xa/Xin Ban Giám hiệu về nhà viếng thăm/Đất nghèo bão lụt quanh năm/Khó khăn nên đã mấy Xuân chưa về... (Xuân 1983). Không phải một lần mà nhiều lần cô viết đơn xin phép bằng thơ: Đơn xin phép 1(27/10/1994), đơn xin phép 2 (25/12/1996), đơn xin phép 3 (27/4/1997).
Cô Nhiệm yêu thơ và cùng thơ vượt qua nghịch cảnh. Mắc bệnh hiểm cô lấy niềm yêu thơ mà lạc quan, yêu đời. Bài thơ “Song án” được mở đầu: “Lơ lửng trên đầu hai án tử/Một tiểu đường và một khối u” nhưng kết thúc: “Ông trời ban tặng hai án tử/Phen này nhất quyết tớ chẳng “đi”!”.
Đọc thơ, ta biết quyết tâm sống của cô Nhiệm, nhưng khó có thể hình dung qua bao lần phẫu thuật, lại phải mang túi hậu môn nhân tạo, sống chung cùng thuốc trường kỳ, cô vẫn làm vợ - làm mẹ - làm bà - làm cô giáo cũ... tròn thiên chức, với một nghị lực phi thường.
Và, cô viết khá nhiều về nghịch cảnh đớn đau bằng một giọng tếu táo cợt đùa: “Không “áo cà sa” cũng thành “sư”/Ta đã trót yêu một khối u/Mấy làn tóc mây rơi lả tả/Heo hút buồn theo gió mùa thu” (Sư không chùa)...
Tâm hồn đồng cảm
Tập thơ của cô Nghiêm Thị Nhiệm do Nhà xuất bản Thuận Hóa - Huế xuất bản năm 2017. |
Cùng thơ, cô Nhiệm sẻ chia niềm đồng cảm với những cuộc đời, những phận người, dấu yêu, thân quen: “Đạp chiếc xe cọc cạch/Trên đường làng lổn nhổn dấu chân trâu” (Nhớ thầy giáo cũ);
“Trường đã xa anh mấy năm trời/Bụi phấn buồn thiu rơi lả tả/Phượng già gầy guộc đứng chơi vơi” (Nhớ thầy Hà Thúc Định - Hiệu trưởng mẫu mực của Trường Hai Bà Trưng);
“Chị đi em mất một người thương/Anh rể em mất một bạn đường/Các cháu mất đi người mẹ đảm/Đồng đội mất đi bạn chiến trường” (Khóc thương người chị đã ra đi...).
Cô vui và chắp cánh cho thơ trò cũ Nựu Ivan (Thơ trò: “Dù chỉ là trên giấy/Vẫn dịu ngọt tình em/Gửi thầy cô ngoài ấy Để nhớ thời không quên” (20/11/2014) bằng bài thơ giản dị mà yêu thương (Thơ cô: “Cô thầy nhận được quà của em/Bánh vẽ nên ăn mãi vẫn thèm/Có lẽ tình ta còn thắm đượm/Trường tồn bánh vẽ - tình đan xen!” (22/11/2014)...
Cô Nhiệm rất siêng đọc báo, xem tivi, lên mạng và có những dòng thơ sẻ chia chân thành cảm động. Cô thương nghệ sĩ Trần Lập (ban nhạc Bức Tường) người đồng bệnh. Cô nhớ ca sĩ Phi Nhun,g người mẹ hiền của những em bé mồ côi. Cô tiếc thương những con người trong cuộc sinh ly tử biệt vì Covid.
Cô cười với MC Phan Anh (Đến với người dân rốn lũ miền Trung). Cô vui với câu chuyện về cánh tay người lính Nguyễn Quang Hùng, (quê Nam Định, thuộc Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, bị thương năm 1965 tại Phù Cát, Bình Định) trở về sau 47 năm “chu du” ở Mỹ.
Bác sĩ Sam Axelrad, quân đội Mỹ, người đã cắt bỏ cánh tay Quang Hùng bị dập nát trong một trận càn và mang về Mỹ, trân trọng giữ gìn. 47 năm sau, bác sĩ về thăm chiến trường xưa, mang cánh tay về trao lại cho người lính. “Là người ở bên kia chiến tuyến/Không hại anh mà cứu sống anh/Đã cho anh cuộc sống tốt lành/ Ôi! nhân hậu - một người lính Mỹ” (Anh nói với em)...
Cô giáo yêu thơ như yêu cuộc sống
Cô Nhiệm còn có tập thơ dành cho thiếu niên nhi đồng rất hồn nhiên, đáng yêu cùng tập thơ tình Nghiêm Thị Nhiệm lãng mạn.
Thơ cô Nhiệm bay vì có tri kỷ tri âm (thầy Nguyễn Dư Ba) luôn bên cạnh, chia ngọt sẻ bùi, nói Toán quá thông, nói Văn quá hiểu (“Hai ta lên thuyền cùng cập bến/ Tình yêu sáng tựa ánh trăng rằm” (Còn không).... Và cũng vì cô có nhiều tâm hồn đồng điệu yêu thương. Trong lòng anh chị em, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, học trò xưa luôn có hình bóng cặp đôi Nhiệm - Ba và thơ đồng hành.
Tri kỷ, tri âm bị bệnh, lên viện nằm và sau đó về nhà kịp cho mọi người từ biệt, thầy Dư Ba ra đi. Thơ cô Nhiệm trở thành cầu nối đẹp giữa nhà riêng và nhà thương: “Hai trăm bài thơ viết cho anh/Trong năm mươi sáu ngày anh vào bệnh viện/Cái tình chao ôi! Sâu như đáy biển/Vời vợi cao như núi Thái Sơn!/Anh yêu ơi! Anh có thấu nguồn cơn?” (Bài thứ 200 - 4/4/2021). Chỉ cần làm một phép tính ta biết những ngày thầy Ba nằm viện, cô Nhiệm tìm đến thơ để ghi nhật ký...
Thơ trở thành cầu nối đẹp giữa cõi dương và cõi âm, dù khi người yêu muôn thuở sắp ra đi, cô nhận ra: “Anh là người của thế giới khác/Giữa hai ta ngôn ngữ bất đồng” (Bị nhốt - 01/05/2021).
Thơ giúp cho cô Nhiệm phần nào vợi bớt nỗi buồn đau, cô đơn, một mình chống chọi với bệnh tật dai dẳng: “Có đôi chim sẻ ghé chơi nhà/Mỗi sáng mặt trời nở đầy hoa/Hỏi thăm ông già râu tóc bạc/Đứng bên thềm tưới tắm giàn hoa/Ông già “đi” rồi chim yêu ơi/Không cánh mà bay tít chân trời/Nhập hộ khẩu thiên đình – cứu nạn/Những mảnh đời hạ giới đơn côi/Ông “bay đi” khiến ta chơi vơi/Giữa không trung bao la – vũ trụ/Cuộc đời không còn gì vui thú/Biết về đâu? - Trên đường thẳm - vô thường” (Tâm sự với chim - 23/12/2021).
Làm thơ với cô Nhiệm như là cuộc trò chuyện hàng ngày với nội tâm và ngoại khách. Cô yêu thơ như yêu cuộc sống này. An nhiên làm thơ. Thơ chỉ để tặng, không bán, dẫu cô không giàu có bạc tiền.