Xúc cảm cho tuổi mới lớn
Là giáo viên lớp lá Trường Mầm non Long Trường (Quận 9, TPHCM), cô Hồ Thị Xuân Đà rất yêu thích văn chương. Sau tập truyện ngắn đầu tiên xuất bản năm 2017 có tựa đề “Khao khát bình yên” (NXB Hội Nhà văn), tác giả Hồ Xuân Đà (bút danh của cô Hồ Thị Xuân Đà) lần lượt ra mắt các tập truyện dài: Trăng Mười Sáu, Mùa xuân phía trước, truyện ngắn Đôi bàn tay mẹ, Món quà của yêu thương… Mới đây, cô ra mắt tác phẩm “Bồ công anh nhỏ” do NXB Văn hóa – Văn nghệ TPHCM ấn hành, nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam.
Ở Bồ công anh nhỏ, tác giả Hồ Xuân Đà viết về câu chuyện xúc cảm của tuổi mới lớn. Chuyện kể về nhân vật chính là cô bé có tên Bụi Phấn. Cô bé luôn nghĩ về những mơ ước của mình, muốn thay đổi, thậm chí muốn nổi loạn để đạt được mơ ước. Nhưng trên hết, cô bé giàu lòng vị tha với mọi người, rất thương mẹ và em trai.
Vì những tổn thương sâu xa của người lớn, mẹ cô có thái độ đôi lúc chưa thật công bằng đối với hai chị em, nhất là với Bụi Phấn. Qua câu chuyện, chúng ta - những bậc phụ huynh phải giật mình nhìn lại kỹ hơn về cảm nhận của con trẻ. Liệu những áp lực, khó nhọc bộn bề của cuộc sống xui khiến mình tạo ra sự áp đặt làm ảnh hưởng đến con, có công bằng với con không?...
Cô Xuân Đà chia sẻ: “Tôi là cô nuôi dạy trẻ, hàng ngày gắn bó với trẻ thơ, sống chung với nét hồn nhiên của tiếng hát lời ca, cộng hưởng những cảm giác chợt vui, chợt buồn của các bé. Là một người mẹ, tôi đã nhận ra những đôi mắt, như tia nắng đầu tiên của Mặt trời bắt đầu ngày mới, những tâm hồn như tờ giấy trắng để mỗi ngày, viết lên những điều mới mẻ. Trẻ em cần phải được nuôi dạy và lớn lên trong vòng tay hạnh phúc của toàn xã hội. Sự chăm sóc, vun đắp cho những mầm non lớn lên là nhiệm vụ của gia đình và nhà trường. Đây là một sự kết hợp cần thiết nhất”.
Nghề chính hỗ trợ nghề phụ
Cây bút Hồ Xuân Đà sinh ra và lớn lên tại một huyện nông thôn thuộc tỉnh Quảng Nam. Nói về lý do đam mê viết văn nhưng lại gắn bó nghề cô nuôi dạy trẻ, cô Xuân Đà cho biết: Khi tốt nghiệp THPT, tôi nộp đơn dự thi vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM. Thế nhưng vào thời điểm này, gia đình gặp biến cố lớn (người anh trai trưởng cũng là lao động chính trong gia đình bị tai nạn giao thông và qua đời). Kinh tế gia đình lúc đó không đủ khả năng cho tôi đi thi đại học.
“Từ khi còn ngồi ghế nhà trường, tôi đã thích đọc sách. Tôi đọc mọi lúc, mọi nơi. Tuổi thơ tôi lớn lên với niềm vui duy nhất là những cửa hàng cho thuê sách truyện. Khi lớn hơn một chút, tôi say mê chép danh ngôn, câu nói hay của những nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, rồi chép thơ vào nhật ký, sổ tay. Trong tư tưởng tôi hình thành nên ước mơ trở thành một nhà báo, nhà văn, nghề nghiệp dùng nhiều chữ nghĩa…” - cô Xuân Đà tâm sự.
Thời điểm gia đình gặp biến cố cũng là lúc trường mầm non ở quê thiếu giáo viên một cách trầm trọng. Để giải quyết tình trạng này, các trường sư phạm về huyện mở các lớp hệ trung cấp tại chức, vừa học vừa làm. Cô được người bạn học chung lớp 12, gợi ý nên đi dạy mẫu giáo, rồi học lên từ từ, để có tiền phụ giúp gia đình (ba cô mất năm cô học lớp 5).
“Cơ duyên đưa tôi đến với nghề như một người sinh ra là để nuôi dạy trẻ. Tôi yêu công việc này nên luôn ra sức học tập, rèn luyện để có thể đứng lớp. Trong công việc, tôi có thể say mê đọc thơ, kể chuyện, đóng kịch cùng trẻ… Từ đó tình yêu văn học lớn dần theo năm tháng tôi dạy học.
Đến hôm nay, tôi nhận ra rằng, nghề nuôi dạy trẻ và nghề viết là hai công việc hỗ trợ nhau rất nhiều. Tôi có thể tự sáng tác thơ cho bài dạy, có thể sáng tác truyện thiếu nhi, kể cho trẻ nghe, lắng nghe trẻ để bắt nhịp những ý tưởng sáng tạo cho việc viết của mình. Với tôi, hai công việc này như một mối duyên trời ban cho, để tôi có thể say mê, mà không mệt mỏi”, cô Xuân Đà tâm sự.