Phạm Thị Tuyết Mai. Ảnh do nhân vật cung cấp (VNEXPRESS)
Chia sẻ với PV Tiền Phong, chị Mai cho biết chị đã được chính quyền Pháp trả tự do sau khi chị, thông qua các luật sư, đã trình đầy đủ thông tin ngoại phạm, và chứng minh các giấy tờ cá nhân của chị bị làm giả, với các thông tin khác với bản gốc.
Chị cho biết cảnh sát Bỉ không điều tra kỹ lưỡng, vì cảnh sát Hà Lan trước đó đã xác minh với Bỉ rằng giấy tờ của chị bị làm giả.
9 năm trước, vào tháng 3/2010, sau khi kết thúc 5 năm học và làm việc ở Amsterdam, Hà Lan, chị và chồng cũ (khi đó là bạn trai), quyết định cùng nhau về Việt Nam sống và làm việc.
Trong 9 năm qua, do bận bịu với cuộc sống và phát triển sự nghiệp nên chị Mai chỉ quay lại châu Âu một lần duy nhất vào tháng 11/2011, nhân chuyến đi công tác sang Tây Ban Nha.
Đến tháng 12/2018, anh Daniel, bạn trai hiện tại, rủ chị Mai về thăm nhà ở Malta.
Sáng ngày 18/12/2018, sau gần 13 tiếng bay từ Hà Nội, chị Mai và anh Daniel đáp xuống sân bay Charles de Gaulle, Paris, để nối chuyến đến Malta.
Sau khi bị bắt, chị Mai phải ra tòa ở Paris vào ngày 19/12.
Tại tòa án, chị Mai khẳng định chị có đầy đủ bằng chứng với lịch sử các dấu đóng (enter & exit) ra vào châu Âu trên hộ chiếu của chị. Chị đã xuất cảnh khỏi Hà Lan và vào Việt Nam từ tháng 3/2010. Vụ án ở Bỉ xảy ra giai đoạn tháng 10/2010 đến tháng 5/2011 ở Bỉ. Chị khẳng định mình không thể phạm pháp trong giai đoạn này ở Bỉ vì không có visa từ Việt Nam sang châu Âu. Hộ chiếu của chị không có lịch sử các dấu đóng (enter & exit) ra vào châu Âu trước, trong hay sau giai đoạn này nên không thể ra vào châu Âu và đến Bỉ để phạm pháp.
Cho đến T11/2011, chị mới đi công tác sang Tây Ban Nha, visa của chị được cấp bởi sứ quán Tây Ban Nha ở Hà Nội và cũng có dấu ra vào châu Âu trong vòng 1 tuần theo đúng lịch trình công tác. Chị Mai cũng có hồ sơ làm việc cho nhãn hàng Mango & công ty Maison từ T5/2010 đến hết T5/2012. Ngoài ra, chị còn tổ chức đám cưới vào T4/2011 ở Hà Nội.
Xét thấy bản án đối với chị Mai có những điểm bất hợp lý, luật sự đề nghị tòa cho chị Mai được tại ngoại, nhưng không xuất cảnh khỏi Pháp chờ phiên tòa tiếp theo.
Bài học về giấy tờ tuỳ thân
Được trở về nước hôm 5/4, sau hơn 3 tháng phải ở lại Paris, chị Mai nói rằng chị đã may mắn khi được minh oan sau thời gian ngắn như vậy, vì những trường hợp tương tự có thể kéo dài đến vài tháng hoặc nửa năm mới giải quyết xong.
Sau vụ việc này, chị Mai khuyên mọi người khi ra nước ngoài cần chú ý bảo vệ giấy tờ cá nhân, kể cả bản sao, còn bản gốc sau khi hết hạn cũng phải giữ lại để lỡ xảy ra việc gì còn có căn cứ đối chiếu.
“Tôi quá may mắn, nhưng nhiều người khác không gặp may mắn như thế. Mọi người nên cẩn thận vẫn hơn”, chị chia sẻ.
Vụ việc khép lại, chị Mai gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ của các luật sư, những người Pháp đã cưu mang chị, cán bộ Việt Nam ở Đại sứ quán tại Pháp đã giúp chị vượt qua rắc rối pháp lý này, cũng như cảm ơn những người thân và bạn bè đã tin tưởng chị trước cơn bão những thông tin bịa đặt thất thiệt và nhẫn tâm trên mạng xã hội.