Chiếc nhẫn là minh chứng của tình yêu?
Các cô gái trẻ và nhiều phụ nữ trưởng thành tin rằng, khi người đàn ông trao nhẫn cho mình tức là đã trao cho mình một lời thề ước. Các nàng coi đó như là minh chứng của tình yêu, là sự ràng buộc khi chiếc nhẫn lấp lánh trên tay mình. Nhưng hầu hết đàn ông không nghĩ thế. Họ chỉ coi đó là món quà giá trị, cũng như một món đồ công nghệ chứ không mang hàm ý gì. Chỉ là các nàng đã ảo tưởng và ngộ nhận quá nhiều.
Khi còn trẻ, hầu hết những người phụ nữ đều tin rằng, việc tuyên bố chủ quyền là chứng tỏ được mình đã chiếm hữu tuyệt đối được một ai đó. Các nàng mãn nguyện khi chàng chịu đeo chiếc dây có mặt là chữ cái mang tên mình, cùng xỏ vào tay chiếc nhẫn đôi, dây chuyền đôi, áo đôi. Các nàng cho rằng, việc đặt trạng thái quan hệ trên Facebook là thể hiện sự chung thủy và nghiêm túc của người ta vào một mối tình. Nhưng các nàng quên mất rằng, một chiếc xe thuộc quyền sở hữu của người này nhưng vẫn có thể có nhiều người khác cầm lái.
Thực ra, các nàng trách móc những người đàn ông phũ phàng với các nàng, nói không yêu là không yêu, nói dứt bỏ là dứt bỏ, không cho các nàng một chút hi vọng là tàn nhẫn. Nhưng thực ra, tàn nhẫn hơn cả chính là gieo cho họ một sự hi vọng trong ngộ nhận để sau đấy phải bẽ bàng.
Cô bạn tôi từng yêu một người đàn ông tương đối thành đạt. Anh ta đưa cô về thăm căn hộ riêng của mình, đưa cô đi cùng với bạn bè, về thăm nhà và tặng cho cô nhẫn. Đến khi cô nói cô có thai, tưởng anh ta sẽ nhảy cẫng lên sung sướng, không ngờ lại tỏ ra vô cùng hoảng loạn. Anh ta nói không sẵn sàng cho cuộc hôn nhân với cô, không sẵn sàng làm cha của đứa bé do cô sinh ra. Cô chì chiết anh ta đểu cáng, lừa phỉnh cô. Nhưng thực ra, anh ta không hề phỉnh lừa cô.
Kết hôn chưa chắc đã chiếm được tình yêu
Đàn ông rất đơn giản, họ sống thực tế. Họ có thể thể hiện khi họ yêu, họ chỉ có duy nhất một người nhưng điều đó không có nghĩa họ đã nghĩ đến đám cưới và mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Nếu họ không bao giờ hứa hẹn, không bao giờ vẽ ra viễn cảnh gia đình hạnh phúc mà trong đó có bạn thì dù anh ta có xỏ chiếc nhẫn vào tay bạn, chiếc nhẫn cũng chẳng có giá trị gì.
Nhiều phụ nữ cho rằng, yêu là để cưới và họ khéo tưởng tượng, khéo suy diễn. Nhưng đàn ông thì không. Ngay cả khi cưới, chưa chắc đã là vì yêu. Với nhiều đàn ông, họ lấy vợ vì nghĩa vụ, còn với họ, sự nghiệp, gia đình (tức là bố mẹ anh ta) quan trọng hơn nhiều. Vì thế, đừng bao giờ nghĩ chỉ cần kết hôn tức là đã chiếm được tình yêu. Và đàn ông sẽ chẳng bao giờ cố gắng để yêu một người, với họ, không yêu là không yêu. Họ cố chấp như vậy đó. Vì vậy, đừng bao giờ để họ nghĩ kết hôn là món quà tối thượng dành cho phụ nữ, vì họ vẫn luôn đặt mình ở vị trí của người ban ơn.
Một chị bạn tôi kể, chị được cầu hôn theo kiểu lạ đời. Người đàn ông của chị dẫn chị ra công viên rồi chìa ra cho chị ba tấm thẻ ngân hàng, là tất cả số tiền anh có, cùng với chùm chìa khóa, nói chị cần phải giữ chúng để còn chăm lo cho nhà cửa, cho anh ấy và cho cả con của hai người. Sau một hồi, chị hỏi, cầu hôn sao không có nhẫn. Anh nói, tại thấy tay chị hay làm việc, đeo nhẫn bất tiện nên không mua. Vậy mà cũng cưới, cũng sống bên nhau hạnh phúc đến cả hai chục năm nay, dù họ chẳng bao giờ đeo nhẫn cưới hay để trạng thái quan hệ trên Facebook.
Ajah Chaan nói rằng, sự ràng buộc là nguồn gốc của mọi khổ đau. Tôi tin rằng ràng buộc vào một người, một lời nói đã khổ đau muôn phần, ràng buộc vào vật chất lại càng khổ đau gấp bội. Vì vật chất có thể mất đi, có thể hao mòn, nó không minh chứng được nhịp đập trong lồng ngực của một ai. Ngay cả bia đá khắc tên còn hóa vô nghĩa thì chiếc nhẫn nhỏ bé có thể mua ở bất cứ tiệm kim hoàn nào đâu thể trói buộc được trái tim người nào.
Hãy cứ yêu, cứ tin vào tình yêu, tin vào người mình yêu, tin vào hạnh phúc, nhưng đừng tin vào chiếc nhẫn. Mọi vật chỉ có ý nghĩa khi người ta gán cho nó một kỉ niệm mà thôi.