Gắn kiến thức môn học với cuộc sống
Cô Đặng Thị Ánh Tuyết - giáo viên môn Vật lý Trường THPT Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có nhiều sáng tạo trong quá trình dạy học, đem lại hứng thú học tập cho học sinh.
Cô Tuyết cho biết: Vật lý là môn khoa học thực nghiệm. Các khái niệm, định luật vật lý đều gắn với thực tế. Trong chương trình Vật lý phổ thông, nhiều khái niệm và hầu hết các định luật vật lý được hình thành bằng con đường thực nghiệm.
Thông qua thí nghiệm, thầy trò có thể xây dựng những biểu tượng cụ thể về sự vật và hiện tượng. Trong thực hành, không những các kĩ năng thực hành như quan sát, sử dụng dụng cụ vật lý, lắp ráp thí nghiệm, vẽ đồ thị, xác định sai số... được rèn luyện, mà cả óc suy đoán, tư duy lý luận và nhất là tư duy vật lý cũng có cơ hội phát triển.
Việc sử dụng thí nghiệm trong dạy học vật lý ở trường phổ thông không chỉ là công việc mà còn là một trong những biện pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng dạy học, góp phần tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh. Thông qua thí nghiệm, HS tự chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, đặc biệt là kĩ năng trong thực hành.
Mỗi khi đứng lớp, cô Tuyết luôn truyền ngọn lửa đam mê về môn học cho học trò, mong muốn các em yêu thích môn học. Học vật lý không chỉ thuần túy tiếp nhận những kiến thức lý thuyết mà còn có tính ứng dụng để có thể tự mình sửa chữa hay làm mới đồ dùng trong gia đình của mình. Lý thuyết và thực hành phải luôn được bổ trợ cho nhau.
Khơi niềm đam mê môn học tới HS
Trong quá trình dạy học, cô Tuyết thấy HS thi khối A, A1 thường chỉ quan tâm nhiều đến việc giải những bài toán vật lý. HS thi các khối khác đa số không có hứng thú gì với môn học hoặc học mang tính chất đối phó sao cho đủ điểm mà chưa thấy được tầm quan trọng của môn học đối với cuộc sống hàng ngày của mình.
Để tháo gỡ được tâm lý thiếu tích cực của HS, cô và các đồng nghiệp đã áp dụng một số giải pháp: Kể câu chuyện vui hay bài học kinh nghiệm từ những sai lầm mắc phải trong cuộc sống do thiếu hiểu biết về kiến thức vật lý; đưa ra các bài tập định tính và định lượng có tính thực tế để HS thấy được ứng dụng và tầm quan trọng của môn học trong thực tiễn.
Cô giáo còn tăng cường sử dụng triệt để các thiết bị thí nghiệm, đồ dùng dạy học sẵn có và tự làm trong các bài học, tăng cường cho HS làm các thí nghiệm thực hành. Đồng thời, giáo viên định hướng và giao nhiệm vụ cho các nhóm HS tự làm các thí nghiệm đơn giản và các đồ dùng dạy học có trong chương trình học.
“Chơi mà học, học mà chơi” cũng là một trong những hình thức được cô áp dụng linh hoạt. Những phần mềm hỗ trợ giảng dạy cũng được cô khai thác hiệu quả. Cô Tuyết còn phân loại các đối tượng HS để đưa ra các biện pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng, từ khá, giỏi đến yếu, kém.
Trong công tác chủ nhiệm, cô Tuyết luôn gần gũi, hiểu hoàn cảnh từng học trò. Nhờ sự quan tâm của cô, nhiều em đã vượt khó, vươn lên đạt kết quả cao trong các kỳ thi HS giỏi cấp trường và kỳ thi Olympic cụm trường Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng. Các em luôn đoàn kết, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau khi các bạn gặp hoạn nạn khó khăn, năng động nhiệt tình trong các hoạt động tập thể.
Là giáo viên của ngôi trường không thuận lợi về vị trí địa lý, đối tượng HS tuyển vào có chất lượng không cao nhưng cô Đặng Thị Ánh Tuyết và đồng nghiệp luôn trách nhiệm, tâm huyết với nghề và cùng một mong muốn, một hành động “Chung tay xây dựng ngôi trường văn minh, hiện đại và thân thiện”.