Cô giáo mở trường tư vì thương trò nghèo

GD&TĐ - Nửa cuối thế kỷ XX, nước Mỹ vẫn còn kỳ thị sắc tộc nặng nề và nhiều học trò da màu bị cho thôi học với lý do 'học lực quá tệ'...

Trong trường tư của Collins, học sinh được tự giác học tập, tin tưởng 'sinh ra là để xuất sắc hơn'.
Trong trường tư của Collins, học sinh được tự giác học tập, tin tưởng 'sinh ra là để xuất sắc hơn'.

Nửa cuối thế kỷ XX, nước Mỹ vẫn còn kỳ thị sắc tộc nặng nề và nhiều học trò da màu bị cho thôi học với lý do “học lực quá tệ” nhưng thực chất chỉ là vì cha mẹ các em bị thiếu tiền để đóng học phí cho con.

Chứng kiến điều này khiến cô giáo Marva Collins (1936 – 2015) vô cùng đau đớn và trăn trở, cuối cùng quyết định lấy chính tiền tiết kiệm cá nhân ra mở lớp thu nhận các em.

Giáo viên hợp đồng

Cô Collins chào đời tại Monroeville, Alabama, là con gái của Henry Knight, giám đốc một nhà tang lễ. Ông Knight rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái, thường xuyên nhắc nhở Collins phải có tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái. Dưới sự dưỡng dục của cha, Collins lớn lên thành con ngoan, trò giỏi. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ở Atlanta, cô dạy học 2 năm ở Alabama rồi chuyển đến Chicago.

Tại Chicago, cô làm giáo viên Trường Công lập Chicago. Suốt 14 năm, cô vẫn chỉ là giáo viên dạy thay chứ chưa được lên chính thức. Bất chấp vị trí bấp bênh và cuộc sống không mấy khá giả, cô Collins luôn bận lòng trước tình cảnh của học sinh da màu nghèo. Các em không chỉ bị phân biệt đối xử trong trường học vì sắc tộc, mà còn bị “vơ đũa cả nắm” là “dốt nát, không thể đào tạo và chỉ còn cách đuổi học”.

Năm 1975, cô Collins hạ quyết tâm rút hết 5 nghìn USD tiết kiệm để dành cho sau này về hưu. Đổi sang giá trị ngày nay, khoản tiền này rơi vào khoảng 26 nghìn USD. Cô dùng nó thuê tầng hầm của một trường cao đẳng địa phương, mở trường tư thục học phí siêu rẻ, nhận các em da màu nghèo và đặt tên là Trường Sơ cấp Westside (Westside Preparatory School - WPS).

“Không có trẻ em dốt nát”, cô Collins tuyên bố. Trong mắt cô, mọi trẻ em đều như nhau và phải được hưởng quyền bình đẳng giáo dục. “Nếu con cái tôi thất bại thì đó là lỗi của kẻ làm mẹ là tôi chứ không đời nào lại do chúng. Tương tự với các học sinh, nếu các em dốt nát thì đó là thất bại của giáo viên”.

Ngôi trường tự giác nhất

Nhà giáo Marva Collins (1936 – 2015).

Nhà giáo Marva Collins (1936 – 2015).

Ngày đầu mở trường, nữ giáo viên này chỉ có đúng 4 học sinh, trong đó có 1 em là con gái cô. Thế nhưng chẳng bao lâu, con số này đã tăng vọt lên 200. Các lớp học cũng bao gồm từ mẫu giáo đến lớp 8.

Cô Collins quan niệm “mọi trẻ em đều được sinh ra để thành công” và vô cùng tự hào về nghề nghiệp của mình. Trong WPS, học sinh bắt đầu ngày mới bằng việc đọc bài thơ dài 20 câu đóng vai trò như nội quy. Nó nhấn mạnh phải tư duy tích cực, hành động và học tập có trách nhiệm.

“Không có gì gây tức giận hơn là 2 từ ‘không thể’. Chỉ cần có niềm tin và lòng đam mê, bạn có thể làm bất cứ điều gì. Chúng ta được sinh ra để trở nên xuất sắc và xuất sắc hơn nữa”, cô Collins luôn cổ vũ học sinh bằng những lời này.

Để hiện thực hóa lý tưởng, cô lên chương trình học chú trọng đào tạo Ngữ văn, Toán và khuyến khích đọc các tác phẩm kinh điển. Ngoài ra, cô còn giao cho các em bài tập lên và thảo luận ý tưởng. Giờ ăn trưa tại trường của cô, học sinh sẽ vừa ăn vừa bàn tán sôi nổi về chủ đề nào đó mà các em tự nghĩ ra.

“Tôi luôn đọc chí ít là 10 cuốn sách/tuần và tôi ghét câu ‘đã đọc xong hết rồi’. Trong trường của tôi, các học sinh không khi nào ngừng đọc. Ngay khi vừa gấp lại trang cuối của cuốn sách này, các em liền lôi ra từ trong ngăn bàn cuốn sách khác”, cô Collins kể và cho biết thêm: “Không có học sinh bỏ học, không có giáo viên bỏ dạy. Mỗi khi giáo viên vắng mặt vì lý do bất khả kháng nào đó, các em tự túc lấy sách vở ra tự học”. Chỉ sau 1 năm, cô Collins đã chứng minh được trước toàn hệ thống giáo dục Mỹ rằng “không có học sinh nào là dốt nát”.

“Trẻ em luôn tự tư duy, vận động và sáng tạo”, cô Collins khẳng định. Thành công của WPS khiến tên tuổi cô nổi như cồn. Năm 1977, tờ Chicago Chủ nhật (Chicago Sun-Times) dành cho cô một bài viết dài.

Năm 1980, Tổng thống Ronald Reagan (1911 – 2004) đề xuất đưa Collins lên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhưng bị cô từ chối. Cùng năm, cô Collins cũng từ chối lời mời từ các trường công lập ở Chicago và Los Angeles để tập trung trọn tinh thần cho WPS. Năm 1981, cuộc đời và sự nghiệp giáo dục của cô được đài CBS dựng thành phim truyền hình.

Trên đỉnh danh vọng, cô Collins bước sang sự nghiệp bồi dưỡng giáo viên. Cô xuất bản một số ấn phẩm giáo dục, nổi bật nhất là Những đứa trẻ bình thường, những giáo viên phi thường (Ordinary’ Children, Extraordinary Teachers) và Con đường của Marva Collins (Marva Collins’ Way). Chưa hết, cô còn tích cực xuất hiện trên các chương trình truyền hình về giáo dục, lan tỏa phương châm về dạy học của mình ra rộng khắp thế giới.

Trước thành công và danh tiếng của cô Collins, một vài kẻ xấu đã bôi nhọ cô bằng cách đặt điều “hạng giáo viên phóng đại thành tích”. Chính các phụ huynh và học sinh WPS đã đứng lên bảo vệ cô Collins. “Tôi chưa bao giờ nói mình là giáo viên siêu đẳng. Mọi danh hiệu đều là mọi người ưu ái tặng cho, còn tôi vẫn chỉ là một giáo viên bé nhỏ, tầm thường”, cô Collins trả lời phỏng vấn trên tờ New York (The New York Times).

Trái với sự khiêm tốn này, sự nghiệp của cô Collins quá đỗi phi thường. Sách báo, bài phát biểu, thuyết trình… của cô cũng trở thành tài liệu giáo dục quý giá, bồi dưỡng các lớp giáo viên thế hệ sau. Năm 2004, cô Collins vinh dự được Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là ông George W. Bush (1946) tặng Huân chương Nhân văn quốc gia.

Với phương châm “mọi trẻ em đều được sinh ra để thành công”, cô Collins nỗ lực duy trì ngôi trường tư của mình suốt 30 năm, giúp đỡ hàng nghìn học sinh gia cảnh khó khăn và bồi dưỡng ra rất nhiều giáo viên ưu tú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ