Cô giáo về hưu ngày bán vé số, tối dạy lớp tình thương

GD&TĐ - Suốt gần 7 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1948) trú tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã dành trọn tình yêu với những đứa trẻ nghèo.

Cô giáo Nguyễn Thị Ba tận tình chỉ dẫn kiến thức cho học sinh trong lớp học.
Cô giáo Nguyễn Thị Ba tận tình chỉ dẫn kiến thức cho học sinh trong lớp học.

Cô Ba luôn xem học sinh ở đây như con cháu trong gia đình, ân cần lo lắng từ việc dạy chữ đến dạy làm người.

Mang con chữ tới trẻ nghèo

Đầu năm 2016, khi tham gia chuyến từ thiện ở tỉnh Lâm Đồng, cô Nguyễn Thị Ba được các thành viên trong đoàn chia sẻ về lớp học tình thương tại phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một) vừa mới thành lập đang thiếu giáo viên. Sau chuyến đi đó cô Ba nghĩ mình còn khỏe, lại có kinh nghiệm dạy học bao năm, nên đã tình nguyện đăng ký dạy.

Những năm qua, dù hằng ngày phải đi bán vé số trên các tuyến đường nhưng cuối giờ chiều cô Ba vẫn quay về đứng lớp học tình thương để dạy chữ cho học sinh nghèo. Theo chia sẻ của cô Ba, lớp hiện có 24 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, chủ yếu là con công nhân lao động nghèo không có điều kiện đi học hoặc do bị mất hết giấy tờ tùy thân... Học sinh có tuổi đời từ 6 đến 17 tuổi. Trong đó, có một số em đi bán vé số được cô Ba vận động gia đình đưa vào lớp học này.

Được biết, cô Nguyễn Thị Ba đã gắn bó với nghề giáo từ năm 1970 tại mảnh đất Bình Dương. Trước thời điểm nghỉ hưu năm 2003, cô Ba dạy ở Trường Tiểu học Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một). Lúc về hưu, vì không lập gia đình nên cô có ý định vào viện dưỡng lão, nhưng rồi nghĩ bản thân còn sức khỏe nên về Vĩnh Long sống cùng anh trai. Đến năm 2016, cô đã quyết định lên Bình Dương thuê trọ sinh sống.

Trước khi đến với lớp học tình thương, cô có nhận dạy thêm tại nhà. Nhưng từ khi dạy tại lớp học tình thương, cô Ba chỉ tập trung dạy học từ thiện để giúp những đứa trẻ không có điều kiện được học hành biết đến con chữ.

“Sau gần 13 năm nghỉ hưu, tôi đã trở lại bục giảng dù lớp học ở đây đơn sơ, vỏn vẹn 15m2 nhưng trong lòng cảm thấy rất vui. Do chỉ có một phòng học nên tôi phân học sinh theo các cụm ngồi từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi lớp sẽ có giáo án, phương pháp dạy riêng. Tùy vào từng cấp độ của mỗi học sinh, tôi trực tiếp hướng dẫn riêng từng em trong mỗi buổi học. Lớp học từ 17 giờ đến 19 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Trong đó thứ Hai, Tư, Sáu tôi sẽ phụ trách giảng dạy, còn thứ Ba và Năm do một sinh viên tình nguyện giảng dạy”, cô Ba cho biết.

Học sinh trong lớp học tình thương phường Phú Cường luôn xem cô Ba như người mẹ, người bà của mình. Từ chỗ chưa nhận thức về tương lai, qua sự dạy dỗ của cô Ba, các em xác định được ước mơ và quyết tâm trong học tập. Mỗi học sinh đều mong muốn sẽ trưởng thành, học nghề để có việc làm giúp đỡ gia đình và có thể giúp những hoàn cảnh khó khăn xung quanh.

Đặc biệt, do dạy ở đây đã lâu nên hầu hết tính tình, khả năng học tập của từng học sinh cô Ba đều nắm rõ để chỉ bảo, uốn nắn từng em tiến bộ.

Trước mỗi buổi học, cô Ba thường đến sớm chừng 30 phút để hỗ trợ, chỉ dẫn những học sinh hỏi lại bài học hôm trước.

Trước mỗi buổi học, cô Ba thường đến sớm chừng 30 phút để hỗ trợ, chỉ dẫn những học sinh hỏi lại bài học hôm trước.

Bỏ tiền túi lo cho trẻ nghèo

Dù 17 giờ lớp học tình thương phường Phú Cường mới bắt đầu vào tiết, nhưng những hôm đứng lớp cô Ba đều có mặt tại Trung tâm Văn hóa Thể thao - Học tập cộng đồng phường Phú Cường trước đó hơn 30 phút. Cô Ba chia sẻ, sở dĩ cô thường đến sớm là để giúp các nhà hảo tâm chuẩn bị bữa ăn miễn phí cho học sinh trước giờ học, cũng như hỏi thăm tình hình gia đình, sẵn sàng hỗ trợ, chỉ dẫn những học sinh hỏi lại bài học hôm trước.

Trong quá trình giảng dạy, cô Ba luôn chú trọng dạy đạo đức làm người cho học sinh của mình đúng tinh thần “Tiên học lễ, hậu học văn”. Học sinh lễ phép, ăn cơm xong biết dọn dẹp bàn ghế gọn gàng, xếp hàng ngay ngắn trước khi vào lớp, học tập trật tự và đặc biệt lễ phép chào hỏi mỗi khi gặp người khác… chính là trái ngọt do tấm lòng của cô Ba uốn nắn thời gian qua.

Được biết, ngoài dạy học, từ nguồn tiền công từ bán vé số, hàng tháng cô Ba còn hỗ trợ mỗi em học sinh trong lớp 5 kg gạo và giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Cô Ba còn vận động nhà hảo tâm tặng thêm học sinh các bộ đồng phục. Điều mà cô Ba cảm thấy trăn trở nhất là trong lớp học có những trường hợp đã đến lớp học tình thương rồi nhưng vì lý do quá khó khăn phải nghỉ học để đi lao động hoặc chuyển đi địa phương khác.

Em Doãn Thị Yến Nhi (17 tuổi) được bà nội cưu mang từ khi lên 3. Đến với lớp học tình thương từ chỗ không biết đọc, biết viết, nay Yến Nhi đã học lên lớp 5. Em rất chịu khó học tập, giúp bà nội bán xôi hằng ngày để kiếm thu nhập. Nhi tâm sự: “Con và các bạn được cô Ba dạy chữ và nhiều điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Con sẽ nỗ lực sau này sẽ có công việc ổn định để đỡ đần bà nội và có điều kiện trở lại giúp cô Ba chăm lo cho các em học sinh”.

Nói về công việc ngày đi bán vé số, tối đi dạy từ năm 2016 đến nay, cô Ba chia sẻ: “Tôi đi bán vé số, tiền tự làm ra bằng mồ hôi công sức của mình, sau đó đem hỗ trợ cho các con có hoàn cảnh khó khăn. Nếu mình có tiền sẵn, mình giúp các em thì cũng quý. Tôi không mắc cỡ gì chuyện đi bán vé số. Sống ở đây tôi cảm thấy rất vui vì được người dân rất quý trọng gọi bằng cái tên thân thuộc “cô Ba””.

Nói về cô Ba, anh Phạm Minh Cường, Phó Bí thư Đoàn phường Phú Cường, chia sẻ: “Khi cô Ba tình nguyện giảng dạy lớp học này, chúng tôi rất mừng vì cô có chuyên môn giỏi, tận tâm trong công việc và luôn yêu thương các em. Điều chúng tôi cảm phục ở cô Ba chính là dù cuộc sống còn khó khăn khi còn đang ở trọ, nhưng cô đã dành tiền bán vé số, lương hưu hỗ trợ học sinh hằng tháng và giúp đỡ một số phụ huynh khó khăn. Từ nghĩa cử ấy, Đoàn phường cũng tích cực vận động nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập để giúp các em được học tập đầy đủ”.

“Chỉ cần nhìn những dòng chữ học sinh trong lớp học tình thương viết lên trang vở là tôi cảm thấy vui mừng và hạnh phúc vô cùng. Mong rằng sau khi học tại lớp học này các con sẽ đi học một nghề nào đó, tìm được công việc ổn định để có một tương lai vững chắc sau này”. - Cô Nguyễn Thị Ba

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ