Cô giáo vùng biên và hành trình gieo chữ, 'xóa mù' giữa đại ngàn Tây Bắc

GD&TĐ - Giữa núi rừng Tây Bắc, cô giáo Đào Thị Thoa lặng thầm mang con chữ đến với đồng bào, góp phần xóa mù chữ.

Một buổi vui chơi của học sinh trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, tỉnh Điện Biên.
Một buổi vui chơi của học sinh trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, tỉnh Điện Biên.

“Lớp học chữ giữa đại ngàn”

Sín Thầu là xã biên giới nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Điện Biên khoảng 250km, là nơi nổi tiếng với địa danh “một tiếng gà gáy, ba nước nghe chung”. Nơi đây không chỉ gắn với biên giới hiểm trở mà còn được biết đến với những người thầy, người cô đang âm thầm bám bản, bám trường để gieo từng con chữ, từng mầm hy vọng đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số đó, cô giáo Đào Thị Thoa – giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Sín Thầu là một trong những người lặng lẽ viết tiếp hành trình xóa mù chữ nơi cực Tây Tổ quốc.

Còn nhớ, cách đây mấy năm về trước, khi cô Thoa còn đang công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch. Trong một chiều muộn, chúng tôi tìm đến điểm trường Nậm Pan 2, một trong những điểm lẻ khó khăn nhất của xã Huổi Lếch. Trên chiếc xe máy cũ kỹ, phải mất gần nửa giờ ngược dốc, dò đường chúng tôi mới tới được nơi cô Thoa giảng dạy. Tiếng ê a đánh vần, tiếng cô giáo nhẫn nại giảng bài vang lên giữa rừng núi bao la khiến khung cảnh càng trở nên đặc biệt.

Điểm trường nằm trên một quả đồi thoai thoải, có hai cấp học: mầm non và tiểu học, cùng chia sẻ chung một cơ sở vật chất đơn sơ. Lớp tiểu học duy nhất là lớp ghép 1+2 do cô Thoa phụ trách. Chỉ có 10 em, nhưng ngày chúng tôi đến, lớp chỉ vỏn vẹn 8 học sinh. Hai em khác nghỉ học vì gia đình đang tổ chức lễ cúng, theo phong tục địa phương, trong thời gian kiêng khem, trẻ không được rời bản.

“Biết có nhà báo đến, em phải tự đi đèo các cháu đến lớp, chứ không là nghỉ buổi sáng rồi thì chiều chẳng quay lại nữa đâu. Phụ huynh ở đây cũng chưa coi trọng việc học, nhiều khi còn nghĩ học chữ là việc… xa xỉ”, cô Thoa chia sẻ.

Không gian học tập là một căn nhà cấp bốn đơn sơ, bàn ghế xiêu vẹo, bảng viết đã phai mờ. Trong lớp học ấy, cô giáo vừa phải phân thân giảng hai trình độ khác nhau, vừa dỗ dành các em còn bỡ ngỡ với con chữ, vừa nỗ lực vượt qua rào cản ngôn ngữ. Các em học sinh lớp 1 chủ yếu là người Mông, mới bắt đầu làm quen với tiếng phổ thông, nhiều em không hiểu lời cô giảng phải nhờ bạn dịch lại.

xoa-mu-chu.jpg
Cô Đào Thị Thoa trong một tiết dạy lớp ghép.

Từ hành trình gieo chữ đến khát vọng xóa mù

Sinh ra ở Hưng Yên, lớn lên tại Điện Biên, cô giáo Thoa mang trong mình ước mơ trở thành giáo viên để “mang cái chữ lên non”. Năm 2003, khi Mường Nhé (tên đơn vị hành chính cũ) vừa mới thành lập từ huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ), đường sá đi lại khó khăn, cô và 25 thầy cô khác đã tình nguyện “băng rừng vượt suối” từ xã Chà Cang vào Mường Toong 2 để khai trường.

“Hồi ấy, bọn em đi bộ gần 100km mất một tuần, chân sưng tấy, cơ căng cứng không nhấc nổi. Nhưng cứ nghĩ đến những bản làng chưa có trường lớp, chưa ai biết chữ là lại quyết tâm đi tiếp”, cô Thoa kể.

Hành trình đó không chỉ là sự hy sinh cá nhân mà còn là một đóng góp quan trọng cho công cuộc xóa mù chữ vùng cao. Cô kể, nhiều bản làng thời điểm ấy, không một người dân nào biết ký tên. Giấy tờ chỉ điểm chỉ tay. Trẻ em không được đến trường. Người lớn thì ngại học, sợ bị chê cười.

Cô Thoa không chỉ dạy học sinh, mà còn cùng đồng nghiệp tổ chức các buổi “dạy chữ tối” cho phụ huynh. Ban đầu chỉ vài ba người, nhưng dần dà, bà con bắt đầu nhận ra giá trị của chữ nghĩa: đọc được giấy khám bệnh, biết ký tên, hiểu giấy tờ, hay đơn giản là viết được tên con mình.

“Đồng bào mình hiền lắm, họ không lười, chỉ là chưa từng được học nên sợ. Có cô giáo gợi ý, bảo ban thì họ rất chịu khó. Có chị học hết mấy tháng rồi viết được tên chồng, tên con, mừng lắm. Hôm nào cũng mang theo quyển vở đến khoe”, cô kể lại.

van-dong-hoc-sinh.jpg
Hành trình đến trường của giáo viên cắm bản.

Giữ lửa nghề bằng tình yêu thương

Hai vợ chồng cô Thoa đều là giáo viên vùng khó. Cả hai con nhỏ phải gửi về cho ông bà ở thành phố. Có lần con lớn bị tai nạn nhập viện, vợ chồng cô xin về thăm con rồi lại tức tốc quay lại trường. Nỗi nhớ con, day dứt xa nhà luôn thường trực trong cô, nhất là những đêm đông dài chỉ có ánh đèn dầu leo lét giữa núi rừng heo hút.

“Nhiều khi con khóc, không chịu theo mẹ vì lâu không gặp. Đêm nằm mơ thấy con gọi, mà chỉ biết khóc. Nhưng em không thể rời nơi này được. Ở đây, nếu em đi, lớp sẽ phải đóng cửa. Các em sẽ không còn ai dạy nữa”, cô Thoa nghẹn ngào.

Chính lòng yêu nghề, thương trò và trách nhiệm với công cuộc xóa mù chữ đã giữ chân cô nơi bản làng xa xôi này. Mỗi đầu năm học, phụ huynh trong bản lại cùng nhau viết đơn, ký tên xin giữ cô Thoa ở lại, mong cô đừng chuyển công tác.

“Nhìn các em ngồi học chữ mà thấy lòng nhẹ nhõm. Nhiều em ngày đầu chỉ biết nói tiếng Mông, không cầm nổi bút. Vậy mà giờ biết viết tên mình, đọc được tên mẹ. Em nghĩ, chỉ cần gieo được cái chữ cho các em, thì có gian khó mấy cũng xứng đáng”.

Chữ nghĩa là cánh cửa mở ra tương lai

Từ những lớp học ghép giữa rừng già như lớp của cô Thoa, không chỉ trẻ em được tiếp cận kiến thức, mà nỗ lực xóa mù chữ còn lan tỏa đến cả cộng đồng. Trong những năm gần đây, nhờ sự kiên trì của giáo viên và hỗ trợ từ chương trình giáo dục vùng khó, tỷ lệ người dân biết đọc, biết viết tại Mường Nhé (cũ) đang từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn rất lớn. Địa hình cách trở, phong tục tập quán riêng, nhận thức chưa đồng đều khiến việc duy trì sĩ số và mở rộng các lớp xóa mù gặp nhiều khó khăn. Những người giáo viên như cô Thoa đang đóng vai trò không thể thay thế, là cầu nối, là người thắp lửa niềm tin cho đồng bào vùng biên.

Với họ, dạy chữ không chỉ là nghề, mà là sứ mệnh. Một sứ mệnh được viết nên bằng sự hy sinh, bền bỉ và lòng yêu thương vô điều kiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ