Tại Hội thảo về phòng, chống ung thư TP.HCM vừa qua, bác sĩ khoa Điều trị tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, bệnh nhân là chị T.N., 28 tuổi (ở quận 9, TP.HCM). Trước đó năm 2016, chị N. được chẩn đoán ung thư vú trái. Bác sĩ tiến hành cắt bỏ vú trái và tái tạo bằng túi độn silicone và hẹn tái khám định kỳ 3 tháng một lần.
Qua 3 năm ổn định cho đến tháng 6/2019, bệnh nhân tái khám theo định kỳ thì bác sĩ phát hiện túi độn silicone bị vỡ trong khi chị N. không hề hay biết. Bệnh nhân được phẫu thuật lấy túi độn cũ và thay túi độn mới.
Các chuyên gia chia sẻ rằng, theo các nghiên cứu túi độn silicone đạt tỉ lệ bảo tồn không vỡ lên đến 98% sau 5 năm và 83-85% tồn tại đến 10 năm, trung bình 1 túi silicone độ bền ít nhất từ 6-8 năm.
Theo các bác sĩ BV Ung Bướu TP.HCM, đa số các ca vỡ túi silicone khó phát hiện và cũng không ảnh hướng đến sức khỏe bệnh nhân. Nguyên nhân chủ yếu làm vỡ túi độn silicone do tác động bởi các dụng cụ phẫu thuật.
Hình ảnh sau khi đặt túi ngực cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC |
Để phát hiện tình trạng vỡ túi ngực thường sẽ có nhiều thay đổi hình dạng vú, kích thước hoặc độ săn chắc; co thắt vỏ bao túi độn; sờ thấy khối u hoặc đau vú bệnh nhân nên đi khám bác sĩ. Đến bệnh viện làm kiểm tra như chụp MRI, siêu âm, nhũ ảnh, CT có thể đánh giá được 90% tình trạng túi ngực độn.