Cô giáo 'không lương hưu' vì văn bản chồng chéo

GD&TĐ - Cách đây gần 1 năm, bà Hoàng Thị Lan (nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An) nghỉ hưu theo chính sách tinh giản biên chế. Tuy nhiên sau đó, bà bị cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) hủy quyết định hưởng chế độ hưu trí và thu hồi số tiền lương hưu đã nhận trong 6 tháng.

Bà Hoàng Thị Lan đã có quyết định nghỉ hưu, nhưng không được hưởng lương nên phải vào miền Nam làm lao động thời vụ.
Bà Hoàng Thị Lan đã có quyết định nghỉ hưu, nhưng không được hưởng lương nên phải vào miền Nam làm lao động thời vụ.

Từ đó đến nay, do chưa thống nhất trong việc thực hiện các văn bản hiện hành, mà nữ giáo viên này “đi không được, ở không xong”, không thể tiếp tục đi dạy vì đã có quyết định nghỉ hưu, mà nghỉ thì lại không có chế độ lương. Để đảm bảo cuộc sống, bà Hoàng Thị Lan phải vào miền Nam làm thuê, nhưng cũng chỉ mang tính thời vụ, không được đóng bảo hiểm vì sổ BHXH tại Nghệ An đã “chốt”.

Bỗng dưng bị cắt lương hưu, cô giáo phải vào Nam làm thuê

Bà Hoàng Thị Lan (SN 9/3/1975) nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An. Năm 2021, bà Lan có nguyện vọng được nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế. Theo hồ sơ, tính đến ngày 30/8/2021, bà Lan có tổng thời gian đóng BHXH là 25 năm. Trong đó, thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 6 năm 9 tháng, thời gian làm việc ở vùng có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 là 13 năm 8 tháng.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ và rà soát các điều kiện, UBND huyện Tương Dương đã ban hành Quyết định về việc giải quyết nghỉ hưu theo chính sách tinh giản biên chế đối với bà Hoàng Thị Lan, kể từ ngày 1/9/2021 với mức lương 5,4 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đến ngày 7/1/2022, BHXH huyện này lại ban hành Quyết định số 08 hủy Quyết định hưởng chế độ hưu trí của bà Hoàng Thị Lan. Cùng với đó, truy thu toàn bộ số tiền lương hưu mà bà Lan đã được nhận trong 6 tháng trước đó với lý do bà Lan chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. “Khi nhận quyết định đó, bản thân tôi rất bất ngờ, hoang mang. Tôi xin nghỉ hưu trước tuổi theo diện tinh giản biên chế do điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình vất vả. Nhưng kể từ khi bị hủy quyết định hưởng chế độ hưu, tôi không thể quay trở lại đi dạy, mà cũng bị dừng trả lương”, bà Hoàng Thị Lan nói.

Theo bà Lan, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đang nợ ngân hàng số tiền lớn. Do không có thu nhập, nên từ tháng 3 năm nay, bà phải vào Bà Rịa – Vũng Tàu với con để đi làm công nhân kiếm tiền trang trải cuộc sống và trả lãi. “Ban đầu tôi làm công nhân may, với thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/ngày. Điều kiện làm việc áp lực, căng thẳng theo tiến độ đơn hàng, thấy sức khỏe không đảm bảo nên tôi nghỉ. Sau đó, tôi được giới thiệu sang nấu ăn cho một đơn vị gần cảng biển, công việc đỡ vất vả hơn nhưng phải đi xa nơi trọ khoảng 10km. Do sổ BHXH ở Nghệ An đã chốt nên tôi không được đóng bảo hiểm. Tôi cũng không dám ký hợp đồng lao động với công ty nào vì mình vẫn đang là viên chức và các chế độ vướng mắc, chưa được giải quyết”, nữ giáo viên cho hay.

Đơn trình bày của bà Hoàng Thị Lan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Đơn trình bày của bà Hoàng Thị Lan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Văn bản chồng chéo, giáo viên bị “treo” chế độ

Căn cứ để BHXH Tương Dương, Nghệ An ban hành văn bản hủy quyết định hưởng chế độ hưu trí của bà Hoàng Thị Lan là Công văn số 4192/BHXH-CSXH ngày 17/12/2021 của BHXH Việt Nam. Công văn này dựa theo hướng dẫn của Bộ LĐ,TB&XH để xác định trường hợp người có thể nghỉ hưu trước tuổi và hưởng chế độ hưu trí.

Cụ thể, Thông tư 19 ra ngày 15/12/2021 của Bộ LĐ,TB&XH đã ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để làm cơ sở xác định các trường hợp có thể nghỉ hưu trước tuổi. Trong đó quy định: “Thời gian người lao động làm việc trước ngày 1/1/2021 được căn cứ theo nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên để làm cơ sở xác định các trường hợp có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường”.

Với quy định trên, trường hợp của bà Hoàng Thị Lan chỉ có 13 năm 8 tháng làm việc tại nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 nên chưa đủ 15 năm để được nghỉ chế độ trước tuổi và hưởng lương hưu hàng tháng.

Tuy nhiên, Nghị định số 143 của Chính phủ lại quy định “có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên”.

Bên cạnh đó, Công văn số 4261 của Bộ Nội vụ (ngày 24/8/2021) về xác định tuổi hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Nghị định 143/NĐ-CP có nội dung đối tượng tinh giản biên chế có tuổi hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, cũng nêu: “Có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 thì tùy trường hợp cụ thể được hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 8 Nghị định 108/2012/NĐ-CP”.

Ông Lô Dương Khánh – Trưởng phòng Nội vụ huyện Tương Dương (Nghệ An) - cho biết, theo Nghị định 143 của Chính phủ, bà Hoàng Thị Lan đã có hơn 20 năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng có phụ cấp 0,7. Tuy nhiên, theo các văn bản của Bộ LĐ,TB&XH và BHXH, thì bà Lan lại chưa đủ số năm công tác để về hưu theo diện tinh giản biên chế và hưởng lương hàng tháng. Một bất cập nữa là Thông tư 19 của Bộ LĐ,TB&XH ban hành ngày 15/12/2021 nhưng phạm vi thời gian điều chỉnh là “người lao động trước ngày 1/1/2021”, hồi tố đến gần 1 năm.

Sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của bà Hoàng Thị Lan, Phòng đã có văn bản báo cáo Sở Nội vụ. Sau đó, Sở Nội vụ Nghệ An cũng đã xin ý kiến của Bộ Nội vụ giải quyết trường hợp của nữ giáo viên trên và được phản hồi. Nội dung phản hồi nêu do số liệu về thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của bà Hoàng Thị Lan không thống nhất, nên không có cơ sở để trả lời về việc nghỉ hưu trước tuổi theo quy định.

Đề nghị có sự thống nhất giải quyết chế độ cho giáo viên

Đại diện lãnh đạo huyện Tương Dương cũng chia sẻ với khó khăn của bà Hoàng Thị Lan, nhưng do sự không thống nhất giữa các văn bản hiện hành nên địa phương chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề nghỉ hưu trước tuổi cho nữ giáo viên này. Trong khi đó, bà Hoàng Thị Lan “mắc kẹt” ở giữa, khi quay trở lại đi dạy không được, mà nghỉ thì không có chế độ, lương hưu, ảnh hưởng đến đời sống gia đình.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng có văn bản xin ý kiến các trường hợp khó khăn vướng mắc trong thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Trong đó đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ LĐ,TB&XH và BHXH Việt Nam thống nhất để tỉnh tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách tinh giản biên chế cho người lao động. Cụ thể là với trường hợp bà Hoàng Thị Lan giải quyết theo Điều 8 Nghị định 108 được sửa đổi tại Khoản 2, Điều 1 theo Nghị định 143 là “người lao động có đủ từ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021).

Trong cuộc làm việc giữa Sở Nội vụ Nghệ An và các sở, ngành liên quan, đã đưa ra phương án xử lý gồm: Giải quyết cho bà Lan thôi việc (có trợ cấp thôi việc), chờ đủ tuổi thì nghỉ hưu theo chế độ hoặc bố trí cho bà Lan đi dạy trở lại đến khi đủ điều kiện về hưu. Bà Hoàng Thị Lan cho hay đã được thông tin, trao đổi về 2 phương án này. Bà không đồng tình với phương án thôi việc, nghỉ chờ hưu vì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đời sống gia đình.

“Nguyện vọng của tôi là nếu chưa thể giải quyết nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế, thì tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương có văn bản hoặc quyết định cho tôi quay trở lại đi dạy. Tôi không mong được khôi phục lại chức vụ quản lý như cũ, mà chỉ mong được công tác ổn định, phù hợp chuyên môn để ổn định cuộc sống. Hiện, tôi vẫn đang làm lao động thời vụ ở miền Nam chưa dám về quê, vì nếu nghỉ việc sẽ không có nguồn thu nhập. Mà tiếp tục chờ đợi thì không biết đến bao giờ?” - nữ giáo viên trình bày.

Theo ông Lô Dương Khánh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tương Dương, Nghệ An, ngoài trường hợp bà Hoàng Thị Lan, trên địa bàn còn có trường hợp ông Lô Văn Tuấn rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Tuấn (SN 1968) nguyên giáo viên Trường Tiểu học Nhôn Mai có thời gian đóng BHXH tính đến ngày 30/8/2021 là 30 năm. Trong đó thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 20 năm 2 tháng và thời gian làm việc ở vùng có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 là 2 năm 10 tháng. Hiện, ông Tuấn cũng chưa được giải quyết chế độ BHXH do chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ