Sáng nay (7/7), gần một triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn tất bài thi môn Ngữ văn, môn đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đề thi được thí sinh đánh giá là không quá khó với các câu hỏi nghị luận có chủ đề quen thuộc.
Sau khi đọc đề thi môn văn, cô giáo Thanh Hoài Thanh, cựu giáo viên môn Ngữ Văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, đề thi năm nay khá hay và vừa sức với các thí sinh.
Được biết, cô Hoài Thanh là một trong những giáo viên luyện thi hàng đầu tại Hà Nội môn Ngữ Văn. Hàng năm, cô đào tạo ra hàng trăm học sinh với thành tích “khủng” ở mỗi kỳ đại học. Thanh Hoài Thanh là “thương hiệu” không còn xa lạ đối với học sinh tại Hà Nội.
Nói về đề thi năm nay, cô giáo Thanh Hoài Thanh nhận định: “Nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu vừa sức với học sinh, nhất là 2 câu đầu ở mức độ nhận biết. Học sinh hoàn toàn có thể được điểm tối đa. Câu hỏi vận dụng cao cũng đã có phần gợi ý từ câu lệnh của bài làm văn số 1. Có lẽ, khó khăn duy nhất với học trò là câu 3 ở mức độ thông hiểu. Đây có thể coi là câu hỏi mang tính phân loại cho bài làm của thí sinh”.
Về phần làm văn, cựu giáo viên trường Chu Văn An cho rằng, ở câu 1 (2 điểm), câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chuẩn xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết 1 đoạn văn. Đề ra có tính thời sự trong mùa Covid-19, không đánh đố. Học sinh có thể nhận diện được ngay vấn đề cần nghị luận.
Cô giáo Thanh Hoài Thanh nhấn mạnh: “Đối với câu 5,0 điểm, câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trong đó câu lệnh thứ nhất là nội dung chính của đề. Câu lệnh thứ hai đánh giá khái quát và nâng cao”.
Dưới đây là phần hướng dẫn giải đề môn Ngữ Văn tốt nghiệp THPT của cô giáo Thanh Hoài Thanh, cựu giáo viên trường THPT Chu Văn An:
Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)
1. Trong đoạn trích, sự đời của một dòng sông được diễn ra như sau: Từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên, mát lạnh và trong lành. Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa vào với nước tươi mát rơi từ trên trời và thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi, một dòng sông ra đời.
2. Món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả là những vùng nông nghiệp vĩ đại nhất trên thế giới được hình thành từ những vùng châu thổ màu mỡ.
3. Những câu văn giúp con người hiểu được:
- Về dòng chảy của nước: Hiền hòa, dịu nhẹ, bình yên, lặng tờ, yên ả. Là người bạn chứng kiến, gắn bó, đồng hành với cuộc sống của con người.
- Về cuộc sống của con người: Có lúc vội vã nhưng rồi vẫn hướng về bình yên, giản dị, đầm ấm, hạnh phúc. Những điều tưởng như nhỏ bé, giản dị nhưng tạo nên những giá trị lớn cuộc sống con người.
4. Đây là một câu hỏi mở, học sinh nêu cách hiểu cá nhân. Cần lí giải thuyết phục, hợp lí. Sau đây là gợi ý:
- Cuộc sống là một hành trình dài: không phải lúc nào cũng là hương thơm hoa hồng, không chỉ có vẻ đẹp của dòng sông, mà có cả gai hoa hồng đâm. Trong hành trình ấy, con người cần gắn kết với thế giới xung quanh, cần bản lĩnh, ý chí để trở nên mạnh mẽ vượt qua những thử thách khó khăn.
- Cuộc sống là sự tạo dựng những giá trị, vì vậy mỗi con người không ngừng cống hiến những gì đẹp đẽ nhất cho cuộc sống này - “khi ta sinh ra người cười ta khóc, khi ta chết đi người khóc ta cười”
- Cuộc đời riêng của mỗi người nhưng vẫn là phần tử của xã hội, hãy biết hòa nhập vào cuộc đời chung để tạo nên những điều tốt đẹp.
- Cuộc sống là mang đến những giá trị thiết thực, dẫu có nhỏ bé, giản dị, bình dị, đời thường. Mỗi chúng ta hãy biết sống chậm để trân trọng những khoảnh khắc.
Phần II: Làm Văn (7 điểm)
1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sự cần thiết phải biết sống cống hiến.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, qui nạp, tổng-phân-hợp, móc xích, hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự cần thiết phải biết sống cống hiến.
c. Triển khai vấn đề nghị luận.
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ Sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Có thể triển khai theo hướng sau:
- Giải thích: Cống hiến là tự nguyện dâng hiến, đóng góp công sức cao quí của mình cho sự nghiệp chung, phục vụ tập thể. Tạo dựng và đóng góp cho đất nước và thế giới ngày càng tốt đẹp hơn
=> Khẳng định vai trò, sự cần thiết của lẽ sống cống hiến.
- Bình luận:
+ Mỗi cá nhân đều nhận thức sâu sắc sự cần thiết cống hiến công sức của mình vào công việc chung của tập thể, tổ chức, cộng đồng làm tăng hiệu suất làm việc và góp phần thành công cho tổ chức, đơn vị sẽ giúp cho dân giàu nước mạnh.
+ Góp phần làm phong phú hơn và ý nghĩa hơn đối với mỗi khía cạnh cuộc sống. Từ đó sẽ đóng góp vào việc xây dựng, bảo vệ tổ quốc đem lại nhiều giá trị tốt đẹp, tích cực trong cuộc sống. Tạo dựng bản sắc văn hóa, truyền thống đẹp: Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.
+ Góp phần xây dựng trái tim, tâm hồn đẹp mỗi con người - mỗi cá nhân đẹp sẽ tạo dựng cộng đồng xã hội đẹp.
=> Dẫn chứng sự cần thiết cống hiến đội ngũ y bác sĩ, của đội ngũ các chiến sĩ công an không quản khó khăn, thử thách chống dịch Covid-19 ở vùng dịch.
- Liên hệ, mở rộng: Liên hệ đến để nhận thức và hành động của bản thân về sự cần thiết phải sống cống hiến. Gợi ý:
+ Có suy nghĩ đúng đắn, hành động thiết thực vì lợi ích chung của cộng đồng.
+ Phê phán những con người sống vị kỉ, vụ lợi, kể cả sự ích kỉ thông minh (đặc biệt giới trẻ)…
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
2. Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ trong bài thơ Sóng. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
- Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
- Cảm nhận khổ thơ 3, 4, 5 trong bài thơ “Sóng”
- Nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh và tác phẩm “Sóng”
* Triển khai hệ thống luận điểm
Cảm nhận về đoạn thơ:
- Người phụ nữ khao khát lí giải nguồn gốc của sóng cũng như của tình yêu (khổ 3, 4):
+ Điệp cấu trúc “em nghĩ về” kết hợp với hai câu hỏi tu từ thể hiện dòng băn khoăn, trăn trở suy tư cùng những khát khao lớn của người phụ nữ về việc cắt nghĩa, lí giải nguồn gốc của sóng cũng như cội nguồn của tình yêu.
=> Vẽ nên bức chân dung vẻ đẹp vừa hiện đại, vừa truyền thống người phụ nữ trong tình yêu: Luôn muốn làm chủ, thấu hiểu trái tim của người mình yêu, đồng thời khao khát khám phá chính bản ngã của mình. Trái tim sâu sắc người phụ nữ trong tình yêu.
+ Câu trả lời 1: Về sóng trả lời chóng vánh
+ Câu trả lời 2: Vừa trả lời cho gió và cho cả tình yêu người phụ nữ.
Biện pháp nghệ thuật đảo cấu trúc ngữ pháp nhấn mạnh:
“Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau” thể hiện quy luật tự nhiên của tình yêu: Trái tim yêu có những cảm xúc, quy luật riêng mà lí trí logic không thể nắm bắt. Tình yêu muôn đời luôn có những bí ẩn để con người khám phá. Đồng thời làm rõ nét dịu dàng, e ấp, dịu ngọt, nữ tính người phụ nữ trong tình yêu
Khổ 5:
- Mạch vận động từ soi vào sóng - nhận thức ra chính mình. Người phụ nữ thông qua sóng bộc lộ nỗi niềm người phụ nữ.
+ Khổ thơ đặc biệt: Vừa ẩn dụ trong sóng, vừa hình ảnh em trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ không đựng vừa trong sóng. Người phụ nữ bộc bạch nỗi nhớ vượt qua mọi không gian và thời gian.
+ Xuân Quỳnh đã thống nhất những cặp phạm trù đối lập thời gian: “ngày” – “đêm”; không gian: “lòng sâu” – “mặt nước” để khẳng định nỗi nhớ da diết dù nơi nào, dù thời gian nào cũng “không ngủ được” vì nhớ bờ, không chỉ vậy thức để người phụ nữ luôn phấp phỏm trông giữ tình yêu.
+ Khổ 5 tăng thêm 2 câu thơ, sự phá vỡ kết cấu thể thơ thông thường, vượt khỏi khuôn khổ mực thước thông thường thể hiện sự trào dâng trong nỗi nhớ, cảm xúc. Lời khẳng định “Cả trong mơ còn thức” thể hiện tình cảm chân thành, sâu lắng, thiết tha, vượt lên mọi giới hạn “mơ” – khao khát của tâm tưởng hay “thức” – tỉnh táo của lí trí. Trong mơ còn thức không chỉ nỗi nhớ khắc sâu trong tiềm thức người phụ nữ mà còn trăn trở, lo âu, mong manh, dự cảm, đầy bất ổn trong tình yêu. Thức để gìn giữ tình yêu.
=> Khẳng định đặc điểm nỗi nhớ của người phụ nữ trong tình yêu: Luôn tồn tại dù có hay không bộc bạch thành lời.
- Nghệ thuật:
+ Hai hình tượng trung tâm “sóng” và “em” khi đan cài, khi tách rời.
+ Thể thơ 5 chữ tạo nhịp tự do, thuận lợi để thể hiện mọi tâm trạng cảm xúc.
+ Các biện pháp ẩn dụ, liên tưởng thể hiện những sắc điệu phong phú của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
+ Âm hưởng dạt dào, da diết như nhịp điệu của những con sóng.
Nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ:
- Giải thích: “Vẻ đẹp nữ tính” là những cảm xúc, tình cảm, hình ảnh, ngôn ngữ và giọng điệu trong thơ. Vừa hết đỗi khao khát mãnh liệt, lại vừa đầy dự cảm lo âu, mong manh, bất ổn.
- Vẻ đẹp nữ tính trong “Sóng”:
+ Sự nhạy cảm, tinh tế trong cảm nhận về tình yêu của người phụ nữ đa cảm:
Có khi Xuân Quỳnh bộc lộ những cung bậc cảm xúc mãnh liệt (khao khát tận hiến, làm chủ trong tình yêu; bộc lộ nỗi nhớ vượt lên mọi không gian, thời gian) có khi lại phấp phỏng, mong manh với những suy nghĩ da diết, có khi lại rất dịu dàng (suy tư để tìm hiểu về nguồn gốc tình yêu, và tự khẳng định “Em cũng không biết nữa” vì tình yêu tự nhiên, chân thành)
+ Đặc sắc trong cách lựa chọn hình ảnh thơ: Xuân quỳnh chọn hình tượng thiên nhiên là “sóng” (với đặc điểm thiên tính nữ, khi ào ạt mạnh mẽ, khi êm dịu sâu sắc. thất thường đấy nhưng lại dịu êm ngay đấy. lúc mạnh mẽ, mãnh liệt, lúc lo âu ,mong manh đầy dự cảm bất ổn trong tình yêu).
+ Cách xưng hô trong thơ là “em”, nhỏ nhẹ và đằm thắm. Bài thơ “sóng” như một lời giãi bày tâm tư, tình cảm.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu