Cô giáo dạy Hóa nặng lòng với những mảnh đời kém may mắn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngoài làm tốt công tác chuyên môn Hóa học, cô Lê Thị Mỹ Hạnh của Trường THCS Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) còn say mê với hoạt động thiện nguyện.

Với cô Hạnh, được sẻ chia những khó khăn tới trẻ em nghèo và các phận đời kém may mắn là một niềm vui, hạnh phúc của một nhà giáo. Ảnh: NVCC.
Với cô Hạnh, được sẻ chia những khó khăn tới trẻ em nghèo và các phận đời kém may mắn là một niềm vui, hạnh phúc của một nhà giáo. Ảnh: NVCC.

Hạnh phúc là được cho đi

Đến nay, cô Lê Thị Mỹ Hạnh đã có hơn 26 năm cống hiến trong nghề giáo. Cô đã trở thành một nhà giáo có chuyên môn vững vàng, nhiều năm được phân công bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa học của Quận thi cấp Thành phố đạt giải cao; đồng thời liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở cùng nhiều thành tích khác. Cô đã giành trọn được sự tin yêu, quý trọng của học sinh và phụ huynh, sự mến phục của đồng nghiệp. Đó là phần thưởng vô giá đối với người giáo viên.

Không chỉ vững chuyên môn, hết lòng vì học trò, cô Hạnh còn là người có trái tim nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn, luôn day dứt về những mảnh đời kém may mắn. Vì vậy, ngay từ những năm mới ra trường, cô đã tham gia làm từ thiện như một nhân duyên, lẽ sống ở đời. Đến nay, cô càng bận rộn hơn với những chuyến đi thiện nguyện của mình. Với tâm niệm: “Hạnh phúc là sẻ chia”, cô đã không ngừng kết nối với các nhà hảo tâm để giúp được nhiều người có hoàn cảnh đáng thương, làm vơi bớt những khổ đau phiền muộn.

Cô Lê Thị Mỹ Hạnh tích cực tham gia hiến máu nhân đạo để cứu giúp bệnh nhân.

Cô Lê Thị Mỹ Hạnh tích cực tham gia hiến máu nhân đạo để cứu giúp bệnh nhân.

Đôi chân ấy hàng tuần vẫn rong ruổi trên từng cây số để đến những nơi cần đến. Đôi tay ấy đã nấu bao nồi cháo yêu thương, phát bao suất quà làm ấm lòng người nhận. Trái tim ấy đã bao lần nhói buốt khi chứng kiến những phận đời bất hạnh. Với mong muốn được sẻ chia giúp đỡ nhiều mảnh đời, nhóm từ thiện 'Hạnh phúc' do cô Hạnh sáng lập đã ra đời vào tháng 11/2011. Địa điểm từ thiện chính là Khoa Tim mạch - Bệnh viện E Hà Nội.

Cô Hạnh chia sẻ: “Nhìn những gương mặt ngây ngô, ánh mắt thất thần, lúc khóc lúc cười mà trong lòng chúng tôi không khỏi xót xa, quặn thắt như chính người thân của mình. Chỉ có trái tim yêu thương, giàu lòng trắc ẩn mới cảm thông và thấu hiểu đến tận cùng nỗi khổ đau của người khác như vậy".

Cứ đều đặn vào cuối tuần, cô Hạnh cùng các thành viên trong nhóm lại đến phát cháo dinh dưỡng cùng bánh mì, sữa… cho những bệnh nhân đang điều trị dài ngày ở đây. Cả người nhà đang chăm nuôi có hoàn cảnh khó khăn cũng được nhận đồ ăn miễn phí. Hình ảnh đó đã trở nên rất đỗi quen thuộc và thân thương với người bệnh và các y, bác sĩ trong Khoa. Những túi quà đó không chỉ là giá trị vật chất mà còn thấm đượm tình yêu thương chia sẻ.

Việc làm của cô và nhóm ngày càng lan tỏa, được nhiều người biết đến và tham gia, ủng hộ. Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, bước chân cô càng gấp gáp hối hả hơn để kịp trao những suất quà cho người nghèo, người khuyết tật và nạn nhân da cam để phần nào vơi bớt khó khăn và xoa dịu nỗi đau cho những phận người éo le.

Mang hơi ấm tình thương đến với trẻ vùng cao

Trẻ vùng cao còn nhiều thiếu thốn, khó khăn hơn so với thành thị.

Trẻ vùng cao còn nhiều thiếu thốn, khó khăn hơn so với thành thị.

Là một giáo viên, cô Hạnh hiểu được nỗi khó khăn, thiếu thốn của những học trò vùng sâu, vùng xa trong hành trình đến với con chữ đầy nhọc nhằn và gian nan. Thương nhất là những em nhỏ trong mùa đông giá lạnh vẫn phong phanh manh áo mỏng, mặt mũi tím tái, đôi chân trần tê buốt phải vượt qua cả quãng đường dài hun hút gió để đến trường. Thực tế đó đã thôi thúc những bước chân thiện nguyện trên những cung đường xa xôi, hiểm trở để mang hơi ấm tình thương đến với học trò ở các điểm trường như Yên Minh - Hà Giang, Sín Chéng - Lào Cai.

"Những đồ dùng thiết thực nhất đã được chuẩn bị chu đáo chẳng khác nào tấm lòng người mẹ lo cho con như áo ấm, chăn gối, sách vở, xe đạp, bánh, sữa… Nhìn những đôi mắt lấp lánh niềm vui cùng nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt trẻ thơ mà trong lòng chúng tôi cảm thấy ngập tràn hạnh phúc. Đó là động lực to lớn để những người làm từ thiện tiếp tục hành trình 'gieo nhân ái, gặt yêu thương' với những số phận kém may mắn" - cô Mỹ Hạnh tâm sự.

Công tác cùng trường với cô Hạnh đã nhiều năm, cô Phạm Thị Hường - Giáo viên Ngữ văn Trường THCS Phú Diễn bày tỏ niềm khâm phục, quý trọng trước tinh thần và những việc làm của người đồng nghiệp. Với bản tính thông minh, nhanh nhẹn, chịu khó, ham học hỏi, cô Lê Thị Mỹ Hạnh đã nhanh chóng hoà nhập và thích nghi với môi trường mới. Như một hạt giống tốt được gieo vào mảnh đất màu mỡ, cô đã phát huy được năng lực và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp "trồng người”.

"Hạnh là một người em, cô giáo dạy Hóa rất có tình thương người. Chính những lần chúng tôi được cùng tham gia, ủng hộ vào các chương trình từ thiện của nhóm từ thiện mới thấy được hết tâm huyết, sự nhiệt tình của cô để hướng đến những mảnh đời khó khăn. Đây thực sự là tấm gương đáng để cho mọi người học tập khi cô Hạnh vừa vững chuyên môn, lại tích cực tham gia công tác xã hội" - cô Hường nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...