Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Yên Bái, trong những dịp nghỉ hè Linh phải đi 50km lên thành phố Yên Bái để học đàn, và một tuần cũng chỉ học được có hai buổi. Lớn hơn, Linh quyết tâm thi vào trường Đại học Văn Hóa Nghệ Thuật Quân Đội.
May mắn mỉm cười với Linh, cô thi đỗ và được các thầy các cô dạy bảo tận tình, cùng với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, dù cũng có đôi lúc tưởng chừng như sắp bỏ cuộc. Nhưng Linh lại nghĩ đến niềm đam mê của mình và đã vượt qua tất cả mọi áp lực.
Linh ra trường đạt số điểm cao nhất và vinh dự hơn cái tên Nguyễn Diệu Linh - một cô gái nhỏ nhắn- nằm trong danh sách thủ khoa xuất sắc của Thành phố Hà Nội. Cũng chính vì vậy mà Linh đã nhận được quyết định chính thức từ ban giám hiệu ở lại trường để nối tiếp công việc giảng dạy của các thầy cô.
Và có lẽ, cái nghiệp cô giáo đã bắt đầu từ đó. Và từ đó cô giáo Diệu Linh luôn có tâm niệm rằng: “Phải truyền đạt âm nhạc cổ điển đúng nghĩa hơn với học trò của mình để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc nói chúng, cũng như cách hiểu về bộ môn piano nói riêng. Và hơn nữa âm nhạc cổ điển sẽ là nền tảng văn hóa vững chắc cho các em nhỏ. Để rồi chính âm nhạc sẽ hàn gắn mọi thô cứng trong tâm hồn để những điều đẹp đẽ nhất cứ thế lan tỏa ra cộng đồng và xã hội”.
Không chỉ giảng dạy ở trường, được gợi ý từ chương trình hòa nhạc “Ấm áp mùa đông – chương trình hòa nhạc từ thiện” của các bạn trẻ chuyên và không chuyên do nhà giáo Trịnh Hồng Trang- cô giáo của Linh- đứng ra tổ chức, Linh mở lớp dạy piano nghiệp dư tại nhà dành cho các em từ 5 – 18 tuổi.
Linh tâm sự: “càng học sâu hơn thì cảm nhận về nhạc cổ điển lại càng có nhiều cái để mình khám phá. Qua mỗi bản nhạc Linh có thể thấy được niềm vui, nỗi buồn hay thậm chí là cả thiên nhiên trong những bản nhạc đó. Rồi khi Linh mở lớp dạy, Linh càng thấy sự cần thiết của nhạc cổ điển đối với cuộc sống, vì ở lớp mà Linh dạy có những em bé bị tăng động và có cả những em tự kỷ không thích giao tiếp với bạn bè, tuy vậy sau một thời gian học tập qua tác động của âm nhạc thì các em thực sự khác trước rất nhiều”.
Khi tham gia và đến tận nơi trao quà cho các em nhỏ còn chịu nhiều thiệt thòi của chương trình hòa nhạc “Ấm áp mùa đông”, hơn ai hết chính Linh cũng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất còn có nhiều khó khăn, thấu cảm với điều đó Diệu Linh tự nhủ với bản thân rằng mình sẽ tổ chức một chương trình hòa nhạc từ thiện để từ đó gây quỹ trao những phần quà dù nhỏ bé nhất đến với các em bé vùng cao.
Nhiều đêm cô mất ăn mất ngủ nghĩ đủ mọi cách, mọi phương án để làm sao tổ chức được một chương trình. Bao năm miệt mài cố gắng, mơ ước của Linh cũng trở thành sự thực.
Những nụ cười thiên thần của các em bé sau khi nhận được quà từ quỹ "Khăn ấm cho em" |
Được sự khuyến khích, trợ giúp từ cô giáo Trịnh Hồng Trang và bạn bè, Linh đã tổ chức một chương trình thiện nguyện với tên “Khăn ấm cho em”. Vì Linh biết, âm nhạc không chỉ là điểm tựa tinh thần, như nguồn cảm hứng cho cuộc sống mà còn hơn thế, âm nhạc cổ điển đã mang lại cho Linh và học trò của mình khả năng thấu cảm với mọi cung bậc của cuộc sống, thấu cảm với hạnh phúc và khổ đau của nhân gian, để lòng nhân ái luôn thường trực trong trái tim mình.
Đó là thành công lớn nhất mà cô giáo trẻ Nguyễn Diệu Linh và các học trò nghiệp dư đang và sẽ tiếp tục đạt được từ chương trình hòa nhạc thiện nguyện. Bằng sự nỗ lực không ngừng của mình Diệu Linh đã mang những kiến thức mình đã học được từ thầy cô giáo, và quan trọng nhất là Linh đã tiếp thu và cảm nhận được xúc cảm mà âm nhạc đã mang đến cho mình.
Có thể công nhận rằng chương trình hòa nhạc cổ điển “Khăn ấm cho em” đã thành công. Khăn ấm cho em không những thành công ở khía cạnh truyền đạt cảm hứng cho các con để các con tự tin thể hiện khả năng âm nhạc của mình, mà còn thành công ở khía cạnh khác lớn hơn.
Đó là quyên góp từ thiện và để chia sẻ và trao yêu thương đến những em nhỏ đang gặp phải khó khăn trong cuộc sống. Số tiền quyên góp được sau mỗi buổi biểu diễn lại tăng lên. Năm đầu số tiền thu được từ chương trình rất ít ỏi nhưng chỉ sau 2 năm tổ chức đã thu được hơn 100 triệu đồng.
Với số tiền này các em nhỏ của trường tiểu học Thôm Niêng - Xã Cổ Linh - Pắc Nậm - Bắc Kạn sẽ có bút để viết, có dép để đến trường.
Số tiền thu được từ các nhà hảo tâm càng lớn thì trách nhiệm của cô giáo trẻ Diệu Linh lại nặng nề hơn. Thời gian đầu cũng chỉ đủ tiền để tặng những cô cậu bé vùng cao những chiếc khăn, áo ấm để mặc và bữa cơm có thịt để ăn.
Nhưng giờ đây từ chương trình cũng đã có các nhà hảo tâm tài trợ mổ u bẩm sinh cho em Hoàng Văn Đại nhà có 5 anh chị em, Bố mất sớm, Em ở với Mẹ và ông bà Ngoại, gia đình vô cùng khó khăn và hoàn cảnh. Ka mổ khối u của Đại đã thành công. Và từ đó Diệu Linh cùng các học trò của mình càng có niềm tin và động lực để cố gắng hơn, để giúp được nhiều em như em Hoàng Văn Đại.
Cô giáo trẻ Diệu Linh đã sử dụng âm nhạc cổ điển mà cụ thể hơn là chương trình hòa nhạc từ thiện “Khăn ấm cho em” trở thành hoạt động từ thiện thường niên để giúp các em nhỏ của lớp piano do Linh dạy giỗ này được khơi động những xúc cảm của tình nhân ái, khiến các em có được những hiểu biết xã hội nhất định, và từ đó biết sống có trách nhiệm hơn.
Vẫn biết rằng âm nhạc cổ điển không phải ai cũng có thể theo hay hiểu được, vậy mà các em mới chỉ có 5 đến 18 tuổi thôi đã bước lên sân khấu một cách tự tin khiến chúng tôi không khỏi cảm phục.