Theo nội dung trong đoạn video clip cho thấy, một cô gái đang đi cùng người khác đã bị nhóm nam thanh niên khoảng 5-7 người “bắt về làm vợ”. Trong đoạn video clip có thể thấy khi bị nhóm nam thanh niên lôi kéo, cô gái đã ra sức chống cự thể hiện thái độ không đồng tình trước việc làm của nhóm nam thanh niên trên.
Sự việc được diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng không ai có động thái can thiệp hành vi của nhóm nam thanh niên trên.
Sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, đoạn video clip trên đã nhận được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Nhiều ý kiến tỏ thái độ không đồng tình trước việc làm của nhóm nam thanh niên trên cũng như những người chứng kiến sự việc nhưng không có động thái can thiệp.
Theo tìm hiểu, vụ trên xảy ra tại địa bàn thị xã Sa Pa (Lào Cai). Cô gái xuất hiện trong video clip là H.T.M. (16 tuổi, trú tại tổ 2, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa). Nam thanh niên có hành vi cùng nhóm người “bắt vợ” là G.A.T. (20 tuổi, trú tại tổ 1, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa).
Liên quan đến vụ việc, bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin của đoạn video clip lan truyền trên mạng xã hội xảy ra trên địa bàn đơn vị đã khẩn trương phối hợp cùng các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh sự việc trên.
Qua xác minh được biết, ngay sau khi cô gái bị nam thanh niên bắt về làm vợ, nhà gái đã đến nhà trai xin đưa về vì cô bé này chưa đủ tuổi kết hôn. Sau đó, gia đình nhà trai đã đồng ý để cô gái về nhà. Cô gái bị bắt về làm vợ cũng chưa thích chàng trai và có mong muốn về nhà.
Bà Vượng cho biết thêm, vào đầu xuân hàng năm theo phong tục của người dân H"Mông thì các chàng trai có tục đi "bắt vợ". Tuy nhiên, việc "bắt vợ" chỉ là thủ tục còn trước đó giữa người nam và người nữ đã có sự tìm hiểu và thích nhau từ trước và việc bắt chỉ là lấy lệ.
Sự việc cô gái bị bắt mới đây thì người nữ chưa thích, chưa đồng ý để người nam bắt đi nên xảy ra việc giằng co như trong clip.
"Nhiều năm qua, chính quyền cơ sở và các cơ quan của các thôn, bản thông qua các chương trình họp, tuyên truyền vận động và các quy ước, hương ước đều có việc phòng chống việc tảo hôn, thủ tục lạc hậu.
Sau khi sự việc trên xảy ra thị xã Sapa đang hướng đến việc giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình đặc biệt ở khối các trường THPT và THCS là nhóm nằm trong việc có thủ tục bắt vợ để họ nâng cao nhận thức về việc bắt vợ.
Đặc biệt là các bạn nữ biết và có công cụ tự bảo vệ mình khi bị bắt ép về làm vợ và các bạn trai cũng không nên có các hành động ép buộc người khác về làm vợ.
Còn trong trường hợp người nam, nữ đã đủ tuổi kết hôn và có tình cảm với nhau thì việc kéo về làm vợ để lấy lệ thì hoàn toàn bình thường...", bà Vượng nói.